Dẫn khí nhờ cầu thang

20/05/2011 08:04 GMT+7

(TNTS) Xét theo phái Phong thủy Lý Khí thì cầu thang là khu vực có sự di chuyển nhiều và khác biệt về cao độ trong nhà, có tính động mạnh và gây ảnh hưởng hầu như đến toàn bộ cơ cấu phân bố không gian.

Cầu thang lại không phải là nơi để sống (như một căn phòng) mà là thành phần nối kết các không gian chung và riêng, giữa giao thông đứng với giao thông nằm ngang - dọc nhà. Vì thế cầu thang có 2 thành phần chính là phần tiếp khí và phần dẫn khí. Một số tư liệu còn gọi là động khẩu (tiếp khí, nhận khí) và lai mạch (dẫn khí, luồng di chuyển), dù gọi theo tên nào thì đây cũng là 2 vấn đề cơ bản khi bố trí cầu thang.

Phần Tiếp khí (hay Động khẩu) được tính từ trong khoảng 5 bậc đầu tiên. Là nơi tiếp nhận các bước chân khởi điểm đi vào trục thang nên động khẩu liên quan đến hướng và sự đón tiếp, liên hệ với các không gian khác của nhà (như cửa chính, hành lang, sảnh tầng…). Còn phần tiếp khí (hay Lai mạch của cầu thang) là phần thân thang, kể cả chiếu nghỉ và khoảng trống trong lòng các thân thang. Đối với cầu thang máy thì lai mạch là phần không gian của hố thang, buồng thang di chuyển lên xuống các tầng. Cũng như phép tính toán tọa hướng của ngôi nhà và gia chủ, cách bố trí cầu thang cần quan tâm đến tọa và hướng, trong đó hướng là phần tiếp khí - miệng cầu thang - động khẩu, còn tọa là phần thân thang, trong đó chỗ tiếp khí, hướng tiếp khí cần ưu tiên hơn khi xem xét, giống như hệ thống cửa vậy, cụ thể là :

- Nên bố trí miệng cầu thang tiếp khí tại vị trí tốt theo cấu trúc nhà, theo tuổi gia chủ và theo hướng tốt của ngôi nhà. Ví dụ gia chủ hợp với các hướng thuộc đông tứ trạch thì miệng cầu thang cũng nên xoay về các hướng đó (Bắc, Nam, Đông và Đông Nam), ngược lại gia chủ hợp các hướng thuộc nhóm Tây tứ trạch thì cầu thang sẽ tiếp khí về các hướng còn lại (hình 1).

 

- Trong vòng từ 1 đến 5 bậc đầu tiên của cầu thang cần nằm trong vùng khí tốt của ngôi nhà. Vùng này phải rộng rãi quang đãng, không gặp vướng víu khấp khuỷu, không bị va chạm bởi cột hay các hầm vệ sinh, hố ga bên dưới, không đi vào khu vệ sinh hay không gian tối tăm chật hẹp (hình 2). Phong thủy hiện đại khuyên nên bố trí miệng thang nằm trọn vẹn trong cung bậc tốt so với tuổi gia chủ để đủ khả năng hấp thụ cát khí chuyển đến lai mạch.

 

- Nếu ô cầu thang do nhu cầu sử dụng cần bố trí đi thẳng ra ngoài nhà hay nằm gần cửa ra vào chính, thì phần miệng thang cần vừa làm rộng rãi thuận tiện, nhưng đồng thời cũng cần có kết hợp bình phong che chắn vừa phải để không bị tình trạng khí xông thẳng vào gây trục xung, hoặc nội khí bên trong tuôn ra nhanh quá.

 
Ảnh: Nguyễn Hưng

Nói chung phần tiếp khí - động khẩu sẽ quyết định vị trí miệng thang so với các không gian khác nên cần dung hòa theo chức năng sử dụng. Còn phần dẫn khí - lai mạch thì nên kết hợp thêm với vị trí lấy sáng, thông thoáng cho toàn nhà, tránh tình trạng để trục cầu thang tối tăm chật hẹp, hoặc cầu thang chia cắt không gian sử dụng. Với cầu thang lượn thì cần khai thác khoảng trống để trang trí, tránh để tù đọng ẩm thấp (hình 3).

KTS Hà Anh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.