Vì sao ExxonMobil nóng lòng quay lại thị trường Nga?

21/04/2017 11:19 GMT+7

Hãng năng lượng Mỹ đang muốn quay lại thị trường Nga, nhưng họ vấp phải một rào cản lớn: các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo The Wall Street Journal, công ty từng nằm dưới quyền điều hành của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ cho phép vượt qua các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga. Việc miễn trừ này, nếu xảy ra, sẽ giúp Exxon nối lại liên doanh với tập đoàn dầu khí Nga Rosneft.
Exxon hiện chưa bình luận gì về thông tin này, song có nhiều lý do mạnh mẽ cho thấy vì sao hãng năng lượng Mỹ muốn trở lại làm ăn với công ty quốc doanh Nga. Một trong số các lý do là việc thành lập liên doanh, vốn được ký vào năm 2011, sẽ cho phép Exxon tiến hành thăm dò ngoài khơi biển Đen và biển Kara ở Siberia. Theo S&P Global Platts, các mỏ dầu chưa được khai thác được cho là có triển vọng nhất ở khu Bắc cực Nga.
Năm 2012, Exxon và Rosneft đồng ý cùng nhau phát triển nguồn dự trữ dầu tại Siberia và thành lập trung tâm nghiên cứu ở Bắc cực. Kế hoạch xây dựng một nhà máy khí tự nhiên lớn gần Vladivostock ở miền Đông nước Nga được lên một năm sau đó. Dù vậy, quan hệ làm ăn này bị hoãn lại sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước phương Tây khác áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga vì vấn đề khủng hoảng Ukraine năm 2014.
Exxon, công ty hoạt động ở Nga trong hơn 20 năm, được phép hoàn thành một số dự án nhưng các giàn khoan thì phải ngừng hoạt động. Kinh tế Nga thay đổi rất nhiều từ thời điểm chịu lệnh trừng phạt. Quý 4/2016, nước này đi lên từ một cuộc suy thoái sâu. Giá dầu cũng đang tăng lên hơn 50 USD/thùng.
Yêu cầu được miễn tuân thủ lệnh trừng phạt là quân cờ chính trị quan trọng của Exxon. Chính quyền ông Trump đang bị dò xét kỹ về mối quan hệ với Moscow. Thực tế Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người đứng đầu thỏa thuận với Rosneft khi còn là CEO của Exxon, thu hút được nhiều sự chú ý hơn cả yêu cầu trên.
Ông Tillerson đã tự rút khỏi các vấn đề chính phủ liên quan đến Exxon. Ông cũng bán toàn bộ cổ phiếu của mình trong công ty và đang đặt toàn bộ số cổ phần mà ông nhận được trong thập niên tới vào một quỹ quản lý độc lập. Dù vậy, cơn bão chính trị vẫn nổi lên.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain thốt lên: “Họ có điên không?” khi nghe tin về yêu cầu của Exxon. Ông McCain là người thường chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff cũng cho biết yêu cầu trên nên bị từ chối: “Bộ Tài chính nên từ chối bất kỳ sự miễn trừ nào trước các biện pháp trừng phạt, điều vốn sẽ cho phép Exxon hoặc bất cứ doanh nghiệp nào khác nối lại kinh doanh với các thực thể bị cấm vận ở Nga”.
Song nguồn lợi tài chính của Exxon ở Nga rất dồi dào. Tháng 3.2016, Tillerson cho hay ông “rất nóng lòng quay lại làm việc ở đó”. Kỳ vọng của ông cũng được CEO Darren Woods, người kế nhiệm điều hành ExxonMobil thể hiện trong cuộc phỏng vấn với tờ Forbes hồi tháng 2.

tin liên quan

Nga lạnh lùng đón ngoại trưởng Mỹ
Lần đầu thăm Nga trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson hôm qua hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov và sau đó gặp Tổng thống Vladimir Putin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.