Để trẻ thích đọc sách

17/06/2009 12:17 GMT+7

(TNTT>) Nhiều phụ huynh cho rằng không thể dạy trẻ thích đọc sách vì điều đó thuộc về tính cách của mỗi em. Thực tế, cha mẹ có những tác động rất lớn đến niềm đam mê này ở trẻ.

Sách chẳng có gì hay!

Nghỉ hè được 3 tuần cũng là 3 tuần An (lớp 4) dán mắt vào màn hình máy tính để chơi game hoặc xem ti-vi lúc rảnh rỗi. Mẹ An có la mắng và bắt con chuyển sang một hình thức tiêu khiển khác như đọc sách, truyện thì cu cậu chỉ cầm sách lên được đúng 30 giây là bỏ xuống và than thở “chẳng có gì hay!”.

Thấy đồng nghiệp kể về mấy bộ sách hè hay mà con rất thích đọc, bố bé Liên cũng ra nhà sách tìm mua cho cô con gái (10 tuổi). Nhưng về đến nhà, nhìn thấy sách cô bé liền xịu mặt “tưởng bố mua quà gì!”.

Để chọn được những quyển sách vừa mang tính giáo dục, vừa khiến trẻ thích thú

+ Tìm hiểu loại sách, chủ đề cũng như những loại nhân vật, tình huống mà con bạn yêu thích

+ Hỏi người thân, bạn bè những quyển sách mà con họ thích đọc

+ Nhớ lại những quyển bạn thường đọc ngày trước và xem thử chúng có thích hợp để con bạn đọc bây giờ hay không

+ Tìm những quyển được giải thưởng sách thiếu nhi

+ Thay đổi nhiều loại sách để tạo sự hấp dẫn

Việc trẻ thờ ơ với sách, truyện thường được các bậc phụ huynh lý giải là “thuộc về tính cách”, cũng như nếu có trẻ thích màu đỏ,  trẻ thích màu xanh, có trẻ thích môn Văn, trẻ thích môn Toán, thì cũng có trẻ thích đọc sách, có trẻ thích …xem ti-vi. Tuy nhiên, trước khi đưa ra tuyên bố “tại tính cách”, cha mẹ nên tự đặt câu hỏi rằng mình đã từng có hành động nào để kích thích sự ham đọc của con hay chưa. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ chứng kiến tất cả các thành viên đều xem ti-vi, xem phim để thư giãn thì cũng khó mà bắt trẻ chọn sách để giải trí. Nếu bạn hiếm khi mua sách về và vui đọc cùng con thì cũng đừng chờ đợi sự vui mừng của trẻ khi được bố mình mua sách làm quà tặng.

Để bé thích đọc sách

Việc đọc sách thực sự rất quan trọng trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ. Ngoài việc mang đến những kiến thức, sách là công cụ tuyệt vời trong việc kích thích trí tưởng tượng và khả năng ngôn ngữ ở các em. Hãy đọc sách cho trẻ nghe càng sớm càng tốt, trước và cả sau khi trẻ có đầy đủ nhận thức rằng mình đang được nghe câu chuyện gì. Sau đó, mua cho trẻ những quyển sách nhiều màu sắc để tạo sự hấp dẫn và gợi sự tò mò. Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể dắt trẻ đến nhà sách, hội chợ sách, thư viện và để trẻ tự chọn lựa những quyển sách riêng cho mình.

Khi đọc sách cho bé, hãy đưa ra những câu hỏi để cuốn bé vào mạch truyện, chẳng hạn “Con nghĩ bạn gấu sẽ làm gì để được uống nước?”, “Con đoán xem Harry Porter sẽ làm gì tiếp theo?” …

Sẽ có giai đoạn, bé bắt bạn phải đọc đi đọc lại một câu chuyện mà bé đã thuộc lòng. Khi ấy, đừng tỏ ra mệt mỏi hoặc mất kiên nhẫn. Hãy thật kiên trì làm theo ý của trẻ. Khuyến khích trẻ kể chuyện, và khi trẻ biết đọc, khuyến khích trẻ đọc sách cho cả nhà cùng nghe.

Đừng bao giờ ép buộc trẻ đọc hoặc phải ngồi nghe đọc sách, vì như thế vô hình sẽ làm trẻ ghét từ “sách”. Chỉ cần cho trẻ chứng kiến cha mẹ, anh chị đọc sách, báo, truyện một cách đầy thích thú thì trẻ cũng sẽ tìm đến sách theo cách tương tự.

Lên lịch cho việc đọc sách mỗi tuần cho cả gia đình. Ngoài việc đọc sách cho nhau nghe, nên có 1 khoảng thời gian nhất định (có thể là 2 lần/tuần) để các thành viên trong nhà tự đọc những quyển sách yêu thích của mình.

Nguyên Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.