Tàu cá thừa sức ngựa, thiếu sức người

Đàn ông ở các làng biển rời quê đi làm ăn xa đã đẩy tình trạng khan hiếm lao động trên tàu cá trở nên nan giải hơn bao giờ hết, nhiều tàu phải nằm bờ...

Những năm gần đây, Xưởng đóng tàu Viễn Đông trên địa bàn Sa Huỳnh, thuộc xã Phổ Thạnh (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) hoạt động rất hiệu quả. Cứ mỗi quý, xưởng hạ thủy 2 đến 3 tàu cá công suất trên dưới 500 CV, bổ sung vào đoàn tàu 1.100 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ.
Ông Lê Trung Thành, Giám đốc Xưởng đóng tàu Viễn Đông, cho biết chủ của những chiếc tàu này hầu hết là trẻ, tuổi đời trên dưới 30, có tinh thần lập nghiệp cao. Họ mạnh dạn vay vốn ngân hàng 3, 4 tỉ đồng đóng tàu to, gắn máy lớn để vươn tới ngư trường Trường Sa - Hoàng Sa, thực hiện khát khao làm giàu chính đáng và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có đến trên 60% số tàu cá Sa Huỳnh ăn nên làm ra, giàu lên nhanh chóng. Trong đó, thôn Thạnh Đức 2 được mệnh danh “Thôn tỉ phú” là nhờ vay vốn ngân hàng đóng tàu cá công suất lớn theo chính sách ưu đãi của nhà nước.
Tuy nhiên, việc đóng mới tàu cá một cách ồ ạt đang dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động biển vì cung không đủ cầu, dù địa bàn này có đến trên 25.000 người với gần 8.000 ngư dân. Trước mỗi phiên biển, nhiều nhà tàu đã phải “đốt đuốc” tìm bạn thuyền. Không thể để tàu nằm bờ, họ phải “trải thảm” mời lao động về tàu mình bằng cách ứng trước 60 - 100 triệu đồng/người/năm mà chẳng có một dòng chữ, hợp đồng ràng buộc nào. Có không ít lao động sau khi nhận tiền của chủ tàu đã không thực hiện đầy đủ lời hứa. Họ đi biển không thường xuyên, thậm chí trốn khỏi địa phương hoặc bỏ sang tàu khác vì mức tiền “chiêu dụ” cao hơn. Nhiều vụ cãi vã, xô xát giữa chủ và thợ, gây mất trật tự địa phương bắt nguồn từ đây. Một chủ tàu ví von rằng làng biển này không hiếm những con tàu có công suất trên 500 CV (ngư dân gọi là sức ngựa). Sức ngựa dồi dào mà sức người thì quá thiếu. Có lẽ đây là một trở ngại không nhỏ cho sự phát triển kinh tế biển ở Sa Huỳnh.
Tàu cá thừa sức ngựa, thiếu sức người 1
Không có bạn thuyền, tàu của ông Phạm Văn Tương đành nằm bờ Ảnh: K.A
"Mua" bạn thuyền
Trong khi đó, ở tỉnh Quảng Bình, theo đánh giá của nhiều chủ tàu, chưa năm nào tình trạng thiếu bạn thuyền tại các xã biển lại lớn như năm nay. Tại xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới), đến hôm 9.3 con tàu có công suất 440 CV của ông Phạm Văn Tương vẫn chưa ra khơi được vì không có lao động. Chỉ tay về phía con tàu, ông Tương buồn bã: “Hằng năm, cứ sau rằm tháng giêng là chúng tôi đi rồi. Nhưng đến giờ qua rằm đã gần 1 tháng mà tàu vẫn nằm đó...".
Không thể để các chuyến ra khơi bị "đóng băng", nhiều chủ tàu lặn lội kiếm người. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là phương cách “mua” bạn thuyền. Ông Tương lý giải, trước đây tiền công trả cho bạn thuyền được tính dựa trên sản lượng sau mỗi chuyến đi biển. Còn nay, chủ tàu phải giao ước trả tiền công trước cho mỗi chuyến đi; tùy theo số lượng ngày và cự ly mà trả, bình quân 5 triệu đồng/chuyến. Yêu cầu chi trả tiền công cố định vô tình tạo nên sức ép với chủ tàu vì không ai biết chắc chuyến biển sẽ lời lỗ thế nào. Chủ tàu nào không có đủ điều kiện kinh tế để "mua" bạn thuyền thì đành cho tàu nằm bờ, mà trường hợp ông Tương là ví dụ.
Gia đình anh Hồ Văn Thìn và chị Võ Thị Tâm (ở xã Đức Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) có vẻ may mắn hơn, vì "mua" được 6 bạn thuyền từ các xã lân cận với mức 5 triệu đồng/người sau nhiều ngày săn lùng. “Sức ép kinh tế vô cùng lớn, bởi không biết sản lượng đánh bắt chuyến này như thế nào nhưng chúng tôi phải bỏ ra 30 triệu đồng để trả tiền công trước. Rồi tiền dầu, tiền thức ăn..., hết gần 80 triệu đồng cho một chuyến ra khơi”, chị Tâm chia sẻ.
Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, cho biết mặc dù là một xã biển đông dân cư nhưng tình trạng thiếu bạn tàu vẫn diễn ra phổ biến. Với 237 chiếc tàu công suất 200 - 800 CV, Đức Trạch xếp vào nhóm địa phương có tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh Quảng Bình. Nhưng giờ đây, cả xã thiếu hơn 400 bạn thuyền.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân thiếu hụt lao động xuất phát từ việc đàn ông địa phương rời quê đi nơi khác kiếm việc ngày một tăng, trong đó xuất khẩu lao động ở nước ngoài và vào nam lập nghiệp chiếm số lượng lớn. Thống kê của UBND xã Đức Trạch cho biết hiện toàn xã có hơn 500 lao động đang làm việc tại nước ngoài, riêng năm 2016 có đến hơn 200 người đi. Ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch, cho hay nhiều thanh niên đã xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc làm nghề đánh cá. Chủ tàu Hàn Quốc thấy ngư dân Việt giỏi nghề, lại có kinh nghiệm nên tiếp tục nhờ giới thiệu và kéo người khác sang. Vì thế, các chủ tàu ở Đức Trạch đã phải lân la sang các xã khác như Ngư Thủy Bắc (H.Lệ Thủy), Hải Ninh (H.Quảng Ninh), Hải Trạch, Phú Trạch, Nhân Trạch (H.Bố Trạch)... để tìm người làm công. Vất vả là thế, nhưng không tàu nào kiếm đủ bạn thuyền”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.