Nhân Vesak 2008, nhớ Trần Nhân Tông

17/05/2008 00:23 GMT+7

Nếu là một người yêu sử, chắc chắn ta luôn có những day dứt từ lịch sử. Bởi rất nhiều mảng tối hoặc mảng quá sáng từ quá khứ không thể rọi soi nổi, dẫu chỉ chút ít, những sai lầm của hiện tại, tuy ta đã được biết rằng chúng ít nhiều có liên hệ với nhau. Tôi thường thoáng nghĩ đến Trần Nhân Tông mỗi khi lần đầu tiên đến với một thành phố mới. Điều kỳ lạ là ở hầu hết các thành phố ấy, tên Trần Nhân Tông thường được đặt cho những con đường rất nhỏ. Phải chăng chúng ta chưa hiểu hết về Trần Nhân Tông?

Cách đây 750 năm, Trần Nhân Tông đã chào đời và 700 năm trước ông đã vĩnh viễn rời xa cõi dương trần (1258-1308). Đúng nửa thế kỷ sống tận trung với nước và chiêm nghiệm cuộc đời nhưng giống như một định mệnh, cuộc đời của Trần Nhân Tông luôn luôn là một nửa. Sau 20 năm học hỏi, Trần Nhân Tông có đúng 30 năm nữa để chia đôi cuộc đời thành hai nửa (1278-1308): 15 năm đầu ông làm vua, 15 năm sau ông đi tu ở Trúc Lâm Yên Tử. Ông cũng là người đầu tiên khai phá con đường để có thêm một nửa giang sơn cho đất nước khi quyết định gả con gái yêu của mình là Công chúa Huyền Trân (1306) để đổi lấy châu Ô, châu Rí (nay là tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế). Nói chính xác là ông đã "đứng" được trên đỉnh đèo Hải Vân để nhìn thấy mũi Cà Mau trước chúng ta 700 năm! Chỉ có một người đã hai lần lãnh đạo đánh thắng quân Nguyên (mà trên thế giới không một vị vua nào làm được) mới hiểu hết giá trị của phương Nam khi muốn giữ yên bờ cõi cho non sông đất nước.

Cái cách phân chia rạch ròi như trên chỉ gần hợp lý về thời gian chứ về con người, nhất là trái tim người, không thể nào thỏa đáng. Bằng chứng rõ nhất là ngay cả khi đã lập nên phái thiền Trúc Lâm rồi, Trần Nhân Tông vẫn còn băn khoăn đến vận nước như đã nói ở trên. Hiểu cho hết con người Trần Nhân Tông là điều không thể. Vào thành Thăng Long sau khi đuổi quân Nguyên, có cả hàng chục thùng đựng thư từ của những kẻ xin đầu hàng giặc để làm quan, ông cho đốt hết. Ông quở trách vua con (Trần Anh Tông) rằng: "Đất nước bé bằng bàn tay, lắm quan đến thế, dân làm sao sống nổi?"…

Trước Trần Nhân Tông, chưa có một vị vua nào tự nguyện rời bỏ ngai vàng một cách thanh thản năm 35 tuổi. Sau Trần Nhân Tông lại càng không có bao giờ! Một khi đã có quyền lực tối cao mà rũ bỏ nó nhẹ nhàng như gạt một hạt bụi trần, đó là nhân cách của sự phi thường, của trác tuyệt nghĩa tâm nhân. Nếu tạm chưa xét đến các lẽ của đời thường, ta mới chợt nghiệm ra rằng mình đã không hiểu hết cái chân lý cao siêu diệu vợi của Phật pháp nhiệm mầu.

Trần Nhân Tông đã không hề màng chuyện thịnh suy của chính mình. Ông rời bỏ ngai vàng, đến với Trúc Lâm để tận sạch sân si. Điều vô giá mà cõi Sơn Thiền mang lại là sự thanh khiết, trong lành của gió trời sương núi, là sự thăng hoa của lòng nhân. Có không ít người đã trốn chạy khỏi cuộc đời để đến với cõi thiền. Trần Nhân Tông không phải là người như thế. Trước khi làm vua, ông đã nhiều lần từ chối vương quyền. Đến khi bị vua cha bắt ép làm vua, ông vẫn hoàn thành xuất sắc bổn phận của bậc minh quân. Sau khi Hốt Tất Liệt chết, biết là quân Nguyên khó có thể xâm lược nước ta lần nữa, Trần Nhân Tông rời bỏ ngai vàng để thỏa tâm nguyện mà ông đã chờ, đã đợi suốt 15 năm.

Trần  Nhân Tông đã làm hơn bảy chục bài thơ. Đó là con số không nhiều. Nhưng hàng chục lần ông đã nhắc đến chữ "xuân" trong thơ ông. Điều ấy minh giải rằng ông luôn thanh thản với hai chữ làm người. Có hai câu thơ của Trần  Nhân Tông mà dẫu là ai, dẫu chỉ đọc một lần cũng không thể nào quên: Số đời một màn kéo. Tình người đôi mắt ngân. Vế trước như là một định ngữ, một lời can ngăn mọi cái ác, cái xấu vô hình, gợi mở sự hướng thiện bởi nếu không sẽ chẳng còn kịp nữa. Vế sau là "tuyên ngôn" của Phật pháp, là tiếng tri âm tâm huyết của Trần  Nhân Tông.

Tô Vĩnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.