Cuối năm xóm nghèo vỡ hụi

25/12/2008 00:35 GMT+7

Tại một làng quê hẻo lánh ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), hàng chục nông dân đầm đìa nước mắt đến gõ cửa chính quyền địa phương để báo việc bị vợ của một cán bộ xã “giựt hụi”. Hôm 23.12, cơ quan điều tra cho biết đã chính thức vào cuộc.

Gom hụi để mua đất

Người mất bạc tỉ, người mất vài triệu, nhưng tất cả cùng đau như nhau bởi số tiền họ có được đều do đi vay, làm thuê làm mướn, thậm chí có người phải thế con đi ở mướn để lấy vài triệu đồng gửi chủ hụi...

Ông Nguyễn Văn Đáng, cán bộ tư pháp xã Thạnh Phước, H.Giồng Riềng, cho biết: cách đây chừng một tháng, Ngô Hồng Thắm, vợ của anh Nguyễn Văn Phương, cán bộ tuyên giáo xã, bỏ nhà đi. Phương cũng xin nghỉ phép để “đi tìm vợ”. Lúc này cũng đã nghe râm ran chuyện hụi hè của vợ chồng Phương sắp “bể”, nên lãnh đạo xã đã chấp thuận cho Phương nghỉ phép để giải quyết việc gia đình, đồng thời làm tường trình về vụ việc.

Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn phép mà Phương cũng không trở lại làm việc và cũng không viết tường trình. Đến ngày 13.12, sau khi nhận đơn thưa của hàng chục người dân về chuyện họ bị “giựt hụi”, xã đã tổ chức đối chiếu số tiền giữa hai bên. Vợ chồng Phương - Thắm có quay về nhưng cuộc đối chiếu bất thành.

Cho chúng tôi xem hàng loạt đơn thưa, đơn tố cáo, đơn yêu cầu... của những chủ nợ, ông Đáng nói số này là chưa đầy đủ. Đã có 43 người đến UBND xã Thạnh Phước tố cáo vợ chồng Phương - Thắm “giựt hụi” với số tiền trên dưới 5 tỉ đồng. Người dân nói một phần số tiền này vợ chồng Phương - Thắm đã sử dụng để mua 50 công đất ở ấp Thạnh Đông (xã Thạnh Phước). UBND xã Thạnh Phước có chủ trương không chứng nhận mua bán đất cho vợ chồng Phương - Thắm chừng nào vụ việc bể hụi chưa được giải quyết.

Làm việc với chúng tôi, điều tra viên thụ lý vụ việc, thiếu tá Đỗ Ấp Bắc, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Giồng Riềng xác nhận có vụ việc hàng chục người dân gửi đơn tố cáo Ngô Hồng Thắm đứng ra rủ nhiều người chơi hụi. Ông Bắc cho biết, qua 37 đơn tố cáo, người dân trình bày đã bị chiếm đoạt trên 6 tỉ đồng, người bị chiếm đoạt số tiền lớn nhất qua khai báo là trên 1 tỉ. Công an huyện Giồng Riềng đã tiến hành thẩm tra các chủ nợ; được biết Công an tỉnh Kiên Giang cũng sẽ tiến hành làm rõ vụ việc.

Vay nợ, đợ con để chơi hụi

Hàng chục người là nạn nhân trong vụ bể hụi này cho biết, số tiền mà họ đưa cho Thắm đều là tiền vay bạc hỏi. Đầm đìa nước mắt, chị Nguyễn Thị Vẹn (ấp Thạnh Qưới, xã Thạnh Phước) kể: gia đình chị có đứa con 9 tuổi bị bệnh bại não. Thắm đến thuyết phục chị “có tiền đưa sẽ được lãi cao”. Nghe bùi tai, chị đã lén chồng thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay ngân hàng, tham gia vào các chân hụi của Thắm, tổng cộng là 115 triệu đồng. Chị Vẹn mếu máo: “Tui nghĩ đưa tiền cho nó để kiếm đồng ra đồng vào mua sữa cho con, không ngờ như thế này. Chồng tui hay chuyện đã không thèm nói năng gì với tui hết...”. Ngày con chị Vẹn chết cũng là ngày chị hay chuyện vỡ hụi...

Anh Nguyễn Văn Trung (ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Phước) trình bày: bị Thắm thuyết phục, vợ chồng anh tham gia 4 chân hụi. Đến ngày 16.10 vừa rồi, Thắm đến than do cần gấp một số tiền để trả tiền đáo hạn với ngân hàng, đến khi vay mới được sẽ lập tức trả lại. Anh cùng vợ - chị Trần Thu Nga - vét hết số tiền dành dụm, bán cả vàng để được 80 triệu đồng giao thêm  cho Thắm. Đến khi vụ việc đổ bể, vợ chồng Phương - Thắm làm giấy hẹn trả, nhưng đã quá hẹn vẫn biệt vô âm tín.

Chị Lương Hồng Nhiễu, một chủ vựa lúa ở ấp Thời Xuyên, xã Thới Đông (H.Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) nói trước đây gia đình chị rất thân với gia đình Phương - Thắm. Để có số tiền trên 1 tỉ đồng “nuôi” hàng trăm chân hụi (bao gồm “hụi mùa” 4 tháng, “hụi tháng” và “hụi ngày”), vợ chồng chị phải vay bạc hỏi, kể cả hốt “hụi chết” chỗ khác đóng cho Thắm. Chị Cao Thị Kim Lợi nói chị cũng vay nợ, hốt “hụi chết” để đóng cho Thắm, đóng đến trên 95 triệu đồng thì vụ việc đổ bể. Chị Huỳnh Thị Oanh sụt sùi: “Tôi lén chồng cầm 2 ha đất để vô hụi, hy vọng kiếm lời nuôi con đi học, giờ thì phải điêu đứng thế này”. Chị Oanh mất 175 triệu đồng...

Trong số những nạn nhân, có nhiều trường hợp làm ruộng, đào đất, cắt cỏ mướn... gom góp tiền để chơi hụi. Thậm chí có một bà mẹ cho con đi ở mướn để ứng tiền tham gia chơi hụi. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Nâu. Số tiền 6,5 triệu không phải là lớn đối với nhiều người, nhưng để có nó, gia đình chị làm mướn đủ nghề, tằn tiện. Chị còn phải cho đứa con đi ở mướn để ứng trước 4 triệu đồng đóng hụi. Bây giờ con chị phải đổ mồ hôi làm trả nợ, còn số tiền thì đã ra đi...

Giải thích tại sao có quá nhiều người tham gia đường dây hụi hè của Thắm, ông Nguyễn Văn Đáng nói: Cũng do người dân bị hấp dẫn vào đồng lời mà Thắm hứa hẹn; tham gia càng nhiều chân hụi, đóng càng nhiều tiền thì mức được hưởng càng cao. Thời gian đầu Thắm chung tiền lãi, tiền hốt hụi rất đúng hẹn. Khi có người cần hốt thì Thắm bịa đã có người khác hốt rồi... Tình trạng này xảy ra cho đến khi vụ việc đổ bể.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.