Vay vốn dễ nhưng không rẻ

30/11/2016 10:08 GMT+7

Phía sau mỗi đồng vốn ưu đãi với điều kiện vay dễ dãi của Trung Quốc luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đó là cảnh báo của các chuyên gia tại hội thảo “Đánh giá về tác động của vốn vay Trung Quốc” do Viện Kinh tế và Chính trị thế giới phối hợp với Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR) tổ chức ngày 29.11.

tin liên quan

Từ chối 'nguồn vốn nguy hiểm'
Trong bối cảnh thiếu trầm trọng vốn đầu tư hạ tầng, có được nguồn vốn từ các quốc gia hay vùng lãnh thổ là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, không phải nguồn vốn nào chúng ta cũng có thể dễ dãi chấp nhận.
Cần vốn nhưng có quyền lựa chọn
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, trong vài năm qua Trung Quốc cung cấp tới 116,4 tỉ USD ra phạm vi toàn cầu. Tại châu Phi, vốn đầu tư của Trung Quốc chiếm 80% tổng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Một loạt các định chế tài chính gồm: Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (viết tắt AIIB, vốn điều lệ 100 tỉ USD); Quỹ con đường tơ lụa (SF, vốn ban đầu 40 tỉ USD), và Quỹ con đường tơ lụa xanh (vốn ban đầu 4,8 tỉ USD)... cùng với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM) đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia cung cấp tài chính phát triển lớn nhất thế giới vào năm 2016.
Chúng ta không đặt vấn đề phân biệt đối xử. Nếu có lợi thì làm, không có lợi không làm, trong đó cao nhất là lợi ích quốc gia, chủ quyền và hai bên đều có lợi

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT)


Chiến lược “vung tiền” cho vay khắp thế giới của Trung Quốc khiến các quốc gia đang phát triển "thòm thèm" do điều kiện vay rất dễ dãi. VN không nằm ngoài xu hướng này, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng trong 5 năm tới lên đến hàng chục tỉ USD (riêng lĩnh vực giao thông 48 tỉ USD, theo số liệu của Bộ GTVT). Tuy nhiên, vốn ưu đãi lại vay dễ luôn kèm theo nhiều rủi ro nên việc vay hay không vay đã gây ra cuộc tranh luận nhiều chiều.
Theo đánh giá của ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, đến tháng 7.2017, tất cả các khoản vay của VN có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên 2 - 3,5% do VN đã trở thành nước thu nhập trung bình từ năm 2010.
Lãi suất cao, ngân khố quốc gia eo hẹp buộc VN phải tính toán tới các nguồn vốn khác rẻ hơn. Tuy nhiên từ việc Quảng Ninh từ chối vay 300 triệu USD của Trung Quốc đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) đánh giá, chúng ta có quyền từ chối hay lựa chọn vốn vay, vay Trung Quốc cũng là một nguồn. Cần xem xét trên các khía cạnh hiệu quả, lãi suất cho vay, tiến độ triển khai để cân nhắc lựa chọn. Mặt khác, VN cũng cần rút kinh nghiệm các dự án vay ODA có ràng buộc tổng thầu (EPC) để tránh điều kiện ràng buộc phải do tổng thầu Trung Quốc thi công, công trình Cát Linh - Hà Đông là một bài học. “Chúng ta không đặt vấn đề phân biệt đối xử. Nếu có lợi thì làm, không có lợi không làm, trong đó cao nhất là lợi ích quốc gia, chủ quyền và hai bên đều có lợi”, TS Lưu Bích Hồ nêu quan điểm của mình.
Tiền đi đến đâu đưa người đến đó
Chủ trì báo cáo này, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES), cho rằng sự xuất hiện của luồng tín dụng phát triển từ Trung Quốc đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia đang phát triển nhưng cũng mang lại nhiều thách thức. Các điều kiện tiếp cận vốn Trung Quốc thường đơn giản hơn so với các định chế quốc tế hiện thời nhưng điều này có thể nuôi dưỡng tham nhũng và làm đầu tư kém hiệu quả.
Liên quan đến các điều khoản kinh tế và tài chính, vốn vay từ Trung Quốc (tính cả về lãi suất và tỷ giá), ông Thành khẳng định, chắc chắn không hề rẻ. “Ngay cả khi họ sẵn sàng cung cấp các khoản cho vay với lãi suất gần như bằng 0 thì các điều khoản về việc chỉ định nhà thầu, sử dụng lao động Trung Quốc cho cả các hạng mục đơn giản nhất cũng đã hạn chế lợi ích tiềm tàng cho các công ty bản địa. Đặc biệt, các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án ODA của quốc gia này thường tính đội chi phí cho các hạng mục công việc. Và trên thực tế, lãi suất họ đưa ra cũng không hề thấp”, Giám đốc VCES phân tích.
Một đặc điểm khác của vốn vay từ Trung Quốc theo chuyên gia này là “tiền đi tới đâu thì người đi tới đó” khi có những dự án mang theo hàng chục ngàn lao động. Điều này tạo áp lực xã hội và kể cả xung đột văn hóa đối với người bản địa... Bên cạnh đó, vốn vay của Trung Quốc chưa xử lý được vấn đề phát thải ô nhiễm... "Trung Quốc có chính sách cho vay vốn trả bằng khoáng sản, nguyên liệu. Điều này đã được minh chứng tại Venezuela, Angola và một vài nước châu Phi khác. Điều này rất đáng lo ngại với các nước đang và chậm phát triển, lạm dụng vốn", ông Thành cảnh báo.
Hoa hồng 50% bôi trơn dự án
Vẫn theo Giám đốc VCES, những dự án phát triển của Trung Quốc có thể khiến tham nhũng tràn lan hơn. Bởi “một lập luận hay được đưa ra để biện minh cho vấn đề này là tham nhũng ở quốc gia nào cũng có và các dự án ODA từ bất cứ quốc gia nào cũng phát sinh hối lộ, tham nhũng. Thế nhưng chúng ta biết có những nhà thầu Trung Quốc từng tuyên bố chúng tôi có thể trả hoa hồng 50% mà dự án vẫn hiệu quả”, ông Thành nói.
Thực tế, chuyên gia này cũng nhận định ngay cả những dự án ODA của Nhật Bản cũng xảy ra tham nhũng, nhưng Nhật Bản xử lý rất nghiêm các cá nhân, tổ chức hối lộ ở nước ngoài. Điều này có tác dụng với cả những nhà cung cấp vốn của họ cũng như những quốc gia nhận vay tài chính từ Nhật Bản. “Nhật Bản đưa ra những chứng cứ hối lộ, tham nhũng rõ ràng và tuyên bố nếu không xử lý nghiêm sẽ cắt ODA”, TS Thành dẫn chứng.
Bình luận về nghiên cứu của VCES, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đồng ý với quan điểm vốn vay Trung Quốc dễ nhưng không rẻ của nhóm nghiên cứu. Bà Lan cho rằng, gánh nợ của Trung Quốc trên thực tế thường lớn hơn rất nhiều so với vốn vay ban đầu. Bà chứng minh từ dự án cao tốc Cát Linh - Hà Đông rất nhiều lần đội vốn, mới đây VN vừa vay thêm 250 triệu USD nữa để thực hiện. "Doanh nghiệp tư nhân không thể chịu nổi 50% chi phí bôi trơn như phía Trung Quốc. Vay vốn Trung Quốc là cách chèn ép doanh nghiệp bản địa không lớn lên được", bà Lan khẳng định.
TS Phạm Sỹ Thành khuyến nghị VN cần cân nhắc và thận trọng khi vay vốn từ Trung Quốc và không nên quá sốt sắng về điều này. Bởi VN vẫn còn có nhiều nguồn vốn chất lượng cao từ Nhật Bản cũng như các định chế tài chính khác để giải quyết bài toán đầu tư.
Một số dự án vay vốn Trung Quốc chậm tiến độ, đội vốn
Dự án “tai tiếng” đầu tiên có thể kể đến là Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Gói thầu chính do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC. Được khởi công ngày 10.10.2011, kế hoạch hoàn thành ban đầu là tháng 11.2013 nhưng đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thành và tiếp tục phải giãn tiến độ đến cuối năm 2016. Cũng vì chậm tiến độ, cùng với thay đổi thiết kế, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng từ 552,86 triệu USD lên 868,04 triệu USD. Mới đây, VN cũng đã phải ký vay thêm hơn 200 triệu USD.
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình cũng là một siêu dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện để lại “tai tiếng” về chất lượng công trình. Công ty Hanoi International Group (HISG - Trung Quốc) - một nhà thầu chưa có kinh nghiệm xây dựng những công trình lớn, đã thắng thầu dự án năm 2001. Dự án có tổng mức đầu tư 69 triệu USD, trong đó, gói thầu của HISG là 59 triệu USD. Sân vận động đi vào hoạt động từ ngày 2.9.2003 và liên tục có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Tường khán đài nứt dọc nứt ngang, nhiều điểm sụt lún trên các khán đài, đường chạy điền kinh không thể hoạt động được... sau đó đã phải sửa chữa mất hàng chục tỉ đồng.
Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, vốn đầu tư gần 2 tỉ USD, đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy vào cuối tháng 3.2016. Tổng diện tích của dự án là hơn 199 ha. Theo cam kết, nhà máy sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 vào tháng 12.2019 và tổ máy số 2 vào tháng 6.2020. Tuy nhiên, tiến độ dự án liên tục bị chậm khiến lãnh đạo tỉnh Hải Dương không khỏi sốt ruột và trong cuộc làm việc mới đây, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo nhà đầu tư - Tập đoàn Jaks Resources Bhd (Malaysia) và Tập đoàn điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co. Ltd - CPECC) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.