Bùng phát bạo lực học đường: Đừng thờ ơ với cái xấu!

13/03/2010 00:30 GMT+7

Chỉ vài tháng trở lại đây, có ít nhất 5 video clip quay cảnh nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng. Ngoài mức độ tàn nhẫn trong hành vi bạo lực, điều khiến dư luận lo ngại hơn cả chính là thái độ thờ ơ của những người đứng xem, mà hầu hết là học sinh.

Đoạn video mới nhất được tung lên mạng kéo dài khoảng 1 phút, quay cảnh một nữ sinh mặc áo kẻ sẫm màu liên tục túm tóc, kéo lê, dùng chân đi giày đá vào mặt một bạn gái mặc áo phông trắng. Ở ghế đá cạnh đó, một số học sinh đeo cặp sách thản nhiên ngồi xem, một số khác còn xông vào đánh hội đồng, ghi hình... Sau khi nhận hàng loạt cú đá vào mặt, hai mắt nữ sinh bị đánh thâm tím...

Truy tìm “diễn viên”

Sau khi đoạn video trên được tung lên mạng, diễn đàn mang tên Học sinh trường THPT Trần Nhân Tông (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng hai nữ sinh đó là Q.A và D., học sinh lớp 10A13, trường THPT Trần Nhân Tông.

Sáng 12.3, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xuống làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu trường THPT Trần Nhân Tông. Chiều cùng ngày, ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên (Sở GD-ĐT Hà Nội), tiếp tục gặp gỡ trực tiếp những học sinh kể trên.

Theo ông Phan Thanh Tùng, Phó hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông, vì hình ảnh quá mờ nhạt nên đến thời điểm hiện tại nhà trường chưa xác định được những học sinh trong đoạn băng video có phải là của trường hay không. Còn giáo viên chủ nhiệm lớp 10A13 là cô Vũ Kim Văn, cho biết chiều 4.3 hai học sinh trong lớp là Q.A và D. nghỉ học không có lý do, tối cùng ngày thì cô nhận được tin nhắn từ số máy lạ với nội dung: có hai học sinh chiều nay xô xát với nhau, đề nghị cô giúp đỡ. "Ngay sau đó, tôi đã kiểm tra qua lớp trưởng và được biết sau khi có xích mích, hai em đã dẫn nhau ra khu vực vườn hoa gần cổng trường và có xô xát", cô Văn nói.

Còn theo ông Tùng, trước khi Sở GD-ĐT xuống làm việc, nhà trường cũng đã gặp gỡ phụ huynh các học sinh nói trên để xác định có phải con họ trong đoạn video được phát tán trên mạng hay không. "Cả hai phụ huynh đều khẳng định không phải là con họ, do đó không có đề nghị gì với nhà trường", ông Tùng nói. Ông cũng cho biết, ngày 11.3 nhà trường đã xem xét thể trạng của hai học sinh trên và thấy trên cơ thể các em không có dấu vết thương tích nào.

Có mặt tại buổi làm việc giữa Sở GD-ĐT với những học sinh mà diễn đàn nêu tên, PV Thanh Niên nhận thấy về mặt hình dáng thì hai học sinh kể trên của trường Trần Nhân Tông rất khác so với hình ảnh trong clip được tung lên mạng. Bản thân hai học sinh này cũng khẳng định những người trong clip đó không phải là các em. Về vụ xô xát giữa hai em, cả hai đều thừa nhận do có xích mích từ trước (vô tình giẫm vào chân rồi nhìn “đểu” nhau - PV) nên chiều  4.3 đã gọi nhau ra bờ hồ cạnh trường để “nói chuyện”. Trong lần “nói chuyện” này, cả hai đã đấm, đạp và giằng giật quần áo nhau cho đến khi có những người lớn tuổi bán hàng cạnh đó chạy ra can ngăn.

Đề nghị công an vào cuộc

Do hình ảnh (khuôn mặt) trong đoạn video quá mờ và việc đánh nhau giữa hai nữ sinh được nêu tên trên diễn đàn là có thật nên cả nhà trường và Sở GD-ĐT đều thống nhất sẽ chưa có kết luận chính thức “nhân vật” chính trong đoạn video là ai. Để làm rõ việc này, chiều 12.3, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chính thức có công văn đề nghị Công an thành phố giúp đỡ, xác minh làm rõ vụ việc, tìm ra đúng những người trong đoạn video nói trên. “Quan điểm của Sở GD-ĐT là kiên quyết xử lý những học sinh, cán bộ công chức, giáo viên của ngành nếu xác định rõ có liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, với những diễn biến của sự việc nêu trên thì ngành GD-ĐT không thể xác minh được mà phải hoàn toàn phụ thuộc vào sự vào cuộc của công an”, ông Mai Sỹ Nhật nói với PV Thanh Niên.

Trước đó, khi có tin vụ đánh nhau xảy ra trên địa bàn, Công an Q.Hoàn Kiếm cũng đã tiến hành làm rõ vụ việc. Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 12.3, ông Hoàng Quốc Định, Trưởng công an Q.Hoàn Kiếm, cho biết đang tổ chức điều tra, xác minh các đối tượng có liên quan trong đoạn video. Theo ông Định, vụ việc rất phức tạp khi có rất nhiều thông tin khác nhau, trong đó, người được cho là bị đánh phủ nhận sự việc. Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội cũng cho biết đang xác định nguồn gốc, tính trung thực của video clip nói trên.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh

Trong khoảng 4 tháng trở lại đây, ngoài clip nói trên, có ít nhất 4 clip nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng. Đó là cảnh "đánh hội đồng" của các nữ sinh mặc đồng phục ghi là trường THPT Lục Nam, Bắc Giang; cảnh nữ sinh đánh nhau bằng giày cao gót được chú thích là ở Phú Thọ; cảnh "loạn đả" của một số nữ sinh trung học ở Hưng Yên; rồi nữ sinh đánh nhau bằng mũ bảo hiểm trong một clip khác...

Trước những bức xúc của dư luận, ngày 12.3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý ký văn bản gửi giám đốc các Sở GD-ĐT về việc ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh. Theo Bộ GD-ĐT, gần đây các vụ việc học sinh dùng hung khí đánh nhau trong trường học, trước cổng trường, học sinh nữ đánh hội đồng gây hậu quả nghiêm trọng và bức xúc trong dư luận xã hội, được phản ánh nhiều trên báo chí. Do đó, Bộ yêu cầu các trường tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh; chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và gia đình trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học và quản lý, giáo dục học sinh. Bộ cũng đề nghị các Sở báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 30.3.2010. (Tuệ Nguyễn)

PGS - TS Hoàng Bá Thịnh (ĐH Quốc gia Hà Nội):

Người lớn đừng thờ ơ!

Kết quả nghiên cứu về hành vi bạo lực trong nữ sinh trung học (với 200 phiếu khảo sát tại 2 trường THPT ở Hà Nội) được chúng tôi tiến hành cho thấy: có đến 96,7% số học sinh trả lời ở trường các em học có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau, mức độ là 44,7% rất thường xuyên, 38% thường xuyên... Trả lời quan niệm của các em về hiện tượng đánh nhau giữa các học sinh nữ: hơn 45% cho rằng đó là "bình thường".

Vì sao nữ sinh có hành vi bạo lực?  Khảo sát cho thấy có những lý do rất "trời ơi" nhưng cũng là cớ để nữ sinh đụng tay, đụng chân, ví dụ như: thấy ghét thì đánh; nó dám nhìn đểu; trả thù tình... Và bạo lực học đường nói chung, bạo lực trong nữ sinh nói riêng, chưa thể giảm khi mà vẫn còn tình trạng thờ ơ trước bạo lực học đường (việc một nhóm học sinh đi theo, chứng kiến, ghi lại hình ảnh, sau đó đưa lên mạng internet với thái độ dửng dưng đã nói lên điều đó). Người lớn hãy nhìn lại mình, không chỉ khi con có hành vi sai lệch. Để các em học sinh không ứng xử với nhau theo kiểu giang hồ, thì gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ nhiều hơn nữa, không nên chỉ hô hào theo chiến dịch, mà cần quan tâm một cách thiết thực, với những hình thức đơn giản, phong phú và hiệu quả.

Ông Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV (Bộ GD-ĐT):

Hậu quả của việc nặng dạy chữ, nhẹ dạy người

Theo báo cáo của 38/61 Sở GD-ĐT, từ năm 2003 đến nay có hơn 8.000 học sinh tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật. Một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm hiệu quả của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là tình trạng nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, chưa quan tâm đầy đủ, huy động các nguồn lực cần thiết cho công tác giáo dục đạo đức học sinh. Không ít nơi còn nặng về xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện, dễ có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật. Việc giáo dục nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh phải bằng nhiều kênh khác nhau. Nếu chỉ giao phó hoàn toàn cho nhà trường sẽ rất khó. Tôi cho rằng với những diễn biến tiêu cực trong giới học sinh, sinh viên như hiện nay, cần có một chương trình mục tiêu cấp quốc gia liên quan đến giáo dục đạo đức học sinh. Trên cơ sở chương trình tổng thể đó, mỗi bộ, ngành, đoàn thể, trong đó có ngành GD-ĐT, sẽ có trách nhiệm phải làm những công việc cụ thể khác nhau.

Tuệ Nguyễn (ghi)

Tuệ Nguyễn - Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.