Bảo vật quốc gia ở đâu?

12/04/2009 23:24 GMT+7

Việc phân loại, lập danh sách các di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt để tham gia xét chọn bảo vật quốc gia đã tiến hành từ năm 2004. Song đến nay, việc thẩm định và công nhận bảo vật quốc gia vẫn còn "trên đường thiên lý"... Mời nghe đọc bài

Đợt mất mát cổ vật lớn nhất

Câu chuyện bắt đầu từ đêm kinh thành Huế thất thủ vào năm 1885. Khi vua Hàm Nghi cùng hoàng gia xuất bôn khỏi kinh thành, thiếu tướng quân đội viễn chinh Pháp là Prudhomme đã tung thuộc hạ và binh lính dưới quyền mình lùng sục khắp hoàng cung trong suốt 20 ngày để tìm kiếm, thu vén và lấy đi một số lượng lớn các vật quý báu nhất. Riêng tại cung bà Thái hậu Từ Dũ, họ lấy 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc và 271 các đồ dùng được chế tác mỹ thuật bằng vàng và 3.416 lạng vàng nguyên, 1.258 nén bạc, cùng nhiều đồ dùng thường nhật của Thái hậu.

Tại các tôn miếu thờ những vị vua như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, họ cũng xông vào những nơi ấy với mũi súng lưỡi lê đi đầu để cướp đi các vật phẩm riêng của các vị vua dùng lúc sinh thời (để nguyên thờ), gồm: triều phục, mũ miện, đai áo, thảm, đệm, long sàng, bàn tròn xoay chạm trổ, hoành để treo vũ khí, tráp trầu, ống phóng. Những hỏa lò xinh xinh  nho nhỏ dùng để nấu trà hoặc sưởi ấm, các chậu thau rửa mặt, các đỉnh trầm, những bộ khay chén và ấm pha trà dùng cho các hoàng đế cũng bị mang đi.

Thế nào là bảo vật quốc gia?

Bảo vật quốc gia theo quy định pháp luật phải thể hiện là vật chứng của một sự kiện lớn, hoặc gắn bó với sự nghiệp các anh hùng, danh nhân, là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng - nhân văn, giá trị thẩm mỹ và hình thức thể hiện tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại. Được gọi là bảo vật quốc gia còn bao gồm những sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu từng mang lại lợi ích xã hội và thúc đẩy sự phát triển văn hóa một thời.

(TS Sử học ĐẶNG VĂN THẮNG)

Bảo vật quốc gia không được bán ra nước ngoài

Đối với bảo vật quốc gia, thì theo khoản 1, điều 42 Luật Di sản văn hóa, sẽ được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt. Điều luật trên cũng ghi rằng bảo vật quốc gia sẽ chỉ được mua bán, trao đổi, tặng, cho và để thừa kế ở trong nước theo quy định pháp luật. Việc mua bán bảo vật quốc gia được thực hiện theo giá thỏa thuận hoặc tổ chức đấu giá và Nhà nước được ưu tiên mua.

(TS Sử học TRỊNH THỊ HÒA)

Những chi tiết với số liệu trên được lưu trữ (chưa xuất bản) tại Văn khố Bộ Ngoại giao Pháp (Paris) hiếm người biết đến, đã được ông Nguyễn Xuân Thọ dẫn ra, Nguyễn Ngọc Cư dịch và nhà nghiên cứu Phan Thuận An trích in trong bài viết của mình cách đây 7 năm (2002) trong Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn đã thật sự gây chú ý, vì tính chất bạo lực và thu vén của cải quá sức trắng trợn. Và nhất là, về lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, lịch sử, chắc chắn trong những đồ thất thoát từ hoàng cung ngày đó không ít món trở thành bảo vật quốc gia đối với thời nay. Theo tư liệu đã dẫn, vua Đồng Khánh nhiều lần đòi Pháp trả lại kho tàng quý giá đã bị cướp đoạt nêu trên nhưng không được đáp ứng.

May mắn hiện nay chúng ta vẫn còn giữ được một số bảo vật quốc gia chế tác từ thời Nguyễn tại Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế ở miền Trung. Ở phía Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM còn trưng bày chiếc sập khảm ngà, bức bình phong ba tấm, cái giá gỗ có đề thơ của vua Minh Mạng trên mặt đồng pháp lam. Đó là 3 trong số 171 hiện vật quý hiếm được chọn lựa trong tổng số hơn 37 ngàn hiện vật của bảo tàng trên đưa vào danh sách đề nghị Hội đồng di sản văn hóa quốc gia thẩm định là bảo vật quốc gia.

Trong các di tích và dưới lòng đất

Lùi xa hơn về trước, có thể tìm gặp các báu vật hiện đang lưu giữ tại các di tích văn hóa nghệ thuật, các cổ tự, các đền thờ xưa, như các pho tượng La Hán chùa Tây Phương chẳng hạn. Xa hơn nữa là các trống đồng được tìm thấy tại các vùng văn hóa phía Bắc. Hoặc một số đồ cổ được đào lên từ dưới lòng đất phía Nam, như tượng thần Ganesa bằng đá - đây là vị thần hóa sinh từ ngọn lửa, khi ra đời mặt mũi rất khôi ngô, nhưng về sau do lòng ghen tuông mà một vị thần đã thốt lời nguyền độc địa khiến Ganesa biến thành thân người đầu voi. Có nhiều tượng đá như Ganesa cũng đã được đề nghị xếp hạng là bảo vật quốc gia với chế độ bảo vệ đặc biệt.

Ngoài ra có thể tìm các bảo vật đang nằm rải rác đâu đó trong các sưu tập của tư nhân, hoặc còn tiềm ẩn dưới lòng đất, dưới đáy biển. Theo ông Vương Thu Hồng, Phó giám đốc Bảo tàng Long An, trong vòng hơn 30 năm qua, khoảng 40 di tích của văn hóa Óc Eo thuộc các loại hình phế tích kiến trúc, di chỉ cư trú, di chỉ xưởng thủ công được phát hiện dưới lòng đất Đồng Tháp Mười, trong đó đã lấy lên để hình thành bộ sưu tập hạt chuỗi bằng đá ngọc 695 hạt, chế tác từ 6 loại đá ngọc khác nhau, gồm: Mã não (Agate): 69 hạt, Hồng mã não (Carnelian): 407 hạt, Thạch anh (Crystal rock): 35 hạt, Tử ngọc (ngọc màu tím - Garnet): 21 hạt, Nê-frit (màu xanh - Nephrite): 152 hạt.... Khi nghiên cứu các chuỗi ngọc trên, những nhà chuyên môn nhận định: "Ngay từ đầu Công nguyên, vùng Đồng Tháp Mười đã có một cụm di chỉ xưởng chế tác hạt chuỗi và đồ kim hoàn có mối quan hệ gần với di chỉ Óc Eo (An Giang), Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ (Cần Giờ, TP.HCM) và có mối quan hệ xa với các di chỉ sản xuất hạt chuỗi nổi tiếng của Thái Lan (Uthong, Ban Don Ta Phet và Khlong Tham) và Ấn Độ (Akra, Patna, Benares và Arikamedu). Điều này đã gợi ra tính chất "mở" của nền văn hóa - kinh tế của cư dân Óc Eo - Phù Nam, cũng như tầm quan trọng của vùng đất Nam Bộ xưa đối với "con đường tơ lụa trên biển".

Báu vật đồ gốm

Các báu vật và các cổ vật quý hiếm cũng vẫn còn tiềm ẩn đâu đó dưới đáy biển Đông, lắm lúc với chất liệu thô sơ như các mặt hàng gốm nằm trong nhiều con tàu bị đắm. TS Nguyễn Thị Hậu khẳng định: "Tuy không rực rỡ tinh xảo như các đồ trang sức, hoặc uy nghi diễm lệ như các pho tượng bằng đồng, bằng đá, nhưng đồ gốm không kém phần độc đáo vì đã thể hiện đặc trưng và nguồn gốc bản địa của một nền văn hóa". Chính vì thế đã có không ít đồ gốm sứ được đề xuất vào danh mục bảo vật quốc gia. Đã có 28.000 món đồ cổ trục vớt từ cuộc khai quật con tàu đắm tại Hòn Cau thuộc vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, đem bán đấu giá tại Amsterdam (Hà Lan) vào năm 1992. Đây là lần đầu tiên Việt Nam bán đấu giá cổ vật ở nước ngoài và với số lượng lớn như thế, thu tổng cộng 6,7 triệu USD. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu và sưu tập đồ cổ cảm thấy bức xúc, vì trong đó chắc hẳn không thiếu những hiện vật mang giá trị văn hóa, hoặc mang yếu tố bảo vật quốc gia đã bị bán đi theo lối bán sỉ, bán từng lô.

Cuộc trục vớt một con tàu đắm được khai quật cách đây 14 năm (1995)  nằm sâu dưới vùng nước mặn của đảo Pandanan (Philippines) trên đã đem lên bờ hơn 4.000 đồ gốm có xuất xứ từ 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, trong đó số lượng đồ gốm Việt Nam chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Những nhà nghiên cứu chuyên ngành đã hết sức chú ý đến số đồ gốm này và họ phát hiện ra rằng: ngoài nguồn gốc gốm Chu Đậu nổi danh, chuyến hải trình định mệnh của con tàu trên còn mang theo xuống đáy biển nhiều đồ men ngọc, men nâu mang kiểu dáng sản phẩm mỹ thuật của xứ Gò Sành, Trường Cửu (Bình Định) trong Nam nữa.

Những nhận định và kết luận tương tự đã nâng cao giá trị của các hiện vật đồ gốm thoạt trông thì rất bình thường, bình dị, nhưng đã cho thấy sự hiện diện một "dòng gốm Việt Nam" trên con đường hàng hải xa xưa, đồng thời đóng góp thêm một cách nhìn để thẩm định đâu là bảo vật quốc gia! Bảo vật quốc gia không chỉ nằm ở các hiện vật bằng ngọc, bằng vàng, bằng đá quý, kim cương, mà chắc chắn còn nằm nơi đất và nước, hai chất liệu chính hóa hợp cùng lửa để soi sáng con đường của "các sứ giả từ quá khứ" đang về giữa chúng ta.

   

Tượng đá đang trưng bày tại Bảo

tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.