Trù phú nơi ‘vùng đất chết’

30/04/2017 06:14 GMT+7

Từng là nơi bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh với mệnh danh là một trong những 'vùng đất chết', nay Long Khánh, Xuân Lộc trở thành hai trong số địa phương của Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước.

Vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chạy dọc QL1A qua TX.Long Khánh (Đồng Nai), một màu xanh mướt của cây trái cho thấy sự trù phú. Khắp các con đường, ngõ hẻm ở TX.Long Khánh rực rỡ hơn bởi màu cờ đỏ sao vàng, những con đường hoa phượng, hoa bằng lăng nở rộ.
Xã Suối Tre là một điểm sáng của TX.Long Khánh về xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo ông Trần Vĩnh Hiền, Chủ tịch UBND xã Suối Tre, năm 2013 Suối Tre là một trong những xã đầu tiên của cả nước được công nhận đạt chuẩn NTM và chuẩn NTM nâng cao năm 2016. Từ đó đến nay, diện mạo địa phương thay đổi đáng kể, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội. Đường trục thôn xóm được nhựa hóa, bê tông hóa 100%; đường ngõ, xóm được bê tông hóa 85,7% và luôn thực hiện “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Đến nay 100% khu dân cư tập trung ở các ấp đã có lưới điện quốc gia. Riêng năm 2016, dân tự đầu tư trên 7 km điện chiếu sáng đèn compact, với tổng giá trị trên 350 triệu đồng... Đời sống đại bộ phận nông dân được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 53,8 triệu đồng/người/năm.
Ông Văn Viết Tuyên (64 tuổi, xã Suối Tre), người chứng kiến những thăng trầm và đổi thay của vùng đất Long Khánh, nhớ lại: “Sau giải phóng, vùng đất này bị tàn phá nặng nề, tan nát hết. Đời sống người dân cực khổ, chợ thì lụp xụp ven đường, trường học, bệnh viện thưa thớt, đường đất bụi cuốn mù trời” và hồ hởi: “Đến nay thì phát triển gấp hàng chục đến cả trăm lần rồi. Nhất là khi có phong trào xây dựng NTM. Ban đêm đèn đường sáng choang, cửa hàng dịch vụ san sát và sầm uất chẳng khác gì ở thành phố”.
Được tách ra từ Long Khánh, “người anh em” Xuân Lộc cũng không chịu kém cạnh trong cuộc đua phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng NTM. Hồi tưởng lại ký ức 40 năm qua, ông Hồ Quang Bửu (77 tuổi, nguyên Bí thư xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc giai đoạn 1971 - 1983) kể: “Sau giải phóng, vùng Bảo Chánh (xã Xuân Thọ bây giờ) chỉ chưa đến 120 nóc nhà, toàn kiểu “nhà tranh cọng sậy”, dân cư thưa thớt điêu tàn, chợ chỉ dăm ba người bán. Đời sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, rất cực khổ. Sau này, chính quyền kêu gọi và vận động người dân từ trên Long Khánh về và từ ngoài miền Trung vào khai hoang lập nghiệp. Người dân tập trung xây dựng lại nhà cửa, sản xuất nông nghiệp như lúa, điều và làm rẫy. Tình hình cứ thế chuyển biến qua từng năm, thôn xóm trở nên trù phú hơn”.
Đến giai đoạn 1984 - 1985, cả nước bước vào quá trình cải tạo nền nông nghiệp, xây dựng các tập đoàn sản xuất. Riêng xã Xuân Thọ có tới 12 tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Ngoài cây lúa, xã còn phát triển mạnh cây tiêu, điều và cà phê vùng quanh núi Chứa Chan. “Mấy năm nay mọi mặt ở xã thay đổi hoàn toàn, mỗi năm mỗi khác, nhất là khi có phong trào xây dựng NTM. Địa phương chuyển đổi cây trồng, thu nhập mỗi năm càng cao. Có ấp phát triển hàng ngàn héc ta tiêu, điều. Kinh tế phát triển, nhà cửa, đường sá, chợ và trường học to đẹp khang trang. Trước đây, tôi không nghĩ một vùng đất đai cằn cỗi, bị chiến tranh tàn phá đến điêu tàn mà phát triển thần kỳ được như vậy”, ông Bửu nói.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang mới xây trị giá hơn 2 tỉ đồng, ông Nguyễn Trung (73 tuổi, xã Xuân Thọ), tâm sự năm 1977, cả nhà ông từ miền Trung dắt díu nhau vào nam mưu sinh. Lúc bấy giờ vùng đất Xuân Thọ dân cư thưa thớt, mỗi nóc nhà cách xa nhau tới 300 m. Những năm mất mùa, cả nhà lăn lóc với cơn đói, cuộc sống cam go khốn đốn. Thế mà giờ 7 đứa con ông đều được học hành và thành đạt, người thì làm giáo viên, kiến trúc sư, kỹ sư hàng không và ngân hàng.
Ông Phan Thanh Xứng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, chia sẻ: “Xuân Thọ là một xã anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau hơn 40 năm được giải phóng, bộ mặt kinh tế, xã hội đã có nhiều thay đổi vượt bậc, nhất là quá trình xây dựng NTM. Xuân Thọ được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2013 - 2014 và NTM nâng cao năm 2016. Đến nay, xã đã khoác lên mình “tấm áo mới”. Đó là sắc xanh của những rẫy tiêu, điều, cánh đồng lúa, rau... bạt ngàn. Màu đỏ tươi của những mái nhà, ngôi trường khang trang”, ông Xứng tự hào.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn và xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 113 xã đạt chuẩn NTM, đạt 84,9% tổng số xã. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt hơn 29.000 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt hơn 43,6 triệu đồng/người/năm.
Đổi thay trên đất anh hùng Vĩnh Viễn
Trong chiến tranh, xã Vĩnh Viễn (H.Long Mỹ, Hậu Giang) bị cày xới khắp nơi bởi bom đạn, nhưng nhờ chung sức chung lòng mà nay ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Hoàng Thinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Viễn, nói: “Đây là vùng trọng điểm đánh phá của địch nên chiến tranh rất ác liệt. Pháo binh từ các đơn vị của địch cứ ngày đêm dội về, rồi chúng liên tục đổ quân càn quét. Nhiều đồng đội của tôi đã nằm xuống để cho có cuộc sống thanh bình như hôm nay”.
Theo ông Huỳnh Thanh Đạt, Phó chủ tịch UBND xã, sau khi đất nước thống nhất, vùng này không đường đi, không điện, đi khám bệnh phải bơi xuồng rất xa mới tới trạm y tế... Chính những khó khăn đó đã thôi thúc người dân Vĩnh Viễn đồng lòng với Đảng, Nhà nước xây dựng quê hương phát triển. Từ năm 2011, khi địa phương tập trung đầu tư xây dựng NTM, nông thôn Vĩnh Viễn đổi thay rất nhanh, kinh tế phát triển rõ nét, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất thì cơ giới hóa.
Bây giờ, thay cho những tuyến lộ đất là các con đường nhựa, bê tông thẳng tắp; 100% đường ngõ, xóm không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa; hơn 80% hộ dân có nhà kiên cố, không còn nhà tạm bợ; chợ Vĩnh Viễn sầm uất, tập trung nhiều sản phẩm hàng hóa là nơi buôn bán của hàng trăm tiểu thương, nhiều ngôi trường mới khang trang mọc lên cùng khu chợ sầm uất. Xã Vĩnh Viễn trở thành xã nông thôn mới và là trung tâm H.Long Mỹ.
Nguyên Đạt
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.