Cây trâm cài tóc cứu kẻ bị “thượng mã phong”

13/02/2006 23:01 GMT+7

Từ thời xa xưa, các vua chúa và cung phi, mỹ nữ ở Trung Quốc rất am hiểu về một huyệt vô cùng quan trọng là trường cường. Cung phi, mỹ nữ sử dụng cây trâm cài tóc làm dụng cụ cấp cứu cho những trường hợp quý ông bị "thượng mã phong" xảy ra trong lúc quan hệ nam nữ.

Hơn 500 huyệt trên cơ thể

Dựa trên các hệ thống kinh mạch, huyệt lạc, việc day, ấn huyệt với thủ pháp của đôi bàn tay không chỉ chữa trị nhiều bệnh thông thường mà còn chữa được một số chứng bệnh khó trị. Theo lương y Trần Khiết, TP.HCM, trên cơ thể của mỗi người có hơn 500 huyệt, nằm rải rác khắp cơ thể, từ đỉnh đầu cho đến tận lòng bàn chân. Lương y Phan Cao Bình (ủy viên chuyên môn của Hội Đông y Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: "Sự dẫn lưu thông khí trong toàn bộ cơ thể con người đều thông qua hệ thống kinh mạch chính (bao gồm 12 kinh và 2 mạch), phân đều từ trên xuống dưới cơ thể, từ trái qua phải và từ trong ra ngoài. 12 kinh chính thông với 12 tạng phủ, việc day, ấn huyệt tác động vào hệ thống kinh mạch vì thế mà có công dụng phòng và chữa bệnh".


Bấm huyệt - một trong những phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền
Một số thủ pháp bấm huyệt để chữa trị những bệnh thông thường mà mọi người có thể tự làm được như: bị chứng đau đầu, đau nửa đầu, đau đầu do viêm xoang... thì có thể bấm các huyệt bách hội (nằm ở chính giữa đỉnh đầu), dùng hai ngón tay cái hoặc hai ngón tay trỏ vừa ấn, vừa day huyệt từ 30 - 60 giây. Day, ấn hai huyệt thái dương (hai bên màng tang), huyệt suất cốc (phía trên vành tai trên), huyệt phong trì (phía sau gáy, sát xương sọ), hay huyệt nhân trung (nằm ở đường giữa mũi và miệng) làm vài lần như thế, tình trạng đau đầu sẽ giảm. Nếu bị tình trạng căng thẳng, khó ngủ, thì day, ấn các huyệt: tần môn (ngay góc xương bàn tay và cổ tay, phía bên ngón út), huyệt nội quan (nằm chính giữa mặt trong bàn tay, cách lằn chỉ cổ tay 4 - 5 cm), huyệt dũng tuyền (chỗ lõm ở 1/3 bên trên lòng bàn chân) hay bấm các huyệt thái dương, phong trì. Trường hợp bị mỏi mắt do làm việc, học hành, đọc nhiều sách báo thì bấm các huyệt: toản trúc (chỗ đầu trong chân mày, phía trên mắt), huyệt ngư yêu (chính giữa đường cung chân mày), huyệt ty trúc không (đầu ngoài chân mày), huyệt tinh minh (khóe mắt)... Ở trường hợp này, sau khi bấm huyệt dùng hai ngón tay trỏ và hai ngón tay giữa xoa xung quanh vùng mắt và chà hai lòng bàn tay vào nhau cho nóng, rồi áp lên mắt. Những người hay bị đau cổ gáy, đau mỏi vai do làm việc mỏi mệt, hệ thần kinh suy yếu, co thắt cơ hoặc do gió, do cảm lạnh, hay nằm ngủ sai tư thế thì ấn các huyệt: huyệt phong trì, huyệt thiên trụ (cách huyệt phong trì 2 - 3cm về phía dưới cơ gáy), huyệt kim tĩnh (ở giữa cầu vai), huyệt thiên tông (chính giữa xương bả vai). Nếu bị tình trạng đau mỏi lưng thì có thể bấm các huyệt, thận du (nằm ở đường rốn lấy ra phía sau lưng cách cột sống 3cm, huyệt bát liên (hai bên xương cùng). Nếu có kèm thêm đau thần kinh tọa thì bấm thêm huyệt hoàn khiêu (chỗ lõm hỏm mông). Ngoài ra có thể day, ấn các huyệt ở gần gót chân, hai bên bàn chân và lòng bàn chân, có thể sử dụng một ít ngải cứu để hơ nóng thắt lưng và bàn chân (nếu lưng và chân bị lạnh). Trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu thì bấm huyệt trung quản (ở giữa rốn và xương ức), huyệt thiên xu (cách rốn ra hai bên 3cm), huyệt túc tam lý (ở má ngoài, cách chỗ lõm bánh xương chè ở đầu gối 5 cm). Có thể dùng ngải cứu hoặc máy sấy tóc để làm ấm các huyệt nói trên sẽ giúp cải thiện chứng khó tiêu. Những trường hợp bị ho do dị ứng với thời tiết, ho do viêm phế quản, hen suyễn...thì có thể xoa ấn các huyệt ở vùng lưng trên như: huyệt phế du (bờ dưới đốt sống lưng 2 ngang ra mỗi bên 1,5 tấc), huyệt phong môn, huyệt thận du và vùng trước ngực trên như: huyệt trung phủ, thiên đột. Những người bị say tàu xe thì bấm các huyệt: phong trì, ế phong (dưới dái tai), nhĩ môn (giữa nắp tai), nhân trung và trung quản, đồng thời uống thêm 2 gói trà gừng trước khi lên xe, rất hiệu quả...

Huyệt trường cường và cây trâm cài tóc


Một số hệ thống huyệt trên cơ thể người
Theo lương y Phan Cao Bình, 3 huyệt đóng vai trò chính để tăng cường sinh lực toàn cơ thể cho cả nam lẫn nữ là huyệt khí hải (dưới rốn 3cm), huyệt trung quản (chính giữa đường nối bờ xương ức và rốn) và huyệt đản trung (chính giữa đường nối hai đầu vú). Ngoài ra, có thể bấm thêm huyệt thận du và túc tam lý. Theo lương y Huỳnh Văn Quang (TP.HCM): "Day, ấn huyệt bài bản, đúng phương pháp, ngoài việc giúp thư giãn cơ thể, tinh thần, còn có tác dụng chữa được nhiều loại bệnh, kể cả một số bệnh mãn tính. Hai huyệt rất quan trọng làm hưng phấn cơ thể cho cả hai phái nam và nữ là huyệt hội âm và trường cường. Hội âm là huyệt nằm ở giữa hậu môn và bộ phận sinh dục, nơi rất nhiều âm mạch hội tụ về đây. Còn huyệt trường cường (ngay dưới xương cùng cụt) có tác dụng giữ được sự cương cứng lâu dài cho phái nam và tạo sự hưng phấn kéo dài cho phái nữ. Vì thế mà từ thời xa xưa, các vua chúa và cung tần, mỹ nữ ở Trung Quốc rất am hiểu về tính lợi hại của hai huyệt này, nhất là huyệt trường cường. Từ thời xưa, các giai nhân của Trung Quốc thường dùng cây trâm không chỉ để cài tóc mà còn dùng làm công cụ cấp cứu cho những trường hợp bị "thượng mã phong" trong lúc quan hệ nam nữ. "Thượng mã phong" là tình trạng dương khí của nam giới bị thoát (thoát dương) - biểu hiện vã mồ hôi, tay chân mềm nhũn... trong lúc đang "hành sự". Lúc này, người phụ nữ sẽ rút trâm cài tóc, dùng đầu nhọn châm một cái thật mạnh vào huyệt trường cường sẽ giúp đáp ứng sự hồi dương, cứu nguy cho nam giới!". Theo lương y Trần Khiết: "Các cung phi, mỹ nữ của Trung Quốc ngày xưa sử dụng trâm cài tóc với hai công dụng quan trọng là để thử chất độc trong thức ăn (dùng đầu trâm nhúng vào thức ăn, nếu có độc tố thì đầu trâm sẽ đổi màu) và dùng để cấp cứu "thượng mã phong" rất hiệu quả. Nếu dùng cây trâm châm vào huyệt trường cường cấp cứu kịp thời sẽ cứu cho người đàn ông không bị chết trên mình người phụ nữ!".

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.