“Đại bàng” F-15 gãy cánh

29/12/2007 18:23 GMT+7

F-15, biệt danh “đại bàng”, là một trong những loại máy bay chiến đấu tạo nên xương sống của không quân Mỹ hiện nay. Do đó việc không quân Mỹ tạm ngưng hoạt động hàng trăm máy bay tiêm kích F-15 đã ảnh hưởng lớn đến sức mạnh phòng không của cường quốc quân sự số 1 thế giới này.

“Đại bàng” nằm đất

Hôm 26.12 vừa qua, Hãng tin AP dẫn lời giới chức Lầu Năm Góc cho biết không quân Mỹ đã ra quyết định “hạ thổ” khoảng 450 chiếc F-15 các loại sau khi xảy ra sự cố đối với một chiếc F-15 tại tiểu bang Máissouri vào ngày 2.11. Trong khi đang bay, chiếc máy bay này đã bị vỡ ra và đâm xuống đất. Tai nạn này sau đó được xác định là xuất phát từ những sai sót nghiêm trọng trong cấu trúc của máy bay. Nhóm điều tra thuộc không quân Mỹ kết luận rằng họ đã phát hiện lỗi trên những thanh kim loại đóng vai trò liên kết các bộ phận ở thân máy bay và lỗi này có mặt trên hầu hết các loại máy bay F-15, trừ loại F-15E Strike Eagle được thiết kế để tấn công các mục tiêu dưới đất. Thế là người ta phải “hạ thổ” một số lượng lớn máy bay chiến đấu F-15 để khắc phục khiếm khuyết. Bên không quân cũng chưa cho biết khi nào thì “đại bàng” có thể cất cánh trở lại. Vì thế, quân đội Mỹ buộc phải chấp nhận thực tế là F-15 có thể vắng mặt dài ngày. “Rõ ràng việc này (tạm ngưng triển khai F-15) có thể gây một số khó khăn. Lực lượng của chúng tôi có thể phải dàn mỏng hơn một chút”, Mike Strickler - phát ngôn viên Bộ chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) thừa nhận.

Đi vào xem xét cụ thể, ta có thể thấy được không quân Mỹ đã phải “căng cơ” như thế nào. Với việc các chiến đấu cơ F-15 ở Massachusetts phải nằm trong hangar (kho chứa máy bay), đơn vị không quân Vermont phải đảm trách toàn bộ việc phòng thủ cho vùng đông bắc nước Mỹ. Đơn vị không quân Minnesota thì sẽ lấp các chỗ trống mà F-15 để lại tại Hawaii. Ở tiểu bang Louisiana, đơn vị không quân từ Illinois đã được điều tới. Phía bên kia đất nước, với việc máy bay của đơn vị không quân Oregon bị “hạ thổ”, lực lượng tại tiểu bang California sẽ phải đảm trách việc bảo vệ toàn bộ vùng bờ biển phía tây nước Mỹ. Đây là một khu vực rộng khoảng 800.000 km2 với hơn 46 triệu dân sinh sống, bao gồm các tiểu bang California, Oregon, Washington, một phần Arizona và Nevada. Theo phát ngôn viên của đơn vị không quân California, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, máy bay chiến đấu của một tiểu bang phải bảo vệ toàn bộ một vùng bờ biển.

“Tình hình đơn vị chúng tôi khá căng, nhưng mọi người đều chấp nhận rằng đây là một thách thức phải vượt qua và tất cả chúng tôi đều đang hành xử đúng với vai trò của những quân nhân chuyên nghiệp”, đại tá Gary Taylor - Chỉ huy chiến dịch của lực lượng máy bay tiêm kích ở căn cứ Fresno, California cho biết. Hiện đơn vị của Taylor phải mượn thêm F-16 từ các tiểu bang Indiana và Arizona cũng như cắt bớt các buổi tập luyện để phục vụ cho nhiệm vụ tuần tra trên biển.

Khi F-15 phải “nằm đất”, không quân Mỹ gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Arpingstone

Đốt sống F-15

F-15 được coi là một đốt sống của không quân Mỹ. Loại máy bay này do Hãng McDonnell Douglas (nay đã sáp nhập vào Boeing) trình làng vào năm 1972 và chính thức được giao cho không quân Mỹ để triển khai chiến đấu vào năm 1976. Đây là loại máy bay tiêm kích chiến thuật hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được thiết kế để chiếm lĩnh và duy trì ưu thế trên không.

Sau không quân Mỹ, quân đội một số nước đồng minh thân thiết cũng đã nhận được F-15 và loại máy bay này đã thể hiện khả năng tác chiến vượt trội của mình. Giai đoạn 1979-1981, trong cuộc xung đột biên giới giữa Li-băng và Israel, F-15 của Israel đã bắn rơi 13 chiếc MIG-21 và 2 chiếc MIG-25 của Syria. Trong chiến tranh Li-băng năm 1982, F-15 của Israel tiếp tục thể hiện khả năng chiến đấu vượt trội khi bắn hạ được 1 máy bay trực thăng và 40 máy bay phản lực của Syria, gồm có 23 MIG-21 và 17 MIG-23. Năm 1984, F-15 của Ả Rập Xê Út bắn rơi 2 chiếc F-4E Phantom II của Iran và sau đó bắn rơi 2 chiếc Dassault Mirage của Iraq. Khi lực lượng liên quân do Mỹ chỉ huy mở chiến dịch Bão táp sa mạc tại vùng Vịnh năm 1991, các loại F-15C, D và E của Mỹ đã tham chiến và giành được 36 trong tổng số 39 trận thắng trên không của liên quân. Trong đó, F-15E Strike Eagle được sử dụng chủ yếu để đánh các mục tiêu dưới đất của đối phương vào ban đêm.

Theo tài liệu của không quân Mỹ, máy bay F-15 của họ đã bắn rơi 34 máy bay của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, trong đó có 5 MIG-29, 2 MIG-25, 8 MIG-23, 2 MIG-21, 2 Su-25, 4 Su-22, 1 Su-7, 6 Mirage, 1 máy bay vận tải Il-76, 1 máy bay huấn luyện Pilatus PC-9 và 2 trực thăng Mi-8. Trong khi đó, chỉ có hai chiếc F-15 bị tên lửa mặt đất bắn rơi trong cuộc chiến này. Trong chiến dịch tại Kosovo vào năm 1999, F-15 của không quân Mỹ bắn rơi 4 chiếc MIG-29 của Nam Tư... Tính đến thời điểm giữa năm 2007, F-15 đã có 103 lần bắn cháy máy bay đối phương trong khi chưa hề bị bắn cháy lần nào trong các cuộc chiến trên không. Đây có thể coi là bằng chứng về tính hiệu quả của F-15. Tuy nhiên, có một điều cũng nên lưu ý khi đánh giá về sức mạnh thật sự của F-15. Đó là trong tất cả các cuộc chiến từ trước đến nay, F-15 luôn đối đầu với những thế hệ máy bay cũ hơn (trừ MIG-29) và với những lực lượng không quân yếu hơn Mỹ nhiều lần.

Từ những số liệu trên, có thể thấy F-15 thực sự là một đoạn xương sống trong hệ thống máy bay chiến đấu của Mỹ. Không quân Mỹ dự định sẽ sử dụng loại máy bay này đến năm 2025. Điều này cũng có nghĩa là khi F-15 “ốm”, không quân Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào.

Phương án thay thế

Khi các loại F-15 phải “dưỡng bệnh”, không quân Mỹ buộc phải tăng cường các loại tiêm kích và máy bay chiến đấu đa năng khác thay thế. Trong đội ngũ chiến đấu hiện nay của Mỹ, các loại phổ biến nhất tương đương hoặc vượt trội F-15 là F-16, F-18 và F-22. Trong đó, F-16 và F-18 là những loại máy bay chiến đấu đa năng, được thiết kế cho cả nhiệm vụ không chiến lẫn oanh kích các mục tiêu trên mặt đất. Nhìn chung, đây là hai loại gần như cùng thời với F-15 và có khả năng đảm nhận những nhiệm vụ tương tự. Còn F-22 Raptor được coi là máy bay tiêm kích hiện đại nhất thế giới hiện nay. Loại này được thiết kế để chiếm lĩnh và duy trì ưu thế trên không, có khả năng tàng hình. Tuy nhiên, loại máy bay có biệt danh “chim ăn thịt” này chưa chứng minh được tính hiệu quả trong các trận đánh thực sự do nó mới ra đời gần đây. Mặt khác, F-22 hiện có giá quá đắt nên không quân Mỹ cũng dè dặt trong việc triển khai ồ ạt.

Điều khó khăn của không quân Mỹ hiện nay là trong khi F-22 không thể triển khai nhanh được thì F-16 hiện đang bị chiến trường Iraq “hút” quá nhiều. Thế nên lực lượng máy bay chiến đấu phục vụ cho việc bảo vệ lãnh thổ nước Mỹ trở nên mỏng hơn bao giờ hết. Các đơn vị hiện có trên đất Mỹ buộc phải đảm nhận nhiệm vụ trên các vùng lãnh thổ lớn gấp nhiều lần so với khi F-15 còn hoạt động bình thường. Máy bay CF-18 của Canada cũng đã được điều tới để trám chỗ trống mà F-15 của Mỹ để lại ở tiểu bang Alaska.

Một điều đáng nói nữa là trong khi lực lượng máy bay chiến đấu của Mỹ đang trở nên mỏng hơn thì máy bay ném bom chiến lược của Nga lại tăng cường các chuyến bay “vu vơ” đâu đó gần không phận Mỹ. Tất nhiên, người Nga không có ý định xâm phạm vùng trời Mỹ hoặc gây gổ gì đó, nhưng những chuyến bay kiểu này đã khiến không quân Mỹ phải tăng cường tuần tra và nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu thường xuyên. Đó là những thách thức thực sự trong thời buổi vắng bóng F-15. 

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.