Luyện ca sĩ nhí

17/08/2010 08:55 GMT+7

Không ít phụ huynh đưa con mình vào trường học làm ca sĩ ngay từ tuổi còn thơ với tâm nguyện chúng sẽ trở thành ngôi sao ca nhạc trong tương lai. Thế nhưng, coi chừng lợi bất cập hại...

Không khó để nhận thấy ánh mắt rạng ngời của phần lớn khán giả đến dự chương trình biểu diễn Nâng cánh ước mơ, do Trường John Robert Powers VN tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu khi khán giả là phụ huynh và người biểu diễn trên sân khấu chính là những đứa trẻ đang mang sự kỳ vọng trở thành ngôi sao trong tương lai của cha mẹ chúng. 
  
“Ngại gì không đầu tư”
 
Với chủ đề Mama Mia!, chương trình biểu diễn của Nâng cánh ước mơ kết hợp đầy đủ loại hình nghệ thuật từ biểu diễn, ca hát, biểu diễn thời trang đến vũ đạo. Đặc biệt là các ca sĩ, dù còn nhỏ tuổi, vẫn thể hiện được khá trọn vẹn những ca khúc tiếng Anh nổi tiếng khắp thế giới. Tất nhiên, để có được những thành tựu này, hầu hết học viên đều trải qua một quá trình dài được đào luyện tại đây.
 
Buổi biểu diễn được xem là báo cáo kết quả học tập và cũng là dịp trung tâm này muốn trưng ra bằng chứng thuyết phục cho phương châm đào tạo của trường: “Sự tự tin, duyên dáng cùng tư duy tích cực sẽ ươm mầm cho thành công của thế hệ trẻ tương lai”.
 
Với các bậc phụ huynh đang nuôi dưỡng ước mơ của chính mình thì John Robert Powers VN càng là một lựa chọn khôn ngoan. Tất nhiên, địa chỉ này cũng chỉ hợp với những gia đình khá giả bởi học phí của trường lên đến 8 triệu đồng/tháng.
 
Dẫu vậy, vẫn còn những trung tâm khác với mức học phí thấp hơn như trung tâm đào tạo Music Box, hiện đang đào tạo khoảng 20 thiếu nhi từ 3 đến 10 tuổi, với mức học phí 1 triệu đồng/tháng. Mỗi tuần học một buổi với các môn: múa, hát và đàn.
 
Cô Thúy Vinh, Giám đốc Trung tâm Music Box, chia sẻ: “Khi gửi con vào trung tâm, nguyện vọng chung của các phụ huynh là các bé sẽ được đào tạo để trở thành các ca sĩ chuyên nghiệp trong tương lai”.
 
Dù phong trào học làm ca sĩ đã có phần hạ nhiệt, không còn mạnh mẽ như trước đây nhưng các trung tâm văn hóa, các nhà thiếu nhi quận huyện, đặc biệt là Nhà Thiếu nhi TP, vẫn là nơi thu hút khá đông các bé thiếu nhi học hát.
 
Tuy vậy, các nhà văn hóa, các nhà thiếu nhi đào tạo không có tính chuyên sâu và cũng không có ý định bồi dưỡng, phát triển tài năng các bé nên việc dạy và học ở đây chỉ mang tính phong trào là chính, học viên đại trà lên đến mấy chục bé trong một lớp.
 
Thỉnh thoảng, các bé được tập luyện để tham gia một buổi diễn nào đấy nhưng cũng chỉ là sinh hoạt hội hè cho vui. Vì vậy, hiện nay, lựa chọn của các phụ huynh nghiêng về các trung tâm đào tạo tư nhân, nơi hầu hết các phụ huynh đều tin rằng sẽ đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, sớm biến ước mơ của họ thành sự thật. Dù học phí cao nhưng “ngại gì mà không đầu tư”. 
 
Chỉ thỏa mãn ham muốn của người lớn
 
Nếu ở nước ngoài, đội ngũ ca sĩ nhí được tuyển chọn để đào tạo phải bắt nguồn từ các cuộc thi chính thống (các bé phải có một thành tích nhất định từ những cuộc thi này), sau đó được đưa vào chương trình đào tạo chuyên nghiệp thì ở VN hoàn toàn ngược lại. Phụ huynh có tiền và tự quyết định số phận cho con mình.
 
Các trung tâm đào tạo thay vì làm sứ giả tìm kiếm và phát triển tài năng thì chỉ là những người làm thuê, sự quan tâm đến trẻ có tài năng thực sự hay không có thể không quan trọng bằng chăm chăm làm hài lòng, thỏa mãn ham muốn của người lớn.
 
Có nhìn vào những tiết mục báo cáo của các bé ở các lớp học thuộc các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa, trung tâm đào tạo tư nhân mới thấy tài năng của các bé chưa có gì nhưng nguyện vọng của phụ huynh thì quá lớn. Điều đó trở thành áp lực đối với các cơ sở đào tạo.
 
Kết quả, các bé lên sân khấu diễn như trả bài một cách cứng nhắc, không tập trung và có phần sợ hãi (dù đám đông là người nhà). Đó là chưa kể các trung tâm còn mặc sức cho các bé hát nhép (ở hầu hết các buổi biểu diễn), tạo thói quen lừa dối khán giả bằng trò hát nhép từ nhỏ. 

Thiệt thòi sẽ thuộc về con trẻ

Thực tế, trên thế giới, rất nhiều trung tâm được thành lập chuyên đào tạo ca sĩ nhí để xây dựng một đội ngũ ca sĩ kế cận. Những ca sĩ đình đám được cả thế giới ngưỡng mộ như Whitney Houston, Mariah Carey, Britney Spears, Christina Aguilera, Justin Timberlake... đã được đào tạo trong guồng máy rất chuyên nghiệp đó. Thành công của họ hiện nay không chỉ được xây dựng từ tài năng mà còn chính bởi quá trình đào luyện từ nhỏ.

Vì vậy, việc nhiều gia đình ở VN cũng hướng cho con mình bước vào guồng máy đào tạo chuyên nghiệp ngay từ nhỏ là điều cần thiết. Bởi như lời nhạc sĩ Minh Châu: “Sự rèn luyện luôn chiếm vị trí quan trọng trong thành công của một giọng ca. Một thần đồng âm nhạc cũng cần phải trải qua một thời gian dài rèn luyện để tài năng được gọt giũa một cách hoàn hảo nhất. Điều đó sẽ giúp họ gặt hái thành công một cách thuyết phục”.

Thế nhưng, nếu các bé phải rèn luyện từ nhỏ (từ 3 đến 10 tuổi) để trở thành ca sĩ theo ước nguyện của cha mẹ thì đây lại là lợi bất cập hại. Dù tài năng của Britney Spears được thừa nhận nhưng cô phải sinh hoạt trong đội Mickey Mouse cho đến khi được 9 tuổi thì hãng Sony mới nhận về để đào tạo và lăng xê. Nói vậy, để thấy rằng dù các bé có tài năng thực sự thì các bé cũng cần khoảng thời gian cần thiết cho việc vui chơi nô đùa theo ý thích riêng, thay vì học và học.

Những đứa trẻ được nhốt trong những lò đào tạo chuyên nghiệp quá sớm có thể sẽ làm được những gì chúng được học. Phụ huynh sẽ vô cùng hài lòng về các cháu nhưng người ngoài nhìn vào dễ dàng nhận thấy sự bất bình thường trong phát triển tâm lý của chúng.

“VN cũng đang đào tạo các bé thiếu nhi theo con đường này. Nhiều em thiếu năng lực nhưng lại mang nặng tham vọng quá lớn của người lớn. Thiệt thòi cuối cùng sẽ thuộc về các cháu” - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.