Thị trường tỉ USD màu mỡ

24/07/2017 08:43 GMT+7

Với quy mô thị trường có thể đạt mốc 1 triệu tỉ đồng vào năm 2019 và nhu cầu vay vốn tiêu dùng, học tập, y tế, du lịch... ngày càng tăng, thị trường tài chính tiêu dùng của VN đang đứng trước cơ hội vàng phát triển.

Với quy mô thị trường có thể đạt mốc 1 triệu tỉ đồng vào năm 2019 và nhu cầu vay vốn tiêu dùng mua xe máy, máy tính, điện thoại, thậm chí là các dịch vụ phục vụ cho học tập, y tế, du lịch... ngày càng tăng, thị trường tài chính tiêu dùng của VN đang đứng trước cơ hội vàng phát triển.
Chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực cho biết tính đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn nền kinh tế đạt 646.000 tỉ đồng (khoảng 28 tỉ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. Còn theo dự báo mới nhất của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỉ đồng vào năm 2019.


Nếu không có tài chính tiêu dùng, các khách hàng là những người có thu nhập thấp và trung bình, không có tài sản thế chấp và không chứng minh được thu nhập để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng từ ngân hàng thương mại chỉ có cách tìm đến tín dụng đen với lãi suất cắt cổ và rất nhiều hệ lụy kèm theo

Ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cũng đưa ra một con số đáng chú ý là tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của VN đã tăng phi mã từ 52,5% vào năm 2005 lên đỉnh điểm 77,7% vào năm 2009. Giai đoạn 2010 - 2016, nền kinh tế rơi vào suy giảm khiến chỉ số này cũng suy giảm đến đáy vào năm 2012, nhưng từ năm 2013 đến nay tỷ lệ này liên tục tăng cao và đạt 78,34% vào năm 2016.
Mặc dù có quy mô lớn, tốc độ tiêu dùng của người dân tăng rất nhanh song tín dụng tiêu dùng trong lĩnh vực này vẫn còn khá khiêm tốn. Báo cáo mới nhất của Hãng nghiên cứu StoxPlus công bố tháng 6.2017 cho thấy, tín dụng tiêu dùng của VN chỉ chiếm có 9,8% tổng dư nợ, thấp hơn so với Malaysia (14%), Anh (16%), Mỹ (23%). “Điều này cho thấy dư địa phát triển cho vay tiêu dùng cá nhân tại VN vô cùng lớn, đây thực sự là mảnh đất màu mỡ”, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, nhận định.
Vẫn theo TS Kiêm, thị trường tài chính tiêu dùng cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn khi thị phần tín dụng tiêu dùng tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại, chiếm 87,6% và phục vụ cho gần 40% nhóm khách hàng trong độ tuổi lao động (tương đương gần 20 triệu khách hàng) với các gói tín dụng có giá trị cao, trong khi không phải bất cứ người dân nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận ngân hàng với hàng loạt thủ tục, điều kiện vô cùng khắt khe. Do đó, việc mở thêm một kênh cho vay với thủ tục gọn nhẹ, đa dạng, đáp ứng nhanh chóng mọi nhu cầu như vay mua xe, vay tiền mặt phục vụ tiêu dùng hằng ngày, vay mua thiết bị điện máy điện tử, vay mở cửa hàng… với số vốn chỉ trên dưới 100 triệu là cần thiết hiện nay.
“Nếu không có tài chính tiêu dùng, các khách hàng là những người có thu nhập thấp và trung bình, không có tài sản thế chấp và không chứng minh được thu nhập để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng từ ngân hàng thương mại chỉ có cách tìm đến tín dụng đen với lãi suất cắt cổ và rất nhiều hệ lụy kèm theo”, ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit, phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.