Sơn La phải tập trung quyết liệt vào xóa đói giảm nghèo

01/03/2008 17:36 GMT+7

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sơn La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Là tỉnh khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao so với cả nước (37%), do vậy Sơn La phải dành ưu tiên chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo.

Đây là một trong những trọng tâm của chuyến công tác đến Sơn La của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ trong 2 ngày 29.2 -1.3.2008.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh và ý kiến đóng góp của các bộ, ngành T.Ư, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La tuy còn nhiều khó khăn nhưng năm 2007 đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng đạt 15,38%, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện,...

Thủ tướng biểu dương tỉnh trong việc tuyên truyền vận động và di chuyển 6.700 hộ/12.500 hộ, đạt 54% di dân tái định cư phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Đây không chỉ đảm bảo tiến độ tái định cư mà là mô hình tốt đưa dân tới nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn, đặc biệt là tạo được cơ chế di dân tốt được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thủ tướng đề nghị tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành T.Ư chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển, vì mục tiêu đảm bảo đúng tiến độ của công trình thủy điện Sơn La.

Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của tỉnh Sơn La phấn đấu năm 2008 đạt mức tăng trưởng 16% trở lên, di chuyển trên 4.200 hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La đến nơi ở mới, trồng mới 5.000 ha cao su, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 33%... cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra. Thủ tướng cho rằng, các chỉ tiêu Sơn La đã đề ra là hết sức cụ thể, có hoàn thành hay không là phụ thuộc vào công tác chỉ đạo thực hiện của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Thủ tướng gợi ý, Sơn La có thế mạnh về rừng, do vậy tỉnh cần đẩy mạnh công tác giao rừng gắn với chăn nuôi đại gia súc, đồng thời hỗ trợ vốn và kỹ thuật trồng ngô, nuôi trâu, bò... Trước mắt, hỗ trợ dân khôi phục sản xuất và chăn nuôi do đợt rét đậm, rét hại vừa qua gây ra và không để dân đói do rét.

Một trong những lợi thế của Sơn La là phát triển hệ thống các nhà máy thủy điện (toàn tỉnh xây dựng các nhà máy thủy điện đạt công suất 3.520 MW tương đương 700 triệu USD giá trị sản lượng hằng năm), do đó tỉnh cần rà soát qui hoạch để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm phát triển nhanh bằng tiềm năng nội lực của tỉnh. Riêng đối với công trình thủy điện Sơn La, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với tỉnh đảm bảo đúng tiến độ di dân tái định cư, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm lớn nhằm đảm bảo đến cuối năm 2010 phát điện tổ máy số 1 và năm 2012 đưa toàn bộ nhà máy vào hoạt động (hoàn thành trước kế hoạch 3 năm). Thủ tướng lưu ý, Sơn La cần tập trung đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý...

Trước đó, phát biểu trên công trường thủy điện Sơn La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương nỗ lực của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân đã làm việc không kể ngày đêm, kể cả những ngày Tết Nguyên đán vừa qua với tinh thần trách nhiệm cao tất cả vì dòng điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đồng thời đánh giá cao các đơn vị thi công, quản lý dự án, tư vấn đã vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thủ tướng cho rằng, cuối năm 2010 sẽ phát điện tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Sơn La (400MW) và những năm tiếp theo sẽ hoàn thành 5 tổ máy, có ý nghĩa quan trọng góp phần cùng cả nước chống tình trạng thiếu điện phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Cùng với với đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng lưu ý cán bộ, kỹ sư và công nhân đang thi công trên công trường phải đảm bảo chất lượng công trình và an toàn trong thi công, không để tai nạn lao động xảy ra với phương châm tất cả vì sức khỏe và tính mạng của người lao động.

Thăm diện tích trồng khảo nghiệm cây cao su tại bản Phiền Tìn, Ít Ong, Mường La, nơi mà Công ty cổ phần cao su Sơn La (Tập đoàn Cao su Việt Nam) đang trồng khảo nghiệm 70ha trong năm 2007 và được thực hiện theo cơ chế dân góp quyền sử dụng đất với giá trị 10 triệu/ha (là cổ phần của dân tham gia góp vốn cổ đông với công ty). Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy lần đầu tiên Tập đoàn Cao su Việt Nam đã kết hợp với tỉnh Sơn La trồng cây cao su (một trong những cây công nghiệp có hiệu quả nhất hiện nay). Nếu mỗi ha cao su cho sản lượng 1,5 - 1,7 tấn/ha sẽ tạo ra bước ngoặt trong việc nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung và đặc biệt sẽ góp phần tích cực ổn định đồng bào các dân tộc vùng tái định cư Dự án thủy điện Sơn La nói riêng.

Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và nông dân được thể hiện trong sự liên kết để thành lập Công ty cổ phần cao su Sơn La. Trong đó, nông dân góp quyền sử dụng đất và sức lao động, còn doanh nghiệp góp giống, kỹ thuật thâm canh, chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trò chuyện với Đội trồng cây cao su Ít ong, mà phần lớn là nông dân của bản Phiền Tìn, Thủ tướng vui mừng khi biết mỗi lao động tại đây được nhận mức lương từ 1,2 triệu đồng - 1,8 triệu đồng/tháng. Hiện diện tích cây cao su đang sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu khẳng định sự phù hợp của cây cao su với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh Sơn La. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tỉnh Sơn La sớm sơ kết mô hình phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà nông.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.