Tàn lụi thắng cảnh Đà Lạt

21/02/2010 23:59 GMT+7

Hiếm có một thành phố nào ở VN lại có nhiều ưu đãi về cảnh quan, môi trường như Đà Lạt (Lâm Đồng). Vậy mà giờ đây, nhiều thắng cảnh chỉ còn là ký ức.

Điều đáng nói là một số điểm du lịch nổi tiếng ấy đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Đâu rồi hồ Than Thở, thác Cam Ly...

Du khách đến Đà Lạt rất khó có thể bỏ qua thác Cam Ly - một dòng thác đã đi vào thơ ca lãng mạn với bao lời tự tình “Cam Ly vô tư, vang tiếng chuông ban chiều...”. Thế nhưng khi đặt chân đến đây, du khách không khỏi chạnh lòng. Dòng thác đã mất đi vẻ thơ mộng vốn có, thay vào đó là rác vức bừa bãi và mùi hôi thối nồng nặc. Vào mùa mưa, nước đổ về thác đen ngòm, bọt sủi hôi thối đọng lại. Hậu quả là đến hôm nay điểm du lịch này không còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà tổ chức tour.

Đến hồ Than Thở du khách chỉ còn biết thở than với những gì đang diễn ra. Trong và ngoài khu du lịch, người ta cho xây dựng rất nhiều hàng quán để kinh doanh, phá vỡ cảnh quan hữu tình vốn có. Đó là chưa nói đến việc mất trật tự vì tình trạng chèo kéo khách luôn xảy ra. Phía trên hồ là những cánh đồng rau hoa bát ngát, hằng ngày chất thải từ những ruộng rau hoa, phân bón, thuốc trừ sâu liên tục đổ xuống lòng hồ gây ô nhiễm. Diện tích lòng hồ vì vậy bị thu hẹp nghiêm trọng, từ 13 ha lúc đầu giảm xuống còn chưa tới 5 ha. Mùa mưa ô nhiễm. Mùa nắng hồ chỉ còn là bãi đất. Đồi thông Hai Mộ đối diện với hồ đến nay cũng chỉ trở thành... huyền thoại.


Thác Voi được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhất thác", nhưng lại bị “bỏ hoang” nhiều năm qua - Ảnh: Gia Bình

Thác Prenn thì quá nổi tiếng vì nơi đây không chỉ gắn với cảnh quan thiên nhiên đẹp, mà còn gắn với tâm linh khi có hệ thống đền Hùng, đền Mẫu... Nhưng mới đây đoàn kiểm tra của Sở VH-TT-DL tỉnh đã kết luận: Cảnh quan di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, đường đi trong khu này bị vây hãm. Một số hoạt động văn hóa tại khu du lịch này không còn. Phía trước cổng, chợ tự phát mọc lên gây nhốn nháo, mất trật tự khu di tích. Tình trạng này sẽ còn kéo dài, lãnh đạo khu du lịch Prenn thì mong chờ chính quyền có giải pháp hỗ trợ. Còn chính quyền phường 3 (Đà Lạt) - nơi khu du lịch tọa lạc - thì cho biết địa phương đã nhiều lần giải tỏa trắng và giao cho khu du lịch quản lý, nhưng khu du lịch không quản lý được, địa phương đâu thể đi giải tỏa suốt. Rồi những cây thông cổ thụ bị vây kín bởi những ki-ốt không giấy phép. Và đặc biệt là chất lượng nguồn nước của thác hiện cũng bị ô nhiễm.

 Tôi ao ước một ngày nào đó, nói đến Đà Lạt du khách nghĩ ngay đến một nơi nghỉ dưỡng có khí hậu mát mẻ, môi trường trong lành, phong cảnh đẹp, thức ăn ngon.

Anh Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt

Một thắng cảnh du lịch khác là thác Voi cũng đang bị ô nhiễm nặng do thượng nguồn tập trung nhiều hộ dân sinh sống dọc theo dòng suối nên thường xuyên xả rác, chất bẩn xuống dòng thác. Dòng thác Liên Khương nằm trên địa phận huyện Đức Trọng - cửa ngõ lên Đà Lạt - giờ đây mùa khô thì cạn kiệt, mùa mưa lại đục ngầu rác bẩn...

Khí hậu mát mẻ, và... chấm hết!

Anh Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt (TP.HCM) nhận xét: Nói về tài nguyên du lịch vùng núi thì Đà Lạt thuộc hàng có giá trị cao nhất vì khí hậu mát quanh năm nhưng lại không rét như Sa Pa vào mùa đông. Đà Lạt mát hơn Chiang Mai (Thái Lan), rộng hơn Genting (Malaysia) và Tagaytay (Philippines). Vả lại, tuy là vùng núi nhưng Đà Lạt lại có nhiều hồ đẹp, thác nước hùng vĩ càng làm cho Đà Lạt nên thơ hơn. Nhiều đồi thông đẹp và trái cây, rau, củ ngon cũng là lợi thế cho Đà Lạt. Thế nhưng điều đáng tiếc là Đà Lạt xây dựng thiếu bản sắc nên đô thị ngày càng lớn thì thành phố ngày càng xấu; không có chiến lược rõ ràng về sản phẩm du lịch riêng biệt để tạo lợi thế cạnh tranh, nên nói đến Đà Lạt người ta chỉ nhớ đó là nơi có khí hậu mát mẻ, và... chấm hết.


Một gốc thông trong khu du lịch thác Prenn bị vây kín bởi ki-ốt - Ảnh: L.H

Anh Lương Tấn Lợi, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Lửa Việt (TP.HCM), thì cho biết: Khách đi Đà Lạt chủ yếu để đổi gió, còn các điểm tham quan ở Đà Lạt đã quá tải và xuống cấp, những điểm mà khách không muốn đến nữa như vườn hoa thành phố, thác Cam Ly, hồ Than Thở... vì vào những điểm này không có gì mới, có khác biệt chăng là sự xác xơ và xuống cấp hơn lần trước mà thôi. Một điều làm du khách không hài lòng là ẩm thực Đà Lạt, đặc biệt nhà hàng sạch, phục vụ chuyên nghiệp vẫn chưa có thì nói chi đến một nhà hàng ngon. Khách sạn thì ngoại trừ những khách sạn 4 sao và một vài khách sạn 3 sao, còn những khách sạn mini thì phục vụ quá kém. Đáng lưu ý là những khách sạn gắn lên tiêu chuẩn 2 sao, nhưng thật ra còn rất tệ.

Nhiều chuyên gia có thâm niên trong ngành du lịch, khi tiếp xúc với chúng tôi đều có chung nhận xét rằng tại Đà Lạt hiện nay, các điểm tham quan được chia nhỏ cho các đơn vị quản lý khác nhau, như kiểu dưới đồng bằng chia thửa ruộng cho từng hộ nông dân. Việc tận thu các điểm tham quan theo kiểu ăn vào tài nguyên thiên nhiên mà thiếu sự tôn tạo cũng bào mòn du lịch Đà Lạt. Đáng tiếc nhất là việc đưa sân golf vào giữa trung tâm thành phố (đây là điều mà chưa có thành phố nào trên thế giới làm, vì sân golf chiếm nhiều đất, lại gây ô nhiễm).

Cưỡi ngựa xem hoa

Không đâu như Đà Lạt, vừa ra ngõ đã gặp hoa. Hoa hiện diện ở khắp nơi từ nhà vườn cho đến phố phường, đồi núi. Hoa góp phần làm cho thành phố thêm lộng lẫy và cái tên "Thành phố ngàn hoa" hoàn toàn xứng đáng bởi hầu hết các loài hoa đẹp ở các nước trên thế giới đều hiện diện tại vùng đất này, với trên 400 loài hoa.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ mấy ngày ngắn ngủi diễn ra Festival hoa đã có hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đổ về Đà Lạt. Ở khía cạnh nào đó, đây được gọi là sự thành công, thế nhưng xuyên suốt cả quá trình phát triển du lịch thì chỉ với sự kiện này không thể gọi là thành công và xứng tầm của một thành phố vừa được Chính phủ công nhận là thành phố Festival hoa của VN.

Theo ông Trương Trổ, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Lâm Đồng, có rất nhiều người yêu thích hoa Đà Lạt, say đắm ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ bí của chúng, nhưng cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Ông Trổ phân tích: “Trong các tour du lịch, các điểm du lịch đều có hoa Đà Lạt dự phần như là một sản phẩm phụ trợ chứ chưa phải là một sản phẩm chính, và giá trị của nó mang lại cũng chưa rõ ràng vì nó chưa phải là nhu cầu chủ yếu và cụ thể của một bộ phận du khách”. Ngay cả tại Vườn hoa Đà Lạt, nơi chuyên sản xuất và trưng bày hoa nhưng nếu không tính những dịp lễ hội hay Festival hoa thì hằng năm cũng chỉ đón mấy trăm ngàn lượt khách tham quan. Hay như tại Phân viện Sinh học Đà Lạt (bây giờ là Viện Sinh học Tây Nguyên) có vườn sưu tập cả 1.000 chậu địa lan và 1.300 chậu phong lan các loại nhưng sức thu hút khách vẫn không đáng kể.

Đà Lạt còn có 6 làng hoa nổi tiếng, và hàng ngàn hộ trồng hoa với những vườn hoa tuyệt đẹp đua nhau khoe sắc, thế nhưng đã có bao nhiêu du khách tìm đến nơi này? Ngay cả khi TP Đà Lạt đã công nhận và giới thiệu 10 vườn hoa đẹp của các nghệ nhân trong Festival hoa lần trước để du khách đến tham quan thì kết quả cũng không hơn gì.

Ngành du lịch địa phương sẽ làm gì trước thực trạng này để hoa Đà Lạt thực sự trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, xứng với tiềm năng của nó?

Gia Bình

Lê Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.