Vì sự bình yên của Tổ quốc

14/10/2010 16:06 GMT+7

Ít ai biết trên đỉnh cuối cùng của dãy Hoành Sơn hùng vĩ đâm ra biển thuộc ranh giới hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh lại có nhiều chiến sĩ trẻ tình nguyện ở đó để giữ vững một vùng trời biển của Tổ quốc.

Vật lộn với 5 cây số đường rừng đầy đèo dốc, đất trơn trượt và đá lởm chởm chúng tôi cũng đến được điểm cuối cùng của dãy Hoành Sơn nhô ra biển, cũng là nơi đóng quân của các cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 535 Vùng III Hải quân.

Chính trị viên Đoàn Ngọc Thạch cho biết: “Trạm ra-đa 535 được thành lập vào năm 1960, nhiệm vụ chính là quan sát, nắm bắt, theo dõi các tàu thuyền trên biển, sẵn sàng tác chiến trong khu vực từ Cửa Hội đến Cồn Cỏ”.

Trong muôn vàn khó khăn của các đơn vị đóng ở biên giới hải đảo thường gặp thì ở Trạm ra-đa 535 còn có những khó khăn riêng, đặc biệt là đường đi và khí hậu. Vì thế trên bảng kế hoạch tuần bao giờ cũng có 4 chữ “phát cây sửa đường”. Trạm phó quân sự Lã Viết Hùng tâm sự: “Đường sá thì anh thấy rồi đó, đi lại vất vả vô cùng, nhất là những anh em mới đến, những lúc trời mưa nước chảy xiết thành dòng từ trên núi xuống hay ban đêm thì gần như họ không đi được do chưa quen đường. Vì thế ở đây không có những “anh nuôi” như nơi khác, anh em cán bộ chiến sĩ cứ luân phiên đi chợ để cùng nhau gánh vác khó khăn. Mà đi chợ cũng đâu có gần, phải vào tận chợ Roòn cách cả mười mấy cây số. Chỉ tính từ đèo Ngang trở về phía nam và bắc ở Quảng Bình và Hà Tĩnh, thì đến khu trung tâm dân cư cũng đã vài cây số, huống gì từ trạm đi tới. Còn thời tiết ở đây khó chịu vô cùng, gió và độ ẩm, độ mặn cực kỳ cao, bình thường gió đã cấp 5-6. Muốn tăng gia sản xuất trồng rau xanh, chúng tôi phải xây tường rào chắn gió, những loại cây cao như chuối thì chịu, gió quật cho chỉ còn trơ thân. Anh em trồng cây cảnh cho đẹp khuôn viên cũng bị gió đánh tơi tả. Mới đây, tivi bị hư đem xuống dưới sửa thì ông chủ tiệm hỏi có phải tivi ở trạm ra-đa không vì bên trong bị ô-xy hóa, gỉ mòn hết. Nguyên nhân là do hơi ẩm, mặn quá lớn”.

Để khắc phục khó khăn, cán bộ, chiến sĩ của trạm luôn làm tốt công tác dân vận nhằm tận dụng sự giúp đỡ của chính quyền, bà con nhân dân địa phương. “Cứ mỗi dịp tết, lễ, chính quyền cũng như các tổ chức đoàn thể của tỉnh Quảng Bình đều đến thăm hỏi, giao lưu với chúng tôi. Năm 2006, tỉnh cũng đã xây tặng đơn vị một trạm bơm nước vì trước đây chúng tôi đều phải xuống núi gánh từng can nước. Đây là sự động viên rất lớn đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ, từ đó chúng tôi càng vững chắc tinh thần hơn trong công tác bảo vệ Tổ quốc” - chính trị viên Thạch bày tỏ.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.