Nguồn cơn nổi lên “sưa tặc”

08/04/2010 02:46 GMT+7

Chỉ 4 ngày sau phiên tòa tuyên 35 bị cáo chặt trộm cây sưa tại Hà Nội mức án 18 tháng đến 9 năm tù giam, hai “sưa tặc” lại ngang nhiên dùng cả xe ô tô biển xanh đột nhập vào Công viên Thống Nhất để đốn hạ một cây sưa đỏ. Vì sao bỗng dưng lại nổi lên loại tội phạm táo tợn đến mức kỳ lạ này? Nghe đọc bài

Chấp nhận trả những cái giá ở trên trời, Trung Quốc ngày càng tích cực thu mua gỗ sưa của VN, mang về chế biến thành các đồ nội thất mỹ nghệ.

Không phải tới tận bây giờ, những giá trị về cây sưa của nước ta mới được các lái buôn nước láng giềng nhòm ngó. Mạng Tân Hoa (www.news.cn) ngày 4.12.2007 đã nhắc tới tình trạng mua bán tấp nập về những đồ nội thất mỹ nghệ được làm từ cây sưa VN với giá rất cao.

Ngay từ năm 2007, một chiếc giường gỗ sưa giả cổ đầu thời Thanh, cuối đời Minh được bán với giá hơn 10 triệu tệ (27 tỉ VND), một tủ thờ gỗ sưa giá 3 triệu tệ (8,1 tỉ VND), một ghế thái sư hơn 500.000 tệ (1,35 tỉ VND)...

Dân chúng Trung Quốc rất yêu thích những đồ gỗ nội thất được làm từ gỗ cây sưa, đặc biệt là loại gỗ màu đỏ với giá cả có lúc đã tăng tới 5 lần/năm. Tuy nhiên theo các chuyên gia nước này cho biết đánh vào sở thích của người tiêu dùng, thị trường đồ nội thất bằng gỗ sưa cũng có nhiều sản phẩm thật giả lẫn lộn, khiến người mua nhiều lúc nhầm lẫn, khó nhận biết.

Cao giá mới là đồ xịn

Gỗ cây sưa (tên được gọi ở Trung Quốc là Hoàng Hoa Lê) có rất nhiều loại với nhiều mức giá khác nhau. Đắt nhất là gỗ sưa Hải Nam. Nhưng do loại cây này ở tỉnh Hải Nam đã tuyệt chủng cùng với chính sách nghiêm cấm khai thác, nên các nhà kinh doanh đi thu mua loại gỗ sưa từ nhiều nước như VN, Ấn Độ, các nước châu Phi... bí mật mang về Trung Quốc và dán vào đó những nhãn mác khác nhau.

Để tăng giá trị sản phẩm và thuận tiện hét giá, họ đã thay đổi tên tuổi các loại gỗ: sưa VN biến thành sưa Hải Nam, sưa châu Phi biến thành sưa VN, lấy sưa Ấn Độ biến thành sưa Brazil. Mặc dù vậy cung vẫn không đủ cầu.

Do tác động của kinh tế mở cửa, người dân Trung Quốc có thu nhập ngày một khấm khá và đặc biệt có nhu cầu hưởng thụ qua mua sắm. Việc sở hữu những tài sản quý, lạ trong nhà càng chứng tỏ sự giàu sang, sung túc, có đẳng cấp của chủ nhân. Chính vì vậy rất nhiều đại gia mới lên ở nước này đã không tiếc tiền chạy theo trào lưu mua sắm, trong đó có cả việc tậu đồ nội thất bằng gỗ sưa.

Chưa đầy 1 năm, giá thu mua cây sưa đã tăng gấp 5 lần. Chỉ tính từ tháng 11.2006 - 11.2007, giá đã tăng vọt từ 500 tệ lên đến 2,5 triệu tệ/mét khối (tương đương 1,35 tỉ VND đến 6,76 tỉ VND).

Con số này đã tăng tới 11 tỉ VND/mét khối vào đầu năm 2010 mà vẫn không có hàng. Giá cả tăng cao một cách chóng mặt khiến những người tiêu dùng dần trở thành các nhà sưu tập sở hữu những món đồ đắt giá. Nhiều người còn đùa nhau rằng việc tích cực thu mua đồ nội thất bằng gỗ sưa này cũng là một hình thức đầu tư không kém gì so với chơi cổ phiếu hay đầu tư bất động sản.

Đắt giá do đâu?

Theo ông Hoàng Đại Chiêu - Hội phó Thương hội đồ cổ khu Chi Loan, thành phố Quảng Châu - cho biết: sở dĩ giá gỗ sưa đắt như vậy vì những đặc điểm sau: 1. bản thân nó là một loại thuốc đông y có mùi thơm, 2. gỗ rắn chắc, vân hoa tinh xảo, tạo cảm giác mỹ quan, có vân mắt phụng chìm hoặc nổi. 3. thuộc loại gỗ quý hiếm do vài trăm năm trồng mới có thể sử dụng... Những giá trị khác phần lớn đều do các thương gia đồn thổi để tăng giá mà thôi.

Cây sưa Hải Nam có đặc điểm nhiều vân, vân hoa sắc nét, tinh tế, mùi thơm đậm, được mệnh danh là loại gỗ đắt nhất Trung Quốc. Cây sưa VN và các loại sưa của các nước khác thua kém hơn về chất lượng nên giá cả cũng rẻ hơn. Vì thế dẫu được thu mua với giá rất cao hiện nay, sưa VN nếu đem về Trung Quốc dán mác gỗ sưa Hải Nam, giá bán lập tức tăng 10 lần. Gỗ sưa Hải Nam thường được sử dụng làm các đồ nội thất giả cổ, được rất nhiều nhà sưu tập đồ cổ Trung Quốc và nước ngoài tìm kiếm và bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Vì vậy giá cả lại càng leo thang.

Cũng theo mạng Tân Hoa ngày 16.3.2010, một phụ nữ ở thành phố Bắc Kinh đã mua hai chiếc ghế gỗ sưa làm theo kiểu đời nhà Thanh hết 8,5 triệu tệ (22,95 tỉ đồng) vào tháng 4.2008. Nhưng sau khi nghi ngờ loại gỗ này là sưa VN, chứ không phải sưa Hải Nam đúng như nơi bán đã cam kết, bà đã gửi sản phẩm tới Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng gỗ quốc gia của nước này để giám định và đâm đơn kiện ra tòa nhưng tới nay vẫn chưa phân thắng bại.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.