Quyết định lịch sử của Đại tướng

06/05/2010 00:15 GMT+7

Pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xung phong, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định hoãn trận đánh, dù biết rằng sẽ tác động đến tinh thần bộ đội. Đây thực sự là lúc thể hiện bản lĩnh của một nhà cầm quân lớn.

Kế hoạch bị lộ

“Tôi nhận thấy phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, Đại tướng hồi tưởng (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.924, 925).

Cần nói thêm, mặc dù ta đã kéo hết pháo vào trận địa, nhưng ngày dự định nổ súng (chiều 25.1.1954) được quyết định lùi thêm 24 tiếng nữa, lý do là một chiến sĩ của ta bị địch bắt trước đó, sợ khai ra giờ nổ súng. Sau này, trong quá trình đọc các sách, hồi ký của phía Pháp, chúng tôi thấy đối phương đã nắm rõ ngày, giờ nổ súng của ta.

 Tướng De Castries - Tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ của quân Pháp trong hầm chỉ huy - Ảnh tư liệu của Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự (T.Sơn chụp lại)

Về việc này, ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo trong thời gian diễn ra chiến dịch, kể lại: “Đêm 22.1, tôi nhận được tin “Địch biết rất rõ kế hoạch của ta đánh Điện Biên Phủ”. Sáng 23.1, sau khi tập hợp tin tức tình báo cả đêm, tôi đến trực tiếp báo cáo với Tổng tư lệnh về việc địch đã có được kế hoạch cụ thể của ta, đánh ở đâu, ngày giờ nào, cách đánh như thế nào. Việc làm của tôi là rất nguy hiểm, vì trong kỷ luật chiến trường, khi Bộ Tổng tư lệnh đã hạ quyết tâm, khi mệnh lệnh đã ban ra thì ở dưới nhất nhất thi hành, cấm tất cả các tướng sĩ không được nói khác đi, làm người chỉ huy nao núng.

Đại tướng nghe báo cáo, không phải đã tin ngay. Một cái rất đặc biệt là ông ra lệnh kiểm tra lại tin này. Trực tiếp tôi phải xác định lại tin này, không được qua báo cáo nữa... Ông Giáp cũng trực tiếp xuống tận lán của tình báo kỹ thuật, yêu cầu nguồn thu được tin địch biết động thái của ta giải thích. Trong các chiến dịch lớn, không bao giờ Tổng tư lệnh lại đi kiểm tra trực tiếp một chuyện nhỏ như thế. Tôi ra sát Điện Biên Phủ, dùng ống nhòm và tai nghe để kiểm tra tình hình, thấy nó vẫn đang nhảy dù xuống. Lúc bấy giờ các tướng lĩnh đã được phái đi đốc chiến hết, ở sở chỉ huy chẳng còn mấy người. Đến chiều, tôi tổng hợp và báo cáo lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi lại khẳng định là địch biết rất rõ kế hoạch của ta và có kế hoạch cụ thể để đối phó... Tôi cứ nhấn mạnh về việc kế hoạch của ta đã bị lộ, Đại tướng không kết luận gì, chỉ nói: “Báo cáo thế là được rồi”, nhưng ra lệnh cho tôi không được báo tin đó với bất kỳ ai, nhất là với cố vấn. Các ông cố vấn vẫn luôn xuống chỗ tôi hỏi han tình hình” (Chuyện những người làm nên lịch sử, NXB Chính trị quốc gia, H, 2009, tr.68).

Lui quân

Đại tá Hoàng Minh Phương kể lại: “Sáng 26.1, Đại tướng cho liên lạc gọi tôi lên gặp lúc 5 giờ. Lên đến nơi, thấy ông quấn đầu, ngồi trầm ngâm bên bàn tre. Tôi hỏi: “Anh nhức đầu hay sao mà quấn ngải cứu?”. Ông nói: “11 ngày đêm qua mình trăn trở, suốt đêm qua không ngủ, chiều nay trận đánh bắt đầu, nhưng những yếu tố thắng lợi không nắm chắc”. Ông bảo tôi báo với Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh là ông sang làm việc sớm”.

Cuộc làm việc sáng sớm ngày 26.1 với ông Vi Quốc Thanh được Đại tướng nhớ lại: “Ông Vi Quốc Thanh ngạc nhiên nhìn nắm ngải cứu trên trán tôi. Đồng chí ân cần hỏi thăm sức khỏe, rồi nói: Trận đánh sắp bắt đầu. Đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình tới lúc này ra sao? Tôi đáp: Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí Trưởng đoàn. Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy không thể đánh theo kế hoạch đã định... Tôi nói tiếp ba khó khăn lớn của bộ đội, rồi kết luận:

- Nếu đánh là thất bại

- Vậy nên xử trí thế nào?

- Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”.

Sau giây lát suy nghĩ, đồng chí Vi nói: Tôi đồng ý với Võ Tổng, tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn.

- Thời gian gấp. Tôi cần họp Đảng ủy để quyết định. Và đã có dự kiến cho 308 tiến về phía Luông Pha Băng, bộc lộ lực lượng chừng nào, kéo quân địch về hướng đó, không để chúng gây khó khăn khi quân ta kéo pháo ra...

Cuộc trao đổi giữa tôi với đồng chí Vi diễn ra khoảng hơn nửa giờ. Tôi nghĩ đồng chí Vi sẽ không dễ dàng thuyết phục các chuyên gia đã cho rằng chỉ có đánh nhanh thắng nhanh mới giành thắng lợi”. (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.925, 926).

Cuộc họp bất thường của Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ được triệu tập ngay sáng 26.1.1954, chỉ trước giờ dự định nổ súng chừng 10 tiếng đồng hồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Khi tôi quay về sở chỉ huy, các đồng chí trong Đảng ủy đã có mặt đông đủ. Tôi trình bày những suy nghĩ đã có từ lâu chung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau hội nghị Thẩm Púa tới nay, ta vẫn giữ quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh.

Mọi người im lặng một lúc. Anh Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị, phát biểu:

- Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao?

Anh Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Cung cấp, nói:

- Tôi thấy cứ giữ vững quyết tâm. Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn. Nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được.

Tôi nói: Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở... Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng, quyết định là phải có cách đánh đúng.

Đồng chí Hoàng Văn Thái nói:

- Anh Văn cân nhắc cũng phải... Nhưng lần này ta có ưu thế về binh lực, pháo 105 và pháo cao xạ xuất hiện lần đầu sẽ tạo bất ngờ lớn, lại có kinh nghiệm của bạn, tôi thấy nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi.

Trao đổi một hồi chưa đi tới kết luận, cuộc họp tạm dừng một lát. Khi cuộc họp tiếp tục, tôi nói:

- Tình hình khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: Đánh chắc thắng. Trước khi tôi ra đi, Bác trao nhiệm vụ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: “Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”.

Anh Lê Liêm nói: Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời. Ai dám bảo là sẽ chắc thắng trăm phần trăm!

Anh Đặng Kim Giang nói tiếp: Làm sao dám đảm bảo như vậy!

Tôi nghĩ với trận này, ta phải đảm bảo chắc thắng trăm phần trăm.

Bây giờ anh Hoàng Văn Thái mới nói: Nếu yêu cầu chắc thắng trăm phần trăm thì khó...

Lát sau, Đảng ủy đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.

Tôi kết luận: Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.

Sau đó, tôi phân công cho anh Hoàng Văn Thái ra lệnh cho các đơn vị bộ binh, tôi ra lệnh cho pháo binh và trao nhiệm vụ mới cho 308.

Tôi gọi điện thoại cho pháo binh: Tình hình địch đã thay đổi.

Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh”. (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.927, 928).

Đại đoàn chủ công của đồng chí Vương Thừa Vũ cũng nhận được lệnh của Đại tướng nhanh chóng tiến sang hướng Luông Pha Băng (Lào) ngay 4 giờ chiều hôm đó, không được hỏi lý do hoãn nổ súng. Các chỉ huy đơn vị đều triệt để chấp hành mệnh lệnh. Đại tướng kể lại: “Tình hình lúc này không cho phép dùng điện đài báo cáo với Trung ương, ngay tối hôm đó tôi viết thư hỏa tốc đề nghị Bộ Chính trị và Bác cho chuyển sang phương châm “Đánh chắc tiến chắc” quyết giành thắng lợi nhưng chiến dịch sẽ phải kéo dài, cần khắc phục những khó khăn lớn về hậu cần. Đồng chí Nguyễn Công Dinh, một cán bộ tác chiến, được lệnh dùng chiếc xe Jeep duy nhất của cơ quan tham mưu, mang thư đi gấp suốt ngày đêm về khu căn cứ. Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”. (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.929).

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.