Sông Thị Vải hồi sinh

05/03/2009 23:44 GMT+7

Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý quyết liệt việc Vedan và một số công ty khác lén lút xả chất thải ra sông Thị Vải, đến nay dòng sông đã có những dấu hiệu hồi sinh...

Ngư dân Phước Thái  đã cười...

Về sông Thị Vải sau gần 6 tháng kể từ ngày Cục Cảnh sát môi trường phát hiện ra hệ thống ngầm xả thải "chui" của Công ty Vedan, chúng tôi gặp lại ông Nguyễn Văn Leo (45 tuổi, xã Phước Thái, H.Long Thành), một nhân vật đã được đề cập trong bài Bức xúc từ dòng sông ngứa đăng trên Báo Thanh Niên. Ông Leo hồ hởi: “Lúc nhà máy Vedan chưa bị phát hiện, ô nhiễm dữ lắm, nước đục ngầu như màu cà phê, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Chỉ cần nhúng cái chân xuống nước, tối về gãi trối chết và hôm sau loét thành mụn nhọt. Còn bây giờ, chiều chiều mấy ông bạn già tụi tôi đã dám rủ nhau nhào xuống nước tắm”. Theo ông Leo, vài tháng sau khi Vedan giảm công suất xả thải, dòng nước dần xanh, nếu đem so với khi chưa có nhà máy mọc lên “cũng đỡ được 60-70%”. 

Đến làng chài xã Phước Thái, cách nhà máy Vedan chưa đầy 500m, không khí sau một đêm đánh bắt hết sức nhộn nhịp. Ông Trần Văn Khích (41 tuổi, tổ 4, ấp 1B, xã Phước Thái) cười rạng rỡ khoe trúng đậm 10 kg cá dứa, được thương lái mua với giá 50.000 đồng/kg. Anh Ngô Văn Tám (32 tuổi) vừa cân cá xong cho thương lái, bỏ túi được 300.000 đồng. Trước đây, anh Tám cũng làm nghề đánh bắt cá trên sông Thị Vải, nhưng sau do nguồn nước bị ô nhiễm, con cá, con tôm, con cua... “chê” không vào nên anh chuyển sang làm công nhân cho Công ty gạch men VTC ở Khu công nghiệp Gò Dầu. “Từ khi thấy nước trong xanh trở lại, tôm cá lại vùng vẫy thì tôi cùng vợ (cũng làm công nhân - PV) nộp đơn xin nghỉ việc, trở lại với nghề ngày xưa”, anh Tám kể. Theo anh Tám, mỗi ngày đi câu trừ chi phí xăng dầu cũng kiếm được 200.000 - 300.000 đồng. 

Chiều đến, khi con nước ròng, ông Năm Tuấn xung phong đưa chúng tôi chạy dọc sông Thị Vải để kiểm chứng sự hồi sinh. Ra đến sông Thị Vải, nước trong xanh đến bất ngờ, không còn mùi hôi thối nồng nặc như ngày trước. Cảng Gò Dầu ngày nào tàu “chê” không vào, nay cũng đã tấp nập trở lại. Chúng tôi còn bắt gặp những ngư dân đang giăng lưới sát ngay sau nhà máy Vedan... Ông Năm Tuấn nói: “Nhưng nói thiệt với mấy chú, nhà nước cần phải “canh” cho dữ vào. Chứ mới đây, chỉ sau một trận mưa, thấy nước có mùi trở lại. Không biết nhà máy nào xả”. 

Cơ quan chức năng cũng bất ngờ 

Một ngư dân đang khoe “chiến lợi phẩm” đánh bắt trên sông -  ảnh: Hoàng Tuấn

Ông Lê Văn Bình, Phó giám đốc Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, thốt lên "quá bất ngờ" khi mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi. Theo ông Bình, sau khi vụ Vedan xảy ra, nhiều nhà khoa học dự đoán phải mất từ 5 đến 10 năm, có khi đến 20 năm mới hy vọng sông Thị Vải có thể hồi sinh. Đó là chưa kể, các nhà khoa học còn bàn đến cả phương án bỏ hàng chục tỉ đồng để khơi thông dòng chảy, đưa nước từ sông Đồng Nai về rửa ô nhiễm sông Thị Vải. Nhưng rồi do sợ ảnh hưởng xâm nhập mặn vào sông Đồng Nai, nên phương án này đã bị gác lại. “Theo quan điểm của tôi, sau khi xảy ra vụ Vedan, một số nhà máy cũng “ngán” nên không dám xả “trộm” và chúng ta cũng đã kiểm soát được nguồn nước thải từ các nhà máy. Nhưng đặc biệt, phải kể đến đợt lũ vào tháng 9.2008 đẩy được ô nhiễm sông Thị Vải, chứ không thể nào hồi sinh nhanh như thế”, ông Bình lý giải về nguyên nhân hồi sinh sông Thị Vải. 

Cũng theo ông Bình, kết quả quan trắc chất lượng nước sau đợt lũ vào ngày 8-10.9.2008 cho thấy, thông số BOD5 giảm 11,6%; thông số COD giảm 13,9%; thông số N-NH3 giảm 24,8% và hàm lượng vi khuẩn Coliform giảm đến 41,8%... so với kết quả quan trắc trước khi vụ Vedan xả thải "chui" bị phát hiện. "Mới đây, ngày 23.2 chúng tôi vừa tiến hành quan trắc, lấy mẫu để đánh giá chất lượng nước sông Thị Vải. Dự kiến khoảng giữa tháng 3 này sẽ có kết quả, nhưng nhìn chung tình hình khả quan", ông Bình nói.

Hoàng Tuấn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.