Võ Thiện Thanh - Đời không vội vã

03/02/2007 14:49 GMT+7

Đã vào độ tuổi U.40 nhưng trông Võ Thiện Thanh vẫn "bụi" lắm. Sáng nay, anh diện chiếc quần jeans rách và chiếc áo thun cộc tay phóng xe đến quán Audiophile, quán cà phê ruột của anh trên đường Tú Xương. Đường phố Sài Gòn đông nghẹt. Giữa những tiếng nẹt pô, bấm còi inh ỏi, Thanh nhìn những người xung quanh. Tất cả dường như vội vã. Còn anh thì không.

Là nghệ sĩ nhưng Thanh có thói quen làm việc theo lịch của một... công chức. Dĩ nhiên, trừ việc dành ra 2 tiếng đồng hồ mỗi buổi sáng để ngồi thiền ở quán Audophile, Thanh luôn đến và đi đúng giờ ở phòng thu của mình trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Nếu không có việc gì quá khẩn cấp, anh không bao giờ ở lại làm việc sau 17h. Lối sống nhàn nhã đó có mâu thuẫn không khi cái tên Võ Thiện Thanh ngày nay đã trở thành một thương hiệu ăn khách?

Năm cũ vừa qua đối với Thanh khá suôn sẻ. Đặc biệt, phải kể đến việc giúp ca sĩ Thu Minh tung ra album Thiên đàng gồm những sáng tác mới nhất của anh, trong đó có ca khúc Chuông gió từng giành giải Bài hát Việt, Võ Thiện Thanh còn làm được một số việc "hay ho" khác. Ngoài việc tậu phòng thu trị giá 30.000 USD, anh được Thiên Ngân trả khoản cát-sê hậu hĩnh (nhưng yêu cầu không tiết lộ số tiền cụ thể) để làm đạo diễn âm thanh cho Trai nhảy, bộ phim về đề tài đồng tính nam của đạo diễn Lê Hoàng, được hãng phim Thiên Ngân phát hành vào dịp Tết Nguyên đán.

Suýt từ chối Trai nhảy vì ngán đề tài đồng tính

Dẫn tôi vào phòng thu mang tên Võ Thiện Thanh, anh chàng nhạc sĩ có khuôn mặt khá "ngầu" này mở cho tôi nghe thử khoảng 20 track viết riêng cho phim Trai nhảy. Vừa dùng tay điều khiển con chuột, Thanh gật gù giải thích cho tôi từng đoạn nhạc tương ứng với những phân cảnh "gay cấn" hoặc lãng mạn của phim. Dễ dàng nhận thấy, Thanh chủ yếu sử dụng 2 thể loại hip hop và electronic để xử lý hiệu quả phần âm nhạc dựa trên những tình huống bi hài lẫn lộn trong phim.

Tôi hỏi: “Liệu anh có tung ra soundtrack album giống như nhạc sĩ Đức Trí trước đây, người từng được Thiên Ngân trả 100 triệu đồng để viết nhạc cho phim Nữ tướng cướp?”. Thanh gật đầu và nói thêm: "Một album kỷ niệm, với ý nghĩa tinh thần là chính. Vào thời điểm này, không ai hy vọng vào khả năng kiếm lời từ một soundtrack album ở Việt Nam cả".

Thanh thú nhận từng có ý định từ chối lời đề nghị viết nhạc cho phim của Lê Hoàng. Viết nhạc cho phim đồng tính đầu tiên ở Việt Nam ư? Kể cũng hay đấy nhưng hơi khó. Làm sao để chuyển tải thông điệp của phim qua ca từ? Nếu không khéo dễ bị phản cảm lắm... Thanh dự tính trước những "phản ứng phụ" có thể gặp phải. Anh tính "nói không" với bản hợp đồng kèm theo số tiền cát-sê hấp dẫn. Nhưng rồi "miệng lưỡi" của Lê Hoàng đã thuyết phục được Thanh. Anh chọn "giải pháp an toàn" là viết nhạc không lời cho phim. Ngoại trừ, một bài hiphop vui nhộn mang tựa đề Tham thì thâm.

Chân dung người mê đúng giờ

Khác với thói quen "ngẫu hứng" của nhiều nhạc sĩ trong giới, ở Võ Thiện Thanh người ta bắt gặp phong cách làm việc đâu ra đấy. Làm việc gì cũng phải có lịch hẹn cụ thể. Chẳng biết có phải do sở thích đúng giờ đó hay không mà cách đây khá lâu, anh đã được một cây phê bình âm nhạc tặng cho biệt danh "công nhân". Mặc kệ, Thanh vẫn tuân thủ những nguyên tắc của riêng anh. Thích trầm ngâm đúng nơi, đúng chỗ và không cần phải màu mè tỏ vẻ ra dáng nghệ sĩ. Anh ăn nói chừng mực, luôn đi thẳng vào vấn đề, không khoa trương hay vòng vo. Rất tự chủ trong giờ giấc, anh ít khi phải "vắt chân lên cổ" khi làm bất cứ việc gì. Cứ thong dong, hệt như trong bài hát Ngày không vội vã do anh sáng tác và trước đây ca sĩ Quang Vinh thể hiện thành công.

Nhưng liệu cuộc đời đối với Thanh có khi nào buồn như tâm trạng của nhân vật trong bài hát? Thanh tự nhận mình là người đàn ông may mắn. Bởi kể từ khi lập gia đình, anh đã tìm được sự bình an trong cuộc đời mình. Mỗi lần đi làm về, nhìn cái miệng chúm chím của đứa con gái bi bô gọi ba, Thanh thấy lòng mình dịu lại. Anh cũng giống những người đàn ông bình thường khác, hài lòng với niềm vui ấm áp bên mâm cơm gia đình. Ít khi bù khú, nhậu nhẹt, phải chăng vì thế mà bạn bè trêu anh là kẻ thích "lặng lẽ bên đời"?

Từ nhỏ, Thanh đã sớm có chí muốn làm người nổi tiếng. Sinh ra trong một gia đình trung lưu đông anh em ở Hàm Tân (Bình Thuận), Thanh sáng tác bài hát đầu tay của mình khi còn học phổ thông. Người anh cả, Võ Quốc Thanh là thầy dạy âm nhạc đầu tiên của anh. Cho đến giờ này, anh vẫn chưa quên những buổi tối gió mát, trăng thanh, người anh kéo đám bạn về nhà tha hồ đàn ca hát xướng bên cây đàn Hạ uy di bé nhỏ. Cậu bé Võ Thiện Thanh mê tít và quyết tâm sau này sẽ trở thành một ngôi sao nhạc rock.

Con diều đứt dây...

Hệt như câu hát "Diều nào mà chẳng đứt dây một lần" trong bài Rock con diều của Võ Thiện Thanh từng do Minh Thuận trình bày và chiếm cảm tình của nhiều khán giả trẻ trước đây. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai tỉnh lẻ ôm khăn gói lên Sài Gòn với giấc mơ cháy bỏng là được vào Nhạc viện học. Nhưng cuộc đời sớm cho anh "gáo nước lạnh" đầu tiên vì vào thời đó công tác tuyển sinh còn bị chủ nghĩa lý lịch chi phối nặng nề. Vỡ mộng, Thanh đành học và làm nghề nhiếp ảnh. Nhưng âm nhạc vẫn là con đường anh quyết theo đuổi đến cùng. 4 năm sau, khi cơ chế trở nên thông thoáng hơn, Võ Thiện Thanh đậu vào lớp Trung cấp ở Nhạc viện Thành phố. Anh đã làm tất cả để kiếm tiền trang trải việc học hành bằng cách chơi nhạc ở các hộp đêm và đủ việc linh tinh khác.

Năm 1996, ban nhạc rock For Men do Võ Thiện Thanh chủ xướng ra đời nhưng vì nhiều lý do đã rã đám một năm sau đó. Thêm một lần, giấc mơ thành ngôi sao nhạc rock bị vùi dập, Võ Thiện Thanh nhận ra anh nên rẽ sang con đường mới. Lúc bấy giờ, nhận thấy thị trường âm nhạc rất cần những chuyên gia hòa âm - phối khí, Thanh không làm theo lời khuyên của các thầy trong Nhạc viện là chuyên tu vào con đường khí nhạc. Năm 2000, Võ Thiện Thanh rời khỏi mái trường Nhạc viện, nơi anh luôn nghĩ về với tất cả sự biết ơn cùng bao kỷ niệm của thời sinh viên gian khó.  

... để rồi lại  "no gió"

Năm 2001 tạo bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Võ Thiện Thanh với album Xích lô do Hãng Phim trẻ phát hành. Bài hát Xích lô do Mỹ Tâm hát trở nên thịnh hành trong các phòng karaoke trên cả nước. Võ Thiện Thanh nhanh chóng được nhiều hãng sản xuất băng đĩa chú ý, trong đó có Kim Lợi và VAFACO. Từ đó đến nay, Võ Thiện Thanh đã cho ra đời hàng chục bài hát ăn khách, nổi bật là các ca khúc Ước gì, Bạn tôi, Tiếng rao, Tình 2000... Những ca khúc thị trường của anh mang đủ màu sắc, từ pop, rock, hiphop, electronic đến dân ca... Hầu hết đều thể hiện cá tính và cách nhìn đời rất riêng của Võ Thiện Thanh. Anh có lối đặt lời được cho là gần gũi với những suy nghĩ, tình cảm của khán giả trẻ, thậm chí đôi khi bị chê là theo xu hướng "bình dân hóa".

Tuy nhiên, sau vụ ầm ĩ xung quanh việc bài Ước gì - một bài hit của Thanh do Mỹ Tâm hát từng bị Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa vào danh sách 70 ca khúc liên quan đến đạo nhạc hồi năm 2005, Thanh đã tự rút cho mình kinh nghiệm trong nghề nghiệp lẫn với báo chí. Vợ anh, vốn trước đây là một phóng viên của báo Người Lao Động đã luôn ở bên cạnh động viên anh trong những giây phút khó khăn nhất.

Thời gian qua đi, dư luận cũng đã công bằng nhìn lại những đóng góp cho làng nhạc trẻ Việt Nam. Bằng chứng là với giải Bài hát Việt mà Thanh đoạt được trong tháng 8/2006 cùng với những album anh làm cho Mỹ Lệ, Đoan Trang, Thu Minh..., cả giới chuyên môn và khán giả đã nhìn nhận ra giá trị thật sự của Thanh. Khi được hỏi liệu anh có hài lòng với những gì đang có, Thanh gật đầu mỉm cười rồi nhanh chóng chuyển sang kể cho tôi nghe về dự án ghi âm một album mới của nhạc sĩ Phạm Duy... Mong rằng anh tiếp tục vững bước với con đường anh đã chọn.

Quỳnh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.