“Nghiện”... làm đẹp

10/08/2006 15:55 GMT+7

Thấy tôi tỏ vẻ thán phục về sự chịu khó của chị trong việc làm đẹp, Lan bĩu môi: “Mình mà nhằm nhò gì, chỉ siêng “tút” lại phần bên ngoài thôi, chứ mấy nhỏ bạn còn đổ cả núi tiền để tân trang từ trong ra ngoài. Không tháng nào mà tụi nó không đụng đến dao kéo... Riết đâm ra nghiện”.

Thiếu thuốc là mất tự tin

Cứ 2 tuần một lần, chị Hương Lan (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) lại ghé đến thẩm mỹ viện và ở đó cả ngày để săn sóc da mặt, tắm ốm và đắp bùn toàn thân. Những trường hợp như chị hiện không hiếm.

Lan kể: Làm đẹp đơn giản nhất hiện nay là uống thuốc. Đáp ứng quan niệm: “Nhất dáng, nhì da, thứ ba đến tóc” nên trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại thuốc quảng cáo làm đẹp dáng, da, tóc một cách... tự nhiên. Chẳng hạn thuốc Eve 500 được giới thiệu là “chống lão hóa da và giảm béo phì”; Biotamin “chữa các bệnh về tóc”; Glow “bổ sung collagen và cung cấp protein thực vật biển làm da đẹp và sáng”; Vit-hair “giúp người sử dụng có mái tóc đẹp và làn da sáng”...

Những quảng cáo trên đã khiến nhiều phụ nữ xiêu lòng và sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng để nạp thuốc. Có những người sử dụng cùng lúc nhiều sản phẩm để làm đẹp được cả dáng, da, tóc... mà không cần hỏi ý kiến bác sĩ. Nhiều người cho biết sử dụng thuốc liên tục gần 1 năm nay. “Dùng riết rồi quen, chỉ cần nghĩ đến việc không dùng thuốc nữa là đã thấy thiếu tự tin!...”, một chị cho biết.

Có công nghệ mới là... có em

Nhiều thẩm mỹ viện tại TP.HCM thừa nhận: Có một số khách hàng tự nguyện trở thành người tiên phong khám phá những công nghệ mới trong việc làm đẹp dù không phải công nghệ mới nào cũng đem lại vẻ đẹp hoàn hảo. Cách đây 1 năm, khi công nghệ cấy lông mi, lông mày, râu bằng tóc du nhập vào VN thì nhiều người coi là “cứu cánh”.

Bác sĩ một thẩm mỹ viện trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) kể: Một nữ khách hàng quen cứ nằng nặc yêu cầu cấy lông mi. Do cấy từ tóc, mà tóc lại cứng hơn lông mi nên chúng tôi đã cảnh báo là công nghệ cấy lông này chỉ phù hợp để cải thiện tình trạng “khiêm tốn” râu ở quý ông hay lông mày mỏng ở quý bà. Trường hợp cấy lông mi chỉ nên áp dụng với người không có lông mi, còn chị lông mi chỉ ngắn, không nên. Thế nhưng vẫn không ngăn cản được ý thích muốn khám phá công nghệ mới của vị khách hàng này. Kết quả là dù phải tốn hơn 10 triệu đồng nhưng lông mi được cấy từ tóc lại cứng như... bàn chông, đã vậy lông mi cấy và lông mi thật cứ chen nhau làm... “tổ trưởng” nên mỗi tuần chị đều phải đến thẩm mỹ viện để cắt lông mi cấy từ tóc vì tốc độ mọc rất nhanh.

Hiện nay lại đang có cơn sốt sang Thái Lan để căng da mặt bằng công nghệ mới, tạo khuôn mặt “trẻ mãi với thời gian”. Đây là phương pháp căng da mặt không cần phẫu thuật mà chỉ cần chích chất Botox (với giá khoảng 130 USD/lần) dưới lớp da, da sẽ căng lên, không thấy một nếp nhăn nào cả. Sau 6 tháng phải chích lại để duy trì độ căng của da mặt.

Hết “bưởi” lại “cam”

Cách đây vài năm, có một thời quý ông người Việt sinh sống ở quận Cam (bang California, Mỹ) thường đùa vui nên đổi tên quận Cam thành quận “Bưởi”. Lý do vì lúc bấy giờ rất nhiều phụ nữ đã nhờ thẩm mỹ viện “nâng cấp” vòng 1 lên cỡ... trái bưởi. Lúc đó cũng không ít quý cô, quý bà trong nước “đua” theo. Khoảng 1 năm trở lại đây, vòng 1 “vĩ đại” không còn được ưa chuộng mà đổi lại là mốt “vừa đủ xài”. Một số người lại cũng chạy theo mốt này.

Chị Thu M. (nhà ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) là một ví dụ. Cách đây 10 năm khi công nghệ đặt túi nước biển vừa du nhập vào VN, chị đã “tiên phong” leo lên bàn mổ để tân trang vòng 1. Sau đó vài năm, công nghệ đặt túi nước biển theo đường từ nhũ hoa với quảng cáo “nhìn tự nhiên hơn” so với đường đặt túi nước biển từ nách như trước, chị M. lại thay đổi. Mới đây vì “đua” theo mốt vòng 1 vừa phải để “nhìn như thật”, chị lại đặt vé máy bay sang Thái Lan để chỉnh sửa vòng 1 của mình.

Nghiện làm đẹp cũng là bệnh

Các bác sĩ tâm lý cho rằng: Đối với những người thích làm đẹp thì mỗi lần “tân trang” lại sắc đẹp là một lần mang lại cho người ta cảm giác vui thích, phấn khích với những thay đổi về mình. Tuy nhiên, nếu lạm dụng nhiều sẽ trở thành một thói quen, chỉ cần một thời gian không làm đẹp là họ sẽ có cảm giác trống trải, bứt rứt... Vì vậy, nghiện làm đẹp cũng được xem là một bệnh về tâm lý. Đó là chưa kể đến những biến chứng do rủi ro.

Bệnh viện Mắt TP.HCM cảnh báo: Hiện nay, có nhiều trường hợp thích nâng mí, nhưng kỹ thuật nâng mí không phải thẩm mỹ viện nào cũng thực hiện được và ngay tại bệnh viện thì cũng chỉ có vài bác sĩ thực hiện được kỹ thuật này. Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều ca nâng mí do cắt nhầm cơ nâng khiến mắt bị sụp mí vĩnh viễn...

Theo báo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.