Khởi tố hàng loạt cán bộ dùng bằng giả

18/10/2010 01:49 GMT+7

Qua kiểm tra, có 87 cán bộ ở tỉnh Long An sử dụng bằng giả. Trong khi tiến hành rà soát lại nhân sự chuẩn bị cho đại hội Đảng cấp cơ sở vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện tại 8 huyện: Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Thủ Thừa, Đức Hòa và Châu Thành (tỉnh Long An) có tới 87 cán bộ xã, thị trấn cùng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) tại trường CĐ Nghề số 8, nhưng đều sử dụng bằng giả.

Ngày thi, đi... tắm biển

Giải trình với cơ quan chức năng sau khi sự việc bị phát hiện, một số cán bộ sử dụng bằng cấp giả (phôi bằng thật) cho biết khi được thông báo ngày dự thi, các thí sinh đã cùng nhau góp tiền thuê xe chở đến hội đồng thi tại trường CĐ Nghề số 8 (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Thay vì vào phòng thi và làm bài, các “thí sinh” được hướng dẫn... ngồi ở quán cà phê đợi cho hết ngày thi rồi trở về. Số khác thì đi thẳng ra Vũng Tàu để... tắm biển! Một “thí sinh” là phó chủ tịch UBND xã cho biết lúc đầu ông cũng thấy ngạc nhiên và “hơi nghi ngờ”, nhưng sau khi nhận được bằng tốt nghiệp có ký tên, đóng dấu đỏ đàng hoàng thì ông yên tâm và nộp cho tổ chức. Chỉ đến khi bị kiểm tra và kết luận đó là văn bằng bất hợp pháp thì mới giật mình.

Đáng lưu ý là trong số 87 cán bộ được xác định sử dụng bằng cấp giả thì có đến 35 trường hợp thuộc 2 huyện Vĩnh Hưng và Mộc Hóa. Trong đó đa số “tốt nghiệp” vào năm 2008 và 2009. Cụ thể tại huyện Vĩnh Hưng, người đầu tiên bị phát hiện sử dụng bằng giả là bà Trương Thị Út, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Hưng. Những người bị phát hiện tiếp theo là bà Lê Thị Linh Phượng, cán bộ Hội Phụ nữ huyện; ông Nguyễn Văn Lượm, Phó bí thư xã Tuyên Bình Tây và ông Huỳnh Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hưng... Riêng tại xã Vĩnh Trị có tới 5 cán bộ chủ chốt sử dụng bằng cấp giả, như bà Phạm Thị Phương, Phó bí thư Đảng ủy xã; ông Phạm Thành Công, Trưởng công an xã; bà Ngô Thanh Trang, Trưởng trạm Y tế xã; bà Vũ Thị Lươn, Chủ tịch Hội Phụ nữ và Vũ Thị Hải, Bí thư Đoàn. Tất cả những người này cùng “tốt nghiệp” vào năm 2008.

Tương tự, tại huyện Mộc Hóa cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều cán bộ chủ chốt sử dụng bằng cấp giả, như Phó chủ tịch HĐND xã Thạnh Hưng Lê Văn Thượng; Phó bí thư xã Bình Hòa Đông Nguyễn Thanh Bình; Phó bí thư xã Bình Hòa Trung Trần Văn Liệt và Phó bí thư xã Bình Hòa Tây Phan Hòa Hiệp...

Giả mạo tràn lan

Tại xã Hưng Điền B (huyện Tân Hưng), Trưởng công an xã Trương Minh Nguyền dự kiến sẽ cơ cấu vào cấp ủy xã nhưng rồi ông này bị phát hiện sử dụng bằng cấp giả. Khi xã định đưa Phó công an Trần Văn Tấn lên thay thì cũng phát hiện văn bằng giả, rồi đến công an viên cũng sử dụng văn bằng giả.

Ly kỳ nhất là 2 trường hợp ở xã Đức Tân (huyện Tân Trụ). Nghi ngờ Phó bí thư đảng ủy Nguyễn Văn Phận và Phó công an xã Đoàn Minh Sơn sử dụng bằng cấp giả, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Trụ có văn bản gửi Ban giám hiệu trường CĐ Nghề số 8 đề nghị xác minh thì nhận được văn bản trả lời (ngày 26.10.2009), khẳng định bằng tốt nghiệp của 2 vị nói trên là giả vì không có tên trong danh sách dự thi năm 2009. Phiếu báo dự thi cũng giả, sai mã số hội đồng thi và sai cả tên Phó chủ tịch hội đồng thi. Nhưng ngày 18.12.2009, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Trụ lại nhận được một văn bản khác ký tên và đóng dấu trường CĐ Nghề số 8, phủ nhận văn bản trước đó và khẳng định 2 trường hợp nói trên “có dự thi tại Hội đồng thi trường CĐ Nghề số 8, đã đậu tốt nghiệp và nhà trường có cấp bằng”. Tuy nhiên, văn bản này được xác định là văn bản... giả vì chữ ký của hiệu trưởng, đại tá Nguyễn Thiện Minh đã bị giả mạo!

Vì sao hàng loạt cán bộ ở Long An lại đổ xô đi mua bằng cấp? Sau khi sự việc bị phát hiện, nhiều người đã thú thật rằng vì có chủ trương đến năm 2010, tất cả cán bộ, công chức đều phải đạt chuẩn trình độ THPT. Những trường hợp chưa đạt chuẩn có nguy cơ bị mất việc, do vậy họ phải tìm mọi cách có được bằng cấp để giữ chức và lên chức.

Hương Hà - Lâm Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.