Việt Nam hưởng lợi bèo bọt từ FDI

30/08/2016 10:00 GMT+7

Chỉ riêng Samsung trong 8 tháng đầu năm 2016 giá trị xuất khẩu đạt 21 tỉ USD, dẫn đầu trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Năm 2015, công ty này cũng đạt 30 tỉ USD.

Xuất khẩu của Samsung đang tăng theo cấp số nhân nhưng lợi ích mà VN thu được lại rất khiêm tốn.
Đóng thuế 1.684 tỉ thay vì 13.000 tỉ đồng
Theo quy định, chỉ doanh nghiệp (DN) công nghệ cao mới được hưởng mức thuế thu nhập DN 10% trong suốt vòng đời dự án, không tính 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo chỉ đóng 50%. Để Samsung VN chịu đầu tư tại VN, Chính phủ VN phải công nhận các công ty con của họ là DN công nghệ cao, dù thực chất chủ yếu lắp ráp. Thế là họ nghiễm nhiên được hưởng mức ưu đãi cao nhất, trong khi mức thuế mà các DN khác phải đóng ở thời điểm đấy là 25%.
Hưởng nhiều ưu đãi, nên năm 2013, Samsung VN xuất khẩu 23 tỉ USD nhưng nộp ngân sách chừng 1.000 tỉ đồng. Đây là năm đầu tiên Samsung VN bắt đầu đóng thuế 5%.
Tới năm 2015, Samsung VN đạt lợi nhuận hơn 70.000 tỉ nhưng số thuế đóng rất nhỏ bé, chỉ 1.684 tỉ đồng (trong đó có 982 tỉ đồng thuế nhà thầu). Trong khi nếu áp thuế thông thường, số tiền phải đóng vào ngân sách của DN này lên tới 13.000 tỉ đồng.
Dĩ nhiên, Samsung VN không phải là DN FDI cá biệt được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất của VN. Với những chính sách ưu ái này, DN FDI ở VN không ngừng lớn mạnh và dần chiếm vị thế chủ đạo trong nền kinh tế, chèn ép DN nội địa. Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng 2016, xuất khẩu của DN FDI đạt 72,8 tỉ USD, chiếm 69,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn đều “độc quyền” bởi DN ngoại, như điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử.


VN đừng hoan hỉ với con số 30 tỉ USD xuất khẩu điện thoại của Samsung, vì lẽ ra phải tính rõ trong 30 tỉ đó VN được hưởng những gì, hưởng bao nhiêu, như thế sòng phẳng hơn. Đừng ôm hết 30 tỉ của họ rồi tưởng đó là tiền của mình


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan


TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhận xét: “Vì thiếu năng lực tạo ra những môi trường thể chế thiết thực để kéo những nhà đầu tư lớn vào nên VN chỉ sử dụng mỗi “món võ” là ưu đãi. Ưu đãi thì DN nào cũng thích, nhưng trái lại, nền kinh tế VN không hưởng lợi gì nhiều. Samsung vào VN chủ yếu lắp ráp nên không đáng để ưu đãi. Mang ưu đãi ra để đàm phán với họ thì thiệt hại dài hạn của VN là rất lớn”.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét: “Nghe kim ngạch xuất khẩu lớn rất oai, nhưng thực tế 70 - 80% hàng hóa để sản xuất là nhập khẩu từ nước ngoài. Nghĩa là DN ở nước ngoài hưởng lợi chứ không phải VN. Thành ra, những DN được hưởng ưu đãi của VN dành cho Samsung không chỉ Samsung mà còn có các đối tượng thứ ba ở ngoài VN. VN đừng hoan hỉ với con số 30 tỉ USD xuất khẩu điện thoại của Samsung, vì lẽ ra phải tính rõ trong 30 tỉ đó VN được hưởng những gì, hưởng bao nhiêu, như thế sòng phẳng hơn. Đừng ôm hết 30 tỉ của họ rồi tưởng đó là tiền của mình, vậy là ngộ nhận ghê gớm, dễ lầm tưởng xuất khẩu của VN quá khủng khiếp”.
Cảnh báo lệ thuộc “thảm họa”
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thừa nhận sự lấn át của FDI trong nền kinh tế VN thể hiện nội lực rất yếu. Ngày càng nhiều DN FDI chọn VN làm bàn đạp xuất khẩu bên cạnh việc chúng ta dễ dàng cấp ưu đãi còn có việc nội lực bên trong quá yếu, tạo khoảng trống để DN ngoại nhảy vào. Điều đó có thể là “thảm họa” vì kinh tế VN sẽ mất thời cơ, mất điều kiện để phát triển.


Khó khăn tăng lên
TS Trần Đình Thiên nhận xét: FDI lớn mạnh là tốt nhưng với điều kiện khu vực kinh tế trong nước cũng phải lớn lên. DN nội địa yếu không chỉ khiến chúng ta phụ thuộc vào FDI mà còn phụ thuộc vào đầu vào nhập khẩu. Đáng ra DN nội địa làm được điều này để hình thành chuỗi. Còn hiện nay, lợi ích của FDI tăng lên gấp bội thì khó khăn hay rủi ro của DN trong nước cũng tăng lên.

Bà Lan bổ sung, VN đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có những thị trường rất lớn trên thế giới. Vì thế, VN trở thành cứ điểm để các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến. Vấn đề chính của chúng ta là làm sao tận dụng cơ hội này chứ đừng nhường hết cho DN FDI. Bởi để ký kết các hiệp định thương mại tự do đó, VN đã phải đánh đổi mở cửa thị trường trong nước. Nhưng DN FDI vào VN lại lấy những cơ hội mà chúng ta phải đánh đổi mới có được, và họ không chịu thiệt hại nào. Vì thế, nếu không cẩn trọng, gia nhập kinh tế quốc tế chỉ mang lợi cho các DN FDI, trong khi bản thân VN không hưởng bao nhiêu.
Các chuyên gia cho rằng, ngay từ quá trình thu hút FDI VN đã không quan tâm đầy đủ, không thúc đẩy khía cạnh chuyển giao công nghệ cho DN VN, hay tạo kết nối giữa FDI và DN trong nước để phát triển các ngành sản xuất. Hậu quả sau 30 năm thu hút FDI các DN nội địa vẫn đứng ngoài rìa. DN FDI chủ yếu dựa vào hàng hóa đầu vào nhập khẩu từ nước ngoài. “Chỉ 26% đầu vào của FDI tại VN là mua ở VN, ngay khi họ lấy ở VN thì cũng mua của những DN FDI phụ trợ khác ở VN. Như Honda, chúng ta ca ngợi điển hình của nội địa hóa nhưng nội địa hóa gì khi thực chất 90% hàng phụ trợ họ mua ở VN là của DN FDI khác chứ không phải của DN nội”, bà Lan cảnh báo.
Theo bà Lan, lệ thuộc vào FDI rất nguy hiểm, nếu xảy ra tình huống vì một lý do nào đó họ di dời nhà máy đến một quốc gia cạnh tranh hơn thì không chỉ công nghiệp VN tụt lại, xuất khẩu giảm sút mà GDP cũng bị giảm theo. “Chúng ta cần tính một chỉ số khác là GNI (thu nhập nội địa của nền kinh tế) hơn là GDP, vì trong GDP có những nhân tố không phản ánh đúng thực chất của nền kinh tế quốc gia đó. Như ở VN, có quá nhiều đóng góp của các nhân tố nước ngoài, phải được tính sòng phẳng. Nên nhìn đóng góp của FDI vào GDP không phải là thành công của VN trong thu hút FDI. Phần hơn 20% của FDI đóng góp vào GDP là không phải của VN”, bà Lan nói thêm.
Theo TS Trần Đình Thiên, giống như thời VN chuẩn bị vào WTO, điều kiện ưu đãi, điều khoản tốt khi VN gia nhập vào các hiệp định thương mại tự do là động lực làm cho FDI chọn VN là điểm đến đầu tư. Bùng nổ FDI, rủi thay, lại đang khiến VN ngày càng phụ thuộc lớn hơn vào nó. Ở VN, sự lớn mạnh của FDI không gắn liền với DN nội địa. Đấy là câu chuyện đáng lo ngại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.