Khám phá nhiều hầm vàng là ngân hàng Thụy Sĩ mới

04/10/2016 14:48 GMT+7

Sâu trong dãy núi Alps, bên cạnh đường băng cũ thích hợp đón máy bay phản lực Gulfstream và Falcon, là nhiều căn hầm rộng lớn. Đây có thể là nơi trú ẩn lớn nhất thế giới của vàng.

Theo Bloomberg, lối vào căn hầm nhỏ hẹp có bảo vệ với lớp áo chống đạn đứng canh dẫn đến cánh cửa kim loại nhỏ. Phía sau hai cánh cửa là cổng kim loại 3,5 tấn, chỉ mở khi có đúng mật mã và màn hình nhận dạng khuôn mặt quét qua. Mê cung các đường hầm từng được quân đội Thụy Sĩ sử dụng cũng nằm trong này.
Chủ nhân của căn hầm muốn giữ kín danh tính vì lý do an ninh. Ông lo rằng ngay cả việc tiết lộ tên công ty cũng có thể là đầu mối cho những tên trộm. Ông cho hay nhiều người tìm đến mình để tìm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản: “Cứ một hoặc hai người đến thì chúng tôi mới nhận tiếp một khách hàng. Chúng tôi không muốn có rắc rối”.
Nhu cầu trữ vàng tăng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhiều người giàu xem sở hữu vàng là hàng rào chống lại sự bất an đến từ các nhà băng. Đây cũng là khoản đầu tư hợp lý ở thời điểm thị trường biến động, tài khoản tiền gửi và trái phiếu lợi tức thấp hầu như chẳng đem về lợi nhuận. Ngoài ra, cất trữ vàng cũng là một cách để tránh sự giám sát ngày càng tăng của cơ quan thuế. Trong nhiều vụ việc lớn, giới chức Mỹ, Pháp và Đức đã và đang theo gót công dân nước họ - những người có các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ chưa khai báo.
Các hoạt động lưu trữ như thế này không có nghĩa vụ như ngân hàng Thụy Sĩ, vốn phải báo cáo những giao dịch đáng ngờ đến giới chức liên bang. Theo Đạo luật Tuân thủ Thuế Tài khoản Nước ngoài, công dân Mỹ cũng không bị buộc phải khai số vàng trữ bên ngoài các tổ chức tài chính.
Trong số 1.000 boongke quân sự cũ tồn tại trên khắp đất Thụy Sĩ, vài trăm đã được bán trong những năm gần đây. Khoảng 10 trong số các boongke được bán giờ đây trở thành nơi cất giữ vàng và dữ liệu máy tính, theo Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ.
Mê cung dẫn đến các hầm vàng Bloomberg
Cách đó vài km, Dolf Wipfli, nhà sáng lập kiêm CEO công ty khác là Swiss Data Safe, là một trong số ít người sẵn sàng trả lời phỏng vấn về việc kinh doanh. Vàng mà Swiss Data Safe giữ hộ khách hàng được trữ tại hầm bên ngoài thị trấn Amsteg. Trong lần đưa khách hàng tham quan gần đây, ông Wipfli không tiết lộ chính xác vị trí của hầm vàng mà đưa khách đến một hầm khác chứa serve máy tính cũng của công ty ông. Wipfli không tiết lộ ông lấy phí thế nào để giúp khách hàng trữ vàng. Trang web của công ty có phiên bản tiếng Nga và tiếng Trung Quốc.
“Có sự tăng trưởng trong vàng. Có sự quan tâm thực thụ dành cho những cách thay thế tài khoản tiền gửi ngân hàng từ năm 2008. Công ty khai thác thẳng vào nhu cầu đó. Swiss Data Safe độc lập với hệ thống ngân hàng và bất kỳ tổ chức, nhóm lợi ích nào”, nội dung bài thuyết trình của ông Wipfli cho biết. Công ty của Wipfli và các hãng đối thủ không chịu sự kiểm soát của cơ quan điều tiết dịch vụ tài chính Thụy sĩ Finma. Những công ty như vậy chẳng phải báo cáo hành vi đáng ngờ đến Văn phòng Báo cáo Rửa tiền Thụy Sĩ.
“Giao dịch vàng là phần rất lớn của nền kinh tế Thụy Sĩ. Tôi không ngạc nhiên khi chẳng có nhiều nỗ lực hiệu quả hơn để giám sát tốt hơn các hoạt động sai trái ở nước này. Những cái tên quyền lực không muốn làm thẳng tay”, cựu nhân viên đặc biệt John Cassara thuộc Kho bạc Mỹ kiêm tác giả quyển sách viết về rửa tiền cho biết.
Nửa đầu năm nay, 1.357 tấn vàng trị giá 40 tỉ USD được nhập khẩu vào Thụy Sĩ, theo số liệu từ hải quan Thụy Sĩ. Năm nay đang trên đà trở thành năm nhập khẩu lớn nhất kể từ mức kỷ lục năm 2013.
Hiện có nhiều lý do chính đáng để đầu tư vào vàng. Kim loại quý tăng giá 25% kể từ cuối năm 2015. Số tài sản vàng mà các quỹ giao dịch sở nắm giữ tăng 39% trong năm nay, theo số liệu từ Bloomberg. Dù vậy, Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính - cơ quan liên chính phủ đặt ra nhiều tiêu chuẩn chống rửa tiền - cảnh báo trong báo cáo năm 2015 rằng có nguy cơ vàng được tội phạm sử dụng để tài trợ cho khủng bố hay rửa tiền.
Về phần Wipfli, ông chia sẻ Swiss Data Safe khá “kén khách”. Công ty sẽ chỉ chọn khách hàng mà họ cảm thấy tốt. Hãng có nhận tiếp khách hàng doanh nghiệp nhưng chỉ khi họ biết chủ sở hữu doanh nghiệp là ai. Đây là quy tắc khó hơn luật định hải quan liên bang, vốn chi phối các cảng tự do của Thụy Sĩ, nơi nhiều tác phẩm nghệ thuật và món đồ giá trị được lưu giữ. Ngoài ra, Swiss Data Safe cũng kiểm tra chặt hàng hóa bước vào hầm trú ẩn. “Chúng tôi không trữ những cái hộp đen”, ông Wipfli nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.