Nơi đất tổ của Osama Bin Laden

09/01/2010 22:37 GMT+7

Yemen chính là nơi mà cha ông của Osama Bin Laden từng sống. Giờ đây, mảnh đất này lại trở thành điểm nóng của khủng bố quốc tế.

Không có một mặc định nào để cụm từ “Bin Laden” phải mang nghĩa khủng bố. Bin Laden thậm chí còn là biểu tượng của một ý chí vươn lên mãnh liệt. Từ một hẻm núi khô cằn ở vùng đất ngày nay là Yemen, gia tộc Bin Laden đã trỗi dậy thành một tên tuổi lẫy lừng ở bán đảo Ả Rập và nhiều nơi khác trên thế giới.

Nhưng, kể từ khi một người trong gia đình nổi tiếng đó, là Osama Bin Laden, trở thành trùm khủng bố, mỗi khi cụm từ “Bin Laden” được nhắc lên, người ta thường nghĩ ngay tới một điều gì đó liên quan đến bạo lực, tội ác.

Sau khoảng một thế kỷ kể từ khi ông nội của Osama Bin Laden chết trong nghèo đói, Yemen, mảnh đất khởi nguồn của dòng họ Bin Laden, giờ đây lại trở thành điểm nóng của khủng bố.

Có một sự liên hệ nào giữa Osama Bin Laden và mảnh đất mà tổ tiên của ông trùm khủng bố từng sống?

Nơi khởi nguồn

Dòng họ Bin Laden thuộc tộc người Kenda, vốn có nguồn gốc từ thời tiền Hồi giáo ở bán đảo Ả Rập và đã trở thành một liên minh hùng mạnh tại miền nam Hadhramawt, ngày nay là Yemen, vào thế kỷ 17, theo cuốn Những người trong gia tộc Bin Laden của nhà báo Mỹ Steve Coll. Vào thời đó, người ta từng biết đến Kenda như một bộ tộc của các tù trưởng lớn, nhưng các cuộc chiến tranh liên miên đã dần xói mòn sức mạnh của bộ tộc và khiến các thành viên phân tán. Vào đầu thế kỷ 20, người Kenda không còn hoạt động như một cộng đồng có tổ chức và có lực lượng vũ trang nữa. Dòng họ Bin Laden đã trở thành một thị tộc thuần túy với khoảng bốn đến năm trăm thành viên, sống rải rác trong thế phòng thủ tại một ngôi làng pháo đài do tổ tiên để lại và vật lộn với thiên nhiên để tồn tại. Họ không có đủ khả năng để tiến hành một cuộc chiến chống lại các nhóm địch thủ.

Cuộc di cư của gia đình Bin Laden khỏi thung lũng Hadhramawt bắt đầu từ chàng trai Awadh Aboud Bin Laden. Đầu thế kỷ hai mươi, Awadh sống ở ngôi làng Gharn Bashireih hoang vắng, trong một hẻm núi sâu có tên gọi Wadi Rakiyah. Hẻm núi tạo ra một hành lang rộng năm mươi dặm chạy xuyên qua nam bán đảo Ả Rập. Vùng đất này có tên gọi là Hadhramawt, có nghĩa là “Cái chết rình rập chúng ta”. Đó là một cái tên rất chính xác; vùng đất này toàn cát và đá, thường xuyên bị nướng khô bởi những trận hạn hán.

Trong hoàn cảnh bi đát, Awadh Bin Laden đã có bước đi định mệnh khi quyết định mượn một con bò cày từ một người thuộc bộ tộc Obeid. Khi con bò chết ngay trên luống cày, chủ nợ của Awadh đã ra điều kiện: bốn mươi đồng riyal bạc. Đây rõ ràng là hành động tống tiền.

Ban đầu, thay cho bốn mươi đồng riyal bạc, Awadh đã thương lượng để chủ nợ giữ nhiều mẫu đất làm vật thế chấp. Chủ nợ đồng ý nhận một nửa hoa lợi từ các vụ thu hoạch của Awadh cho đến khi món nợ được thanh toán. Nếu trời mưa đều đặn, Awadh có thể đã vượt qua khó khăn và điều đó cũng có nghĩa lịch sử của gia đình Bin Laden đã rất khác. Tuy nhiên, hạn hán lại nung cháy vùng đất này. Trong những tháng sau đó, Awadh không thể chia lợi tức cho chủ, và điều đó đã khiến chủ nợ nổi dóa, dọa giết Awadh.

Awadh đành phải bỏ ngôi làng của tổ tiên. Lúc đó anh vẫn còn độc thân, nên có thể ra đi mà không hề vướng bận. Anh gói ghém một số đồ đạc rồi băng qua cao nguyên rộng lớn để đến một hẻm núi khác có tên gọi là Wadi Doan, cách làng cũ khoảng một ngày rưỡi đi bằng lạc đà. Ở đó anh ta làm lại từ đầu.

 
Vào thời kỳ Awahd Bin Laden mới đến, người Anh coi Wadi Doan là một phần của nhà nước bảo hộ Aden. Tại quê hương mới, vợ chồng Awadh có ba con gái và ba con trai. Những người con trai gồm Mohamed, Abdullah và Omar. Awadh Bin Laden làm việc cật lực và chết sớm. Những người con trai của ông phải tha phương cầu thực. Mohamed, sau này là cha của Osama Bin Laden, đã tìm tới mảnh đất ngày nay là Ethiopia để làm thuê. Trong những ngày lao động cùng khổ, Mohamed đã bị chủ đánh lòi mắt trái và phải đeo mắt giả từ lúc chưa đầy 20 tuổi.

Sau những tháng năm gian khó, với quyết tâm mãnh liệt, Mohamed đã dựng nên một cơ nghiệp nho nhỏ tại Ả Rập Xê Út rồi sau đó trở thành ông chủ của một gia đình giàu có, là bạn thân của Hoàng gia Ả Rập Xê Út.

Xây dựng al-Qaeda

Osama Bin Laden sinh năm 1957 tại Riyadh, Ả Rập Xê Út, khi ông Mohamed đã trở nên giàu có. Sau quãng tuổi thơ êm đềm, Osama bắt đầu có xu hướng cực đoan vào cuối thập niên 1970, sau đó trỗi dậy thành một thủ lĩnh thánh chiến ở Afghanistan và Pakistan.

Đến cuối thập niên 1980, Osama Bin Laden cùng một vài chiến binh thánh chiến khác thành lập tổ chức al-Qaeda, mà sau này trở thành mạng lưới khủng bố lớn nhất thế giới.

Trong suốt quá trình xây dựng al-Qaeda, Osama Bin Laden đã không quên trở về mảnh đất Yemen, nơi người ông Awadh từng sống những tháng ngày tăm tối, để tuyển mộ các tay súng trung thành.

Yemen, vốn là một mảnh đất nghèo đói, nơi mà chính phủ trung ương không kiểm soát được các khu vực bộ lạc xa xôi, đã trở thành lãnh địa lý tưởng để Osama gây dựng lực lượng của mình. Mảnh đất này cũng là tuyến đường huyết mạch nối châu Phi với châu Á nên được sử dụng như một địa điểm trung chuyển các chiến binh thánh chiến cho vùng Trung Đông, Afghanistan, Pakistan, Somalia, Sudan, Ma-rốc… Sau khi chính quyền Taliban ở Afghanistan, nhà nước chính thức hỗ trợ cho al-Qaeda, bị Mỹ đánh sập hồi năm 2001, Yemen càng trở nên quan trọng hơn đối với lực lượng al-Qaeda. Từ đây, lực lượng này đã thực hiện các đòn tấn công mạnh vào lợi ích phương Tây, đặc biệt là Mỹ, ở bán đảo Ả Rập cũng như nhiều nơi khác.

Trong vụ tấn công 11.9.2001 tại Mỹ, có một nhân vật do Osama Bin Laden tuyển mộ cũng có gốc gác từ Wadi Doan, đó chính là Khalid al-Mihdhar. Tay khủng bố 26 tuổi này chính là một trong những kẻ đã điều khiển máy bay đâm vào Lầu Năm Góc trong sự kiện kinh hoàng trên đất Mỹ. Người ta nói rằng, trong kế hoạch chuẩn bị cho vụ 11.9.2001, al-Mihdhar đã bị nhân vật chỉ huy trực tiếp vụ tấn công gạt ra do vô kỷ luật, tự tiện rời Mỹ để trở về Yemen thăm vợ. Tuy nhiên, sau đó đích thân Osama Bin Laden, có lẽ vì tình đồng hương Yemen, đã can thiệp để al-Mihdhar tham gia vụ tấn công kinh khiếp ấy. Trước đó, al-Mihdhar cũng là một trong những nhân vật thiết kế vụ tấn công vào tàu chiến USS Cole của Mỹ ở Yemen vào năm 2000.

Sau sự kiện 11.9.2001, Mỹ đã thực hiện hàng loạt chiến dịch truy quét al-Qaeda khắp nơi trên thế giới. Tại Yemen, người Mỹ cũng phối hợp với quân đội địa phương để tróc nã các thuộc cấp của Osama Bin Laden. Tuy nhiên, với đặc thù của vùng đất này, al-Qaeda vẫn bám rễ và phát triển, liên tục thực hiện hàng loạt vụ tấn công nhằm vào người nước ngoài. Một tổ chức con của al-Qaeda, có tên gọi là al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập, đã trở thành nòng cốt của các nhóm khủng bố tại Yemen.

Vụ đánh bom hụt trên máy bay của Mỹ vào dịp Giáng sinh vừa qua, mà al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập đã tuyên bố nhận trách nhiệm, một lần nữa nhắc cho người Mỹ biết rằng Yemen vẫn là một điểm nóng về bạo lực. Giới quan sát quốc tế nhận định rằng có thể Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phát động một chiến dịch quân sự ở quy mô vừa phải vào Yemen. Khả năng trên không cao, nhưng có một thực tế là Mỹ cùng với đồng minh thân cận Anh đang gia tăng sự hỗ trợ đối với Yemen trong cuộc chiến truy quét các tổ chức khủng bố ở miền đất khô cằn này.

Miền đất tổ của dòng họ Bin Laden giờ lại đối mặt với những mối đe dọa bạo lực mới, kinh khiếp không kém các cuộc chiến tranh bộ tộc thuở xưa. 

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.