Câu mực đêm ở biển Cửa Lò

17/09/2007 22:25 GMT+7

Với những tour câu mực đêm cho du khách, nhiều chàng trai xứ Nghệ đã biến một nghề phụ trở thành nghề có thu nhập chính. Có lẽ, đây cũng là sự kỳ thú của loại hình du lịch hấp dẫn mà những chàng trai này muốn dành cho khách du lịch đến nghỉ mát ở bãi biển thơ mộng Cửa Lò...

Lúc hoàng hôn buông trên mặt biển, tôi quyết định lên cái thúng của Thành - một thanh niên trạc hơn 20 tuổi với thâm niên 4 năm trong nghề "câu mực du lịch". Thành trấn an tôi trong khi chiếc thúng bắt đầu tròng trành theo từng đợt sóng: "Anh cứ bám chặt mạn thúng, một lát nữa sẽ quen ngay thôi. Nếu không bị say sóng chắc chắn chẳng có vấn đề gì đâu". Chiếc thúng chở 2 người chúng tôi chầm chậm tiến ra bãi câu mực, lúc này trời đã tối đen và với một "tay mơ" như tôi đã bắt đầu nếm trải cảm giác say vì "uống" quá nhiều... sóng, cho dù cũng có thể coi Thành là một tay bơi thúng thiện nghệ khi lướt qua đầu con sóng như người ta lướt ván bằng ca - nô.

Sau khoảng 15 phút lênh đênh, cách bờ chừng hơn cây số, Thành bắt đầu thả neo và giới thiệu với chúng tôi về cách câu mực. Theo Thành, câu mực hay câu cá đều phải có tính kiên trì và sự khéo léo, nhưng đặc biệt đối với câu mực lại đòi hỏi người câu có thêm sự bền bỉ về thần kinh để không bị quay cuồng, chao đảo trước sóng biển. Cách câu mực không khó lắm, còn để câu được mực thì quả là không đơn giản chút nào: dùng lưỡi câu chùm gắn trên một cục chì, được sơn lên những màu sắc khác nhau. Yếu tố không thể thiếu là ánh sáng đèn, người ta dùng đèn măng-xông, kích cho độ sáng cực mạnh để thu hút mực. Sau đó thả câu rồi làm các động tác để con mồi nhựa nhảy tung tăng "gọi bạn". Tôi hỏi Linh: "Làm sao để biết được mực cắn câu?". Thành cười: "Anh cứ bình tĩnh, khi nào nó cắn câu thì sẽ thấy". Hóa ra, mọi việc đều diễn ra ngay trên mặt nước, người câu có thể trực tiếp chiêm ngưỡng. Một cảm giác hồi hộp cho người câu bắt đầu xuất hiện khi Thành hô to: "Có mực đó, cuốn dây, giữ con mồi dưới mặt nước...". Con mồi do chúng tôi điều khiển khi lên sát mặt nước, được ánh đèn chiếu vào, màu sắc của nó càng sặc sỡ. Bám theo nó là những con mực có màu hồng sáng, chúng chỉ cách chúng tôi một sải tay. Thành nói: "Nhiệm vụ của người câu là phải khéo léo thu hút để những con mực "quây quần" bên con mồi, có hai cách để có thể bắt được mực. Một là chờ đợi cho nó cắn câu, cách thứ hai nhanh hơn là dùng vợt, một lúc có thể bắt được hàng chục con". Cảm giác rất thú vị khi đùa giỡn với các chú mực trên mặt biển khơi đã giúp tôi quên đi sự choáng váng do sóng. Khi tôi đang mải theo dõi đàn mực, Thành bất chợt quát: "Bọn khủng bố". Chưa kịp định thần đã thấy anh ta cầm vợt chao một cái rồi đưa lên và nói: "Đây chính là bọn khủng bố phải tiêu diệt, nếu không chúng sẽ đuổi hết mực đi". Thì ra, "bọn khủng bố" đó chính là những con cá nóc, chúng thường xuất hiện để phá đám khi người ta câu mực. Câu được mực, Thành làm món "mực nhảy nướng" để tôi thưởng thức ngay trên thúng. Cách chế biến món đặc sản này cũng khá đặc biệt, lợi dụng sức nóng của đèn măng-xông, người ta chỉ cần gắn một cái chảo lên đó, thế là cây đèn trở thành "lò nướng mực"...

Giá cho một tour câu mực là 50 ngàn đồng, không hạn chế thời gian. Thành cho biết, mỗi đêm anh cũng kiếm được trên dưới trăm ngàn đồng, có thể nuôi sống cả gia đình, nhưng điều quan trọng nhất giữ Thành lại với nghề - cũng là mong muốn chung của nhiều thanh niên nơi đây: kéo du khách đến Cửa Lò bằng một hình thức du lịch giải trí đặc sắc, độc đáo - câu mực đêm.

Mạnh Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.