Mưu sinh lúc 0 giờ

12/02/2011 12:15 GMT+7

Trong khi màn đêm vẫn còn ken đặc và người người đang chìm trong giấc ngủ, tại chợ Phủ Lý - Hà Nam, hàng trăm con người từ khắp các vùng lân cận với đủ mọi số phận, hoàn cảnh đang miệt mài mưu sinh trong gió rét và sương muối.

Chợ Phủ Lý còn có tên gọi thân mật khác là chợ Phủ (còn có nghĩa là chợ m Phủ). Tuy được thành lập cách đây chưa đầy 5 năm để thay cho chợ Bầu, từng một thời nổi tiếng, bị giải tỏa để làm khu hành chính nhưng tại đây, không khí buôn bán lúc nửa đêm lại nhộn nhịp hơn bất cứ chợ đầu mối nào ở miền Bắc.

Kim đồng hồ vừa chỉ 0 giờ, toàn bộ đoạn đường lớn trước cổng chợ Phủ đã ken đặc người và xe. Các thương lái từ khắp các vùng lân cận như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và Hà Nội đã có mặt để mua hàng chuyển đi các tỉnh thành bán kiếm lời. Chị Hoàng Thị Thảo, một tiểu thương vừa chuyển rau từ chiếc xe kéo xuống vừa mừng rỡ: “Đây là xe thứ 3 tôi bán được trong đêm nay, nhà tôi đang về kéo tiếp một xe cà chua nữa...”.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang xuất thân từ nông dân nghèo khó. Chị quê ở làng hoa Phù Vân thuộc thị xã Phủ Lý cũ, từ nhỏ đã theo cha mẹ chở hoa đi khắp các chợ rao bán. Gặp thời, chị chuyển sang buôn bán bất động sản rồi thành lập công ty sản xuất chế biến gỗ nổi tiếng ở Hà Nội. Công ty phá sản, Trang hai bàn tay trắng. “Chẳng biết bắt đầu từ đâu, thôi thì sinh ra làm gì mình làm nấy, cũng may tôi còn mấy sào đất bố mẹ cho khi đi lấy chồng. Giờ tôi trồng hoa để bán, không giàu nhưng cũng đủ sống. Đêm nào ít cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, đêm nào bán được nhiều hàng, sáng về lại liên hoan...”, chị Trang vui vẻ cho biết.

Phía trong chợ, từng đoàn người với những bao tải lớn đựng rau quả trên vai đang vội vàng chuyển ra giao hàng cho khách quen. Anh Trần Văn Việt, người đứng đầu một hội tiểu thương cho hay, khách từ các vùng chủ yếu đặt mua rau quả, thịt gia cầm các loại với số lượng lớn để chuyển đi bán tại các chợ đầu mối. Sau mỗi đêm mua hàng, các thương lái phải thanh toán đầy đủ số tiền hàng và tiền công cho cửu vạn tại chợ. Đêm sau muốn mua hàng gì, số lượng bao nhiêu thì phải đăng ký và giao 1/3 số tiền để ngày hôm sau tôi cho người đi “săn” tại các lò mổ và mua rau quả tại các huyện lân cận như Bình Lục, Thanh Liêm...

Qua tìm hiểu được biết, hàng trăm thương lái chợ đầu mối Long Biên - Hà Nội đã tìm về chợ Phủ để mua hàng. Ông Nguyễn Tiến Trình, 5 năm nay làm tài xế chở hàng cho một lái buôn người Hà Nội không giấu giếm: “Chúng tôi phải xuất phát từ Hà Nội lúc 11 giờ đêm để về chợ Phủ. Có đêm, ông Tằng (chủ thương lái) mua đến 3 xe tải hàng để đưa về chợ Long Biên bán lại cho các tiểu thương khác...”.

Phía quốc lộ 1A đoạn rẽ vào chợ Phủ, từng đoàn xe tải các loại nối đuôi nhau tiến vào cổng chợ. Một nhân viên ban quản lý chợ cho hay, vào đêm cao điểm, số lượng thương lái lên tới cả ngàn người. Xe chở hàng không vào được chợ nên phải xếp hàng nối đuôi nhau dài cả kilômét ở quốc lộ 1A.

Chợ đêm Phủ Lý được bắt đầu vào lúc 0 giờ đêm đến tờ mờ sáng. Ngoài sự góp mặt của các tiểu thương và lái buôn đường dài, người dân vùng lân cận cũng khá quen với cảnh đi chợ lúc nửa đêm. Mưu sinh lúc 0 giờ còn có sự góp mặt của các cụ già và học sinh theo cha mẹ đi buôn bán. Cụ Trần Văn Út năm nay đã bước sang tuổi 71 nhưng do cái nghèo nên dù có yếu, cụ cũng phải đi 10km từ Vĩnh Trụ (Lý Nhân) bằng chiếc xe đạp cà tàng để lên chợ Phủ lấy rau về quê bán kiếm lời.

Chợ Phủ không những là địa chỉ gom hàng đầu mối mà còn là nơi “gom” cả những số phận người. Những số phận ấy, dù vui hay buồn, giàu hay nghèo cũng chung nhau ở một điểm: cố gắng mưu sinh - tiêu bằng những đồng tiền chân chính.

 Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.