Xác định lại cây trồng, vật nuôi

30/08/2016 05:44 GMT+7

Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Quảng Ngãi tuy có tăng trưởng theo hướng tích cực song sự đột phá vẫn chưa rõ rệt, còn lúng túng trong việc thực hiện đề án.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn tỉnh chuyển đổi gần 3.600 ha đất lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng bắp, rau, cỏ, mía, mì và đậu các loại. Qua sản xuất cho thấy, sau khi chuyển đổi, giá trị sau thu hoạch cây trồng cạn cao hơn nhiều so với trồng lúa một vụ. Chẳng hạn, cây bắp tăng 9,4%, lạc tăng 32,2%, đậu xanh tăng 5,8%. Đặc biệt, cây ớt cao gấp 3,8 lần so với trồng lúa trên cùng chân đất.
“Cái được” sau 3 năm
Ông Đinh Văn Ròe, ở xã Sơn Kỳ (H.Sơn Hà), cho biết năm 2015 gia đình ông chuyển toàn bộ 10 sào đất sang trồng mía theo chương trình cơ giới hóa của Nhà máy đường Phổ Phong (Công ty CP đường Quảng Ngãi). Nhờ cán bộ kỹ thuật của nhà máy chỉ dẫn cặn kẽ từ khâu trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên từ vụ đầu tiên, năng suất mía của gia đình ông đạt 80 - 100 tấn/ha. “Mấy năm trước trồng mì chỉ cho thu nhập khoảng 700.000 - 800.000 đồng/sào nhưng từ khi chuyển qua trồng mía, trừ chi phí xong có lãi gần 3 triệu đồng/sào”, ông Ròe khoe.


Muốn phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững nhất thiết phải hình thành vùng nguyên liệu tập trung theo hướng chuyên canh để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, nông dân mới có thu nhập cao


Ông Tạ Công Tường, Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong


Thấy hiệu quả kinh tế nên nhiều người dân xã Sơn Kỳ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa, mì cho năng suất thấp sang trồng mía, từng bước thành vùng mía chuyên canh. Theo ông Đinh Tấn Bắc, Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ, nếu như năm 2012 toàn xã chỉ có 6,5 ha mía thì đến năm 2016 tăng lên 40 ha. “Trồng mía cho hiệu quả đã góp phần rất lớn trong việc xóa nghèo cho nông dân. Địa phương đang tiếp tục vận động bà con nông dân mở rộng diện tích mía niên vụ 2016 - 2017 lên thêm 80 ha theo mô hình cánh đồng mẫu lớn”, ông Bắc nói.
Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, cho biết việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả đã nâng giá trị sau thu hoạch trên 1 ha đất canh tác từ 55,8 triệu đồng/ha (năm 2013) lên 71,7 triệu đồng/ha (cuối năm 2015), tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân 4,2%/năm. “Cái được lớn nhất là tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển tăng, góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân. Đồng thời, thu hút một số doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu”, ông Tô đánh giá.
Hình thành vùng nguyên liệu tập trung
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn chưa có sự đột phá rõ rệt, các địa phương còn lúng túng trong tổ chức thực hiện đề án, nhất là xác định mục tiêu, sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, công tác dự báo thị trường nông sản yếu kém nên nông dân sản xuất tự phát dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại nhiều năm, gây thiệt hại cho người sản xuất. Ngoài ra, tình trạng sản xuất manh mún, phân tán ở nông hộ, sản xuất nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích.
Ông Tạ Công Tường, Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong, cho rằng sản xuất phân tán là nguyên nhân chính cản trở quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp, làm tăng chi phí sản xuất, sản phẩm hàng hóa ít, thiếu tập trung. “Trên vài sào đất nông dân trồng đủ các loại cây thì không thể đưa cơ giới hóa vào được. Do vậy, muốn phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững nhất thiết phải hình thành vùng nguyên liệu tập trung theo hướng chuyên canh để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, nông dân mới có thu nhập cao”, ông Tường nói.
Tương tự, ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận giữa doanh nghiệp và nông dân địa phương chưa tạo được mối liên kết sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm để tạo ra giá trị gia tăng. Việc tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường vừa đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. “Tái cơ cấu thực tế là chuyển đổi cơ cấu sản xuất giúp người nông dân có thu nhập trên 1 ha cao hơn trước. Làm sao sản phẩm người nông dân làm ra phải tiêu thụ hết với giá trị, lợi nhuận đem lại cao”, ông Minh nhấn mạnh và yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... để xác định lại cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường ổn định, hình thành các vùng sản xuất có quy mô hàng hóa lớn, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, đối với trồng trọt, chăn nuôi cần chuyển hẳn từ cách đặt nặng mục tiêu về số lượng sang mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm. Đồng thời, tham mưu tỉnh ban hành các cơ chế chính sách mới phù hợp thực tế, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm của tỉnh nhằm giúp người dân tiêu thụ sản phẩm làm ra một cách nhanh nhất và có giá trị cao nhất.
Nhân rộng mô hình tổ hợp tác
Theo ông Đặng Văn Minh, muốn làm ăn lớn, muốn bao tiêu sản phẩm tốt, tăng giá trị hàng hóa thì ngành nông nghiệp địa phương phải nhân rộng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã làm cầu nối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp. Mô hình dồn điền đổi thửa thành cánh đồng mẫu lớn, hình thành vùng chuyên canh mía, đưa cơ giới hóa vào nhiều khâu trong sản xuất, hỗ trợ nông dân giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm mà Công ty CP đường Quảng Ngãi thực hiện thành công là kinh nghiệm quý để các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp mang tính bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.