Việt Nam trở thành thành viên WTO: Mở hội lớn ăn mừng, tại sao không!

08/11/2006 00:41 GMT+7

“Nên mở sâm-banh ăn mừng đất nước chuyển sang một vận hội mới, nhưng thời cơ sẽ không đến với những người chậm chuẩn bị” - từ Singapore, chuyên gia kinh tế cao cấp Võ Tá Hân chia sẻ với Thanh Niên nhân sự kiện trọng đại này.

WTO thực sự là một "cuộc chơi lớn" của những người đi trước mà kẻ đến sau, muốn "nhập cuộc" đều phải trả giá! Đã bước vào cộng đồng thế giới thì chúng ta không nên quá e dè vì thực sự không còn con đường nào khác hơn là phải "nhập cuộc", và nhập cuộc càng sớm càng tốt! Việc trở thành thành viên của WTO, làm chủ nhà của APEC 2006..., tất cả đều là những thành công rực rỡ của Việt Nam mà chúng ta nên tự hào. Đây là những điều chứng tỏ đất nước đã đạt được những bước tiến vững chắc về mọi mặt.   

Ông Võ Tá Hân tốt nghiệp Thạc sĩ quản trị kinh doanh Viện đại học Massachusetts (Mỹ, năm 1973), hiện đang sinh sống tại Singapore. Ông  là thành viên HĐQT trường đại học SIM, đồng thời là cố vấn cao cấp của Ngân hàng UBS AG (Thụy Sĩ) tại Singapore.

* Theo ông, những trái ngọt nào chúng ta sẽ được hái, những cái giá nào chúng ta sẽ phải trả khi vào WTO?

- Qua những tài liệu nghiên cứu kinh nghiệm tại các nước vừa "nhập cuộc" thì ngay sau khi gia nhập WTO, dường như tất cả đều trải qua giai đoạn đầu tương đối khó khăn. Trong những năm đầu tiên, mọi người thường cảm thấy họ phải trả một giá quá cao! Cả phía nhà nước lẫn các tập đoàn kinh doanh trong nước dường như đều chưa... dò xong bài và vẫn còn đang loay hoay chuẩn bị! Các nhà nghiên cứu đều cho rằng khuyết điểm lớn nhất đối với các nước vừa gia nhập WTO là về mặt thông tin. Với những cam kết khi gia nhập WTO, các lối vào thị trường từ hai phía đều thay đổi rất nhiều, một số bị khép lại nhưng nhiều con đường mới được mở ra. Rất nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa nội địa của các nước này đã không được triển khai đúng mức, phần vì cơ cấu tổ chức nội bộ của các tập đoàn, công ty, cơ quan chức năng trong nước chưa sẵn sàng, nhưng phần lớn bắt nguồn từ việc những thành phần này không nắm bắt được thông tin chính xác.

* Theo ông, chúng ta sẽ làm gì để tránh những vết xe đổ của các nước khác?

- Ngoài việc các bộ, ngành có chức năng liên quan đến WTO cần tổ chức giới thiệu rộng rãi thông tin và làm việc chặt chẽ hơn với các thành phần trong nước sẽ chịu ảnh hưởng bởi WTO, chúng ta cũng nên nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm thực tiễn của các nước, lãnh thổ vừa đi trước như Nepal (gia nhập WTO 4/2004), Campuchia (gia nhập 10/2004), Đài Loan (1/2002), Trung Quốc (12/2001)... Trong những ngày sắp tới, cộng đồng thế giới sẽ chú ý nhiều hơn đến Việt Nam và sẽ đánh giá mức độ tin cậy đối với chúng ta qua việc thực hiện những cam kết. Vào WTO, khối sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ sẽ gặp "sóng gió" trước tiên vì phải đương đầu với những đợt sóng lớn dồn dập khi các đối thủ khổng lồ từ nước ngoài bước vào thị trường Việt Nam. Mặc dù các ngành này đều sẽ bị ảnh hưởng nhưng nhà nước nên ưu tiên chú trọng đến khối nông nghiệp vì đây là khu vực ảnh hưởng đến đa số người dân trong nước. Con đường sắp tới dĩ nhiên là sẽ có nhiều thách đố, nhưng ngay bây giờ không lý do gì khiến chúng ta lại không mở hội lớn ăn mừng thành công mới này. 

Trung Bình
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.