VN cần tạo bước đột phá mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh

30/11/2010 17:32 GMT+7

* Thành lập Hội đồng năng lực cạnh tranh quốc gia (TNO) Lần đầu tiên một bản báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia được thực hiện và công bố, dưới sự giúp đỡ của Giáo sư (GS) Michael E.Porter, cha đẻ của thuyết chiến lược cạnh tranh toàn cầu cho thấy một bộ mặt toàn diện của nền kinh tế VN sau hơn 20 năm mở cửa nền kinh tế theo thị trường - những lợi thế, hạn chế, tồn tại.

>> Giáo sư Michael Porter bắt bệnh doanh nghiệp VN

Báo cáo này nhằm xây dựng mô hình tăng trưởng mới dựa trên sức mạnh cạnh tranh, định vị thương hiệu quốc gia, phát triển một cách bền vững hơn.

Hết thời nhân công rẻ

Nhìn tổng quan, vị giáo sư kinh tế hàng đầu thế giới đánh giá, hơn 2 thập niên mở cửa nền kinh tế theo thị trường, VN dù tăng trưởng ở mức cao nhưng mức độ thịnh vượng so với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc… còn thấp. Nền kinh tế vốn chỉ dựa vào nhân công đông đảo, chi phí rẻ tạo năng suất không cao; xuất khẩu được chọn làm lĩnh vực mũi nhọn nhưng do cơ cấu thiếu hợp lý, dàn trải, không tập trung khiến giá trị gia tăng ít và hàng hóa chủ yếu vẫn được gia công để xuất khẩu, hàm lượng giá trị nội địa không nhiều.

VN có thị phần xuất khẩu lớn chủ yếu trong các ngành sử dụng nhiều lao động và tài nguyên thiên nhiên, liên kết trực tiếp giữa các ngành xuất khẩu này hầu như không có. VN vốn được các nhà đầu tư lựa chọn chủ yếu do chi phí nhân công thấp, nay đã không còn hấp dẫn.

FDI thực tế không như công bố

Ngoài ra, tăng trưởng được dựa trên nền tảng của việc thu hút vốn FDI nhằm thay đổi chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Lượng vốn FDI năm 1988 chỉ vài chục triệu USD, hiện tại lên tới hàng chục tỉ USD, đỉnh cao 2008 vốn đăng ký hơn 60 tỉ USD. Tuy nhiên, theo Giáo sư Porter hiện vẫn đang còn có khoảng cách lớn giữa FDI công bố và con số thực tế, khoảng cách này đang ngày càng rộng ra khiến việc chuyển dịch cơ cấu không hiệu quả.

Nhìn từ thực tiễn của một đất nước, ông tỏ ra lo ngại khi VN đổ quá nhiều vốn vào bất động sản, mà chưa chú trọng tới việc nâng cao chất lượng các ngành mũi nhọn, chủ lực khi xuất hiện hàng loạt các công trình nhà cao tầng, hoạt động xây dựng diễn ra rầm rộ.

Bên cạnh đó, các dòng vốn lớn đổ vào thị trường trong những năm qua kích thích tăng cầu nội địa, cùng chính sách khá mở của tiền tệ và tài khóa khiến lạm phát luôn ở mức cao trong khu vực. Số liệu báo cáo cho thấy, so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc kể từ năm 2000 đến nay mức lạm phát của VN luôn ở mức rất cao, đặc biệt trong năm 2008, lên tới hơn 20%.

Những hạn chế trên của nền kinh tế khiến chất lượng tăng trưởng không theo cùng tốc độ, mức độ thịnh vượng chung trong khu vực còn thấp, tham nhũng vẫn ở mức cao.

Cụ thể, theo thống kê tiền lương trung bình của VN chỉ ở mức 48,72 USD/tháng, trong khi Nhật Bản gần 2.000 USD/tháng, Singapore hơn 1.000 USD/tháng, Thái Lan 156 USD/tháng…

Trong một môi trường hội nhập đang thay đổi, các quốc gia từng bước nâng cao sức cạnh tranh của mình, những bước đi trên khiến VN khó có thể duy trì tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Vì vậy, theo Giáo sư Porter, VN cần có một bước đột phá mạnh mẽ, đột phá từ năng lực cạnh tranh, tạo ra một mô hình tăng trưởng mới chắc chắn, ổn định, bền vững. Cần tạo dựng được các lợi thế mới, đặc trưng thay vì chỉ đơn thuần sử dụng tài nguyên sẵn có.

Thành lập Hội đồng năng lực cạnh tranh quốc gia

Đánh giá về mô hình tăng trưởng mới và VN có thể áp dụng để tạo bước đột phá cho nền kinh tế hay không, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, mô hình trên đã bổ sung, hỗ trợ cho chiến lược kinh tế của VN, cụ thể hóa các kiến nghị về chính sách ưu tiên của quốc gia. Ngoài ra, cũng đưa ra được một thứ tự thực hiện nhiệm vụ ưu tiên rất rõ ràng về kinh tế vĩ mô, về mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, về năng lực vi mô…. Ông cũng cho rằng cần thiết ủng hộ mô hình Hội đồng năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì đây là cơ quan điều phối các dự án, đánh giá cơ chế triển khai về năng lực cạnh tranh nền kinh tế.

Theo Giáo sư Porter, VN có thể học hỏi mô hình của Hàn Quốc, Colombia và các quốc gia khác để thành lập Hội đồng bao gồm những thành viên trực thuộc bộ, ngành của chính phủ. Thành viên Hội đồng nên có đại diện của khu vực kinh tế tư nhân - đóng vai trò làm đầu tàu đưa nền kinh tế tăng trưởng, phát triển.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.