Giao dịch tăng đột biến, ATM tê liệt

04/02/2016 11:55 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên sáng nay (4.2), đại diện một số nhà băng cho biết do lượng giao dịch tăng quá đột biến, khiến máy ATM bị kiệt sức, “ốm” không chạy chữa kịp.

Trao đổi với Thanh Niên sáng nay (4.2), đại diện một số nhà băng cho biết do lượng giao dịch tăng quá đột biến, khiến máy ATM bị kiệt sức, “ốm” không chạy chữa kịp.

Bảng theo dõi tình hình hoạt động các máy ATM của Vietcombank Bảng theo dõi tình hình hoạt động các máy ATM của Vietcombank

Trước đó, theo phản ánh của người dân trên một số tuyến phố của Hà Nội nhiều máy ATM của các nhà băng như BIDV, Vietcombank... bị trục trặc, báo lỗi không thể rút được tiền. Ông Huỳnh Song Hào, Giám đốc Khối bản lẻ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thừa nhận, có tình trạng trên, đặc biệt là những điểm ATM đặt tại khu vực đông dân cư, khu vực đô thị lớn cũng như tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nguyên nhân được ghi nhận do cận Tết lượng giao dịch tăng đột biến, đại diện Vietcombank lý giải: “Trung bình một máy trước đây tiếp quỹ 1 lần/ngày, nay phát sinh lên 2 thậm chí đến 4 lần, đồng nghĩa với việc một máy trước đây nạp 1 - 1,5 tỉ đồng/ ngày, nay có máy phải nạp từ 2 - 4 tỉ đồng/ ngày. Lượng giao dịch tăng đột biến, trung bình một máy ATM xử lý 400 giao dịch/ngày; có nhiều máy phải xử lý đến 600 giao dịch/ngày, tương đương khoảng hơn 2 phút/giao dịch”.

Lượng giao dịch tăng đột biến khiến các máy ATM bị quá tải vượt qua “giới hạn đỏ” cho phép về mặt kỹ thuật, các chi tiết, bộ phận của máy không thể cáng được, dẫn đến việc xảy ra sự cố. “Máy quá tải, quá tần suất, có thể dẫn đến tình trạng mà chúng tôi hay dùng cụm từ nhân cách hóa gọi là “kiệt sức”. Tỷ lệ trục trặc máy sẽ xảy ra nhiều hơn bình thường, khiến cho các đối tác thực hiện công tác bảo trì máy cho các ngân hàng cũng phải căng người lên. Rồi vấn đề tắc đường cũng làm cho nhiều máy “ốm” nhưng không được “chữa trị” kịp thời”, ông Hào nói.

ATM-truc-tracLiên tục tiếp quỹ nhưng ATM vẫn bị quá tải, kiệt sức vì lượng giao dịch tăng đột biến 

Trong khi đó, một lãnh đạo của Ngân hàng thương mại Sài Gòn Hà Nội (SHB) chia sẻ, con số thống kê cho thấy lượng người rút tiền mặt để về quê ăn Tết tăng gấp hàng chục lần, thậm chí có điểm cả trăm lần, khiến cho việc đáp ứng của các máy ATM bị quá tải trầm trọng. Bên cạnh đó, vấn đề giao thông tại các khu đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với lượng người lưu thông tăng đột biến, cũng là một nguyên nhân khiến cho việc tiếp quỹ đưa tiền tới các máy ATM bị chậm chễ, gián đoạn.

Một người dân, chị Nguyễn Thị Duyên (Đội Cấn, Hà Nội) bức xúc: "Không chỉ chấn chỉnh lại tình trạng ATM hết tiền, các nhà băng cần khắc phục ngay tình trạng để quá nhiều tiển lẻ trong máy. Rút 5 triệu mà phải thao tác 3 - 4 lần, mỗi lần mất 1.100 đồng/phí, lại vô cùng mất thời gian”. Ông Trần Tuấn Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, rất nhiều cây ATM của các ngân hàng cổ phần nhỏ hiện tại đã không còn hoạt động. Nếu có thì chỉ dùng được thẻ của ngân hàng này, còn cứ đút của thẻ của ngân hàng khác là máy lại báo lỗi. 

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng, việc chậm chễ trong sửa lỗi, tiếp quỹ đến ATM là nguyên nhân khiến ATM “bị ốm”, nên người dân không rút được tiền, bức xúc, đặc biệt tại các ngân hàng nhỏ, lượng người ít và dịch vụ kém. “Theo tôi cần phải thay đổi ngay mô hình quản lý các ATM, không thể để mấy chục ngân hàng mà ngân hàng nào cũng một ngày vài xe chở hàng chục tỉ đồng chạy trên phố tiếp quỹ. Như vậy rất tốn kém và không hiệu quả, lại không an toàn”, ông Kiêm đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.