Ung thư tuyến giáp

15/02/2008 14:45 GMT+7

Ung thư tuyến giáp (UTTG) có thể được điều trị tốt, tuy nhiên, chưa nhiều người được biết về điều này.

Tiếp xúc với tia xạ, nguy hiểm!

Nguyên nhân chính của UTTG dạng nhú và dạng nang chưa được biết rõ. Tuy nhiên, những bệnh nhân đã có tiền sử tiếp xúc với tia xạ, đặc biệt là trẻ em thì về sau, tỷ lệ mắc ung thư  (UT) giáp và u giáp cao. Đáng lưu ý: những bệnh nhân phải xạ trị vùng đầu, cổ, ngực điều trị các bệnh lý khác như: u tuyến yên, UT vòm họng thì nguy cơ UTTG cao hơn hẳn nhóm không xạ trị.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm: 20%-50%  UTTG có yếu tố di truyền - do một gien bất thường trong cơ thể gây nên. Theo tiến sĩ Đỗ Trung Quân (ĐH Y Hà Nội): UTTG có liên quan đến yếu tố gia đình, đặc biệt liên quan đến bệnh Cowden - bệnh có tính chất gia đình (bướu đa nhân, UT phổi, UT  đại tràng, vú).

Theo các tài liệu nghiên cứu đã công bố, người dân được cung cấp đủ iốt thì UTTG  gặp chủ yếu là loại UT dạng nhú (60-80%). Ở những nước mà người dân bị thiếu iốt thì UTTG chủ yếu là UT dạng nang. Nhiều nghiên cứu cũng khẳng định, khoảng 6% bệnh nhân Basedow sau phẫu thuật bị UTTG.

UTTG thường xuất hiện ban đầu dạng khối u tuyến giáp. Tuy nhiên người bệnh thường không biết mình có khối u. Hầu hết khối u tuyến giáp được phát hiện khi bệnh nhân đi khám sức khỏe, hoặc khám bệnh lý khác.

UTTG có thể biểu hiện: Khối u tuyến giáp cứng, không di động được hoặc ít di động khi nuốt. Giọng nói thay đổi, khàn hơn. Bệnh nhân có thể thấy khó nuốt hoặc khó thở. Khi đi khám, các bác sĩ có thể thấy có hạch vùng cổ. Tuy nhiên, tiến sĩ Đỗ Trung Quân lưu ý: khi có biểu hiện lâm sàng như trên thì bệnh đã tiến triển nặng. Đôi khi có thể phát hiện được di căn xa của UT khác: UT phổi hoặc di căn xương.

Đáp ứng điều trị cao

UTTG thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, tỷ lệ bệnh nhân nữ mắc UTTG cao gấp 2-4 lần so với nam giới. Tiến sĩ Đỗ Trung Quân nêu rõ: "So với một số UT khác (UT gan, phổi, đại tràng, dạ dày, buồng trứng, tử cung...), thì UTTG đáp ứng với điều trị tốt nhất. Đây là loại UT có khả năng chữa khỏi, và tỷ lệ sống sau điều trị là rất cao và kéo dài nhất". Sau khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra các quyết định lựa chọn phương pháp điều trị.

Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, việc phẫu thuật rộng hay hẹp tùy thuộc vào kích thước khối u, mức độ di căn tại chỗ, hạch nhiều hay ít... Với u lớn hơn 1 cm - loại UTTG nang và nhú, chỉ định phẫu thuật thường là cắt bỏ thùy tuyến giáp có khối u. Với khối u lớn hơn 1 cm, sẽ phải cắt bỏ toàn  bộ tuyến giáp và lấy toàn bộ hạch vùng cổ. Sau mổ 2-4 ngày, bệnh nhân có thể đi lại và ăn uống bình thường. Sau phẫu thuật khối u tuyến giáp, bệnh nhân cần điều trị iốt phóng xạ. Phương pháp này có thể gây tác dụng phụ: rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn. Có thể làm tăng nguy cơ UT máu (5/1.000 trường hợp). Bệnh nhân cũng có thể bị khô miệng, xơ hóa tuyến nước bọt, hỏng răng. Ngoài ra, có thể xơ phổi (với trường hợp UTTG di căn phổi phải xạ trị nhiều lần). 

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.