Nỗi khổ... thiếu sinh viên !

19/10/2007 22:31 GMT+7

Tính đến hết ngày 5.10, theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì tất cả các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) phải công bố kết quả xét tuyển nguyện vọng (NV) 3. Kỳ thi ĐH - CĐ 2007 đã kết thúc từ lâu, thế nhưng một số trường vẫn bước vào năm học mới mà chưa đủ chỉ tiêu sinh viên, thậm chí có những ngành phải ngưng đào tạo.

Đó là tình trạng chung của nhiều trường dân lập. Ngay khi có kết quả thống kê số thí sinh (TS) nộp hồ sơ xét tuyển NV2, trường ĐH dân lập Hùng Vương đã ra thông báo không xét tuyển các ngành: Toán tin ứng dụng (hệ ĐH), tiếng Pháp (hệ ĐH và CĐ) và tiếng Trung (hệ ĐH và CĐ). Lý do là số lượng TS nộp hồ sơ xét tuyển vào những ngành này quá thấp, cụ thể: ngành Toán tin ứng dụng chỉ tiêu 30 nhưng NV1 không có TS nào trúng tuyển và chỉ có 1 TS nộp hồ sơ xét tuyển NV2. Hệ ĐH ngành tiếng Pháp cũng tương tự, hệ CĐ chỉ tiêu 25 nhưng NV1 chỉ có 1 TS trúng tuyển và 12 TS nộp hồ sơ xét tuyển NV2. Ngành tiếng Trung hệ ĐH chỉ tiêu 30 nhưng chỉ 1 TS trúng tuyển NV1 và 5 TS nộp hồ sơ xét tuyển NV2, hệ CĐ chỉ tiêu 25 nhưng cũng chỉ có 1 TS trúng tuyển và 8 hồ sơ xét tuyển... Trước tình hình đó, trường quyết định ngưng mở các ngành trên và những TS đã nộp hồ sơ được giải quyết bằng cách hoặc rút hồ sơ hoặc đăng ký để chuyển sang ngành khác cùng khối thi trong trường. Số lượng sinh viên (SV) đăng ký vào các ngành khối kỹ thuật cũng không cao. Còn  ngành tiếng Anh và tiếng Nhật hệ ĐH của khối ngoại ngữ thì số lượng đăng ký nhập học tính đến nay vẫn chỉ là 25 SV (tiếng Anh) và 15 SV (tiếng Nhật).

Ngành Việt Nam học và Văn hóa học của trường ĐH dân lập Văn Hiến cũng đang trong tình trạng... chưa biết giải quyết thế nào. Sau các đợt xét tuyển, tổng số hồ sơ nộp vào 2 ngành này vẫn chưa tới 20. Riêng ngành Tâm lý học tuy chưa đủ so với chỉ tiêu nhưng với số lượng 35 SV, trường chấp nhận... lỗ để mở lớp. Tính đến nay, trong số hơn 3.000 hồ sơ trúng tuyển thì chỉ mới hơn 1.700 hồ sơ nhập học thực tế. Sáng 16.10, hội đồng nhà trường đã họp và vẫn tiếp tục phương án chờ tiếp nhận hồ sơ nhập học đến hết tháng này. Nếu hết tháng 10 mà vẫn không đủ số SV để mở lớp thì nhà trường sẽ quyết định theo một trong 2 hướng: hoặc cho phép TS chuyển sang những ngành học cùng khối thi của trường như: Ngữ văn, Đông phương học, Du lịch, Tâm lý học...; hoặc có thể liên hệ để TS chuyển hồ sơ qua ngành học này ở những trường khác.

Có quyết định thành lập trường vào cuối tháng 8 và quyết định đồng ý mở ngành và tuyển sinh vào đầu tháng 9, trường ĐH tư thục Công nghệ thông tin Gia Định đến nay cũng mới tuyển được hơn 50% hồ sơ nhập học so với chỉ tiêu. Với hơn 1.400 chỉ tiêu được tuyển sinh trong năm nay cho cả 3 hệ ĐH, CĐ và TCCN, trường đã nhận được hơn 800 hồ sơ xét tuyển cho ĐH và CĐ, tuy nhiên số SV chắc chắn là của trường mới chỉ hơn 500. Các ngành thuộc khối kinh tế, công nghệ thông tin như: Hệ thống thông tin kinh tế, Mạng máy tính và truyền thông, Quản trị kinh doanh... sẽ bắt đầu học chính thức vào cuối tháng 11 với số lượng hơn 40 SV/lớp. Riêng ngành Cơ điện tử trường mới chỉ nhận được một vài hồ sơ, tiếng Anh thương mại thì hơn 10 SV... Đang chờ xin Bộ gia hạn thời gian xét tuyển đến hết 15.11, dù cho lớp học chỉ 5 - 7 SV, nhưng trường vẫn quyết tâm mở lớp.

Một trường thuộc "tốp trên" như ĐH Nông lâm TP.HCM nhưng nhiều năm liên tục vẫn phải xét tuyển NV2, thậm chí chỉ đủ 2/3 chỉ tiêu với các chuyên ngành: Kinh doanh nông nghiệp, Phát triển nông thôn và khuyến nông, Cơ khí nông lâm. Dù vậy, trường vẫn bước vào năm học mới, vì đó là những chuyên ngành của các khối ngành nên SV có thể học chung những năm đại cương với các chuyên ngành cùng khối, và đến chuyên ngành sẽ tách ra học riêng. Riêng ngành tiếng Pháp không mở được vì chỉ có vài TS trúng tuyển NV1 và chỉ 7 TS nộp hồ sơ xét tuyển NV2.

Nhìn chung, tình trạng của các trường là có sự cách biệt giữa số lượng hồ sơ trong các ngành thuộc khối kinh tế - quản trị kinh doanh và những khối ngành khác như ngoại ngữ, khoa học xã hội... Ví dụ, trường ĐH dân lập Hùng Vương, số lượng SV đăng ký theo học vào các ngành thuộc khối kinh tế - quản trị kinh doanh cao hơn gấp đôi so với năm ngoái, hay các ngành thuộc khối kinh tế - du lịch của ĐH dân lập Văn Hiến cũng vượt trội về hồ sơ với số lượng tối đa là 6 lớp... Ngược lại, những ngành thuộc về khoa học cơ bản, ví dụ như Toán tin ứng dụng không mấy thu hút SV.

"Nhiều khi học sinh, phụ huynh rất chú trọng vào tên gọi của ngành nghề mà chưa hiểu được bản chất của ngành nghề đó. Ví dụ, thêm chữ "công nghệ" thì TS nộp hồ sơ vào tấp nập, đổi "Khuyến nông" thành "Phát triển nông thôn" thì TS lại ít quan tâm hơn, trong khi đó vẫn chỉ là một ngành học. Cũng vậy, những ngành về nông lâm học là đào tạo các kỹ sư phục vụ sự phát triển nông - lâm nghiệp, ngành rất trọng yếu trong nền kinh tế nước ta, nhưng nhiều người lại... tưởng tượng đến việc làm nông lam lũ rồi chạy theo cái gọi là "ngành nghề thời thượng" khác" - 
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng,
Hiệu phó trường ĐH Nông lâm TP.HCM


"Nhiều SV có tâm lý cho rằng các ngành thuộc khối ngoại ngữ chỉ là công cụ chứ không phải là một nghề, nên SV chọn học một ngành khác và trang bị thêm kiến thức ngoại ngữ khi đi xin việc sẽ tốt hơn"
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo
trường ĐH dân lập Hùng Vương

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.