Nguyễn Chánh Tín - Bích Trâm: 40 năm từ một sự tình cờ

18/02/2011 23:09 GMT+7

Đôi vợ chồng diễn viên, ca sĩ Nguyễn Chánh Tín và Bích Trâm gần bước sang tuổi 60 nhưng vẫn còn giữ nguyên vẻ năng động với một tình yêu nồng nhiệt dành cho điện ảnh, ca nhạc.

Yêu nhau từ một sự tình cờ

Trường Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM gần 30 năm trước, đám học trò nhỏ tuổi ô mai đầy háo hức chen nhau để được tận mắt thấy thần tượng: đại tá Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa. Rồi anh xuất hiện cùng vợ - ca sĩ Bích Trâm trong bộ sơ-mi trắng, quần tây, còn chị thì thướt tha với tà áo dài màu tím. Giản dị và dễ gần, đôi vợ chồng chở nhau trên chiếc xe Honda Dame cũ kỹ trở lại trường xưa, nơi trước năm 1975 Nguyễn Chánh Tín từng theo học. Cả hai giao lưu với thầy cô, học sinh xoay quanh bộ phim Ván bài lật ngửa rồi hát liền tù tì mấy bài. Oai hùng, dũng cảm trên màn bạc là thế nhưng ngoài đời, đó là những năm tháng khó khăn nhất của đôi vợ chồng trẻ.

Đang thực hiện phim Lệnh xóa sổ

Gương mặt vẫn còn mệt mỏi sau nhiều đêm thức trắng quay phim Lệnh xóa sổ để kịp phát hành dịp lễ 30.4.2011, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Chánh Tín chợt trở nên hào hứng khi bàn đến dự án phim trong tương lai. Với anh, ngoài vợ con thì điện ảnh đã là máu thịt. Trên gương mặt của người diễn viên từng là kép đẹp một thời của điện ảnh Việt vẫn tràn đầy niềm hy vọng về tương lai nghệ thuật thứ bảy của quê nhà.

Chị Bích Trâm kể hai người gặp nhau thời gian cùng học Đại học Luật Sài Gòn. “Xem tivi thấy anh chàng Nguyễn Chánh Tín đẹp trai, hát hay nhưng cũng chẳng ấn tượng gì. Đến khi vào đại học, hai đứa cùng trong đội văn nghệ của trường nên mới để ý. Thời đó tôi cũng đi hát trong nhóm Spotlight cùng với Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Đức Huy. Năm 1967, tôi còn nhận cả giải thưởng Nữ ca sĩ được yêu thích nhất do các nhà báo Sài Gòn bình chọn”.

Còn Nguyễn Chánh Tín thú nhận, cảm giác ban đầu về một tiểu thư con nhà giàu có đã khiến anh không ưa gì Ngọc Bích (tên thật của Bích Trâm) bởi anh xuất thân từ gia đình nông dân tận Cà Mau, Minh Hải. Nhưng rồi định mệnh đã gắn kết hai người với nhau bằng một… đám ma! Hôm đó xe đưa Bích Trâm không đến đón được. Cả hai đang dự đám tang nhà người bạn ở tỉnh xa. Thế là chị đành đi nhờ xe Honda của anh. Chị bắt đầu xao động khi nghe giọng anh thì thầm: “Bích đừng lo, Tín sẽ về xin gia đình cho!”.  

Tình yêu đến với họ tự nhiên giữa Sài Gòn đầy biến động của chiến tranh. Tháng 12.1973, cô dâu Bích Trâm chính thức lên xe hoa về nhà chồng. Năm đó chị 22 còn anh chỉ 21 tuổi. “Tuổi đó với cả hai là quá sớm, lại là nghệ sĩ nên dù không nói ra nhưng gia đình 2 bên cũng khó mà kỳ vọng cuộc hôn nhân này sẽ lâu dài”, chị Bích Trâm nhớ lại.

Con trai Nguyễn Chánh Minh Thức ra đời chỉ vài tháng sau ngày đất nước giải phóng. Lương diễn viên ở đoàn kịch nói Bông Hồng, nơi anh đang công tác chẳng thấm vào đâu, còn cát-sê điện ảnh chỉ đủ để anh sắm quần áo, chi xài suốt mấy tháng xa nhà là hết. Bởi thế, cả anh chị phải ráng “cày”, hát từ các tụ điểm ca nhạc, nhà hàng, phòng trà đến cả sân khấu lớn. “Làm thế mà lúc nào cũng thấy thiếu hụt, vợ chồng dắt nhau ra đường bán thơm, rồi ủi đồ thuê cho khách. Nhiều năm dài, chúng tôi ẵm bé Minh Thức vào đoàn Bông Hồng ăn cơm hội (cơm tập thể dành cho nhân viên đoàn hát). Tôi chẳng hiểu sao lúc đó cuộc sống quá cơ cực. Nghèo đến mức những thứ trong nhà chút đáng giá lần lượt đội nón ra đi. Anh Tín gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng chở tôi và con đi khắp nơi để hát. Chắc có lẽ vì những điều thiêng liêng đó mà anh chẳng thể bỏ vợ con dù không ít lần chịu cám dỗ do làm việc trong môi trường nghệ thuật”, chị Bích Trâm nhắc lại bằng giọng hạnh phúc.

Dấu ấn Nguyễn Thành Luân

Một ngày u ám của năm 1979, sau xuất diễn trưa ở đoàn Bông Hồng, Nguyễn Chánh Tín lặng lẽ giấu vợ con đón xe về miền Tây để tìm đường vượt biên. Chuyến đi không thành, anh âm thầm về lại đoàn khai báo sau đó bị tạm giam 1 tháng. “Anh Sáu Thảo (Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở Văn hóa -Thông tin TP.HCM thời bấy giờ) đưa cho vợ tôi từng gói đường, lon sữa đi thăm nuôi. Chính anh cũng đứng ra bảo lãnh tôi trở về lại đoàn để tiếp tục biểu diễn. Anh khẳng định với chú Ba Lê (Giám đốc Xí nghiệp phim tổng hợp TP.HCM, nay là Hãng phim Giải Phóng) rằng: “Hãy để thằng Tín đóng vai Nguyễn Thành Luân (tức anh hùng, liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo) trong phim Ván bài lật ngửa. Tôi đảm bảo nó không bao giờ vượt biên nữa đâu, Nguyễn Chánh Tín kể lại.

Với anh, vai Nguyễn Thành Luân đã đóng dấu tên tuổi trong làng. Vai diễn này thành công đến mức thời đó đi đến đâu cũng được khán giả ái mộ. Lần đi diễn tận Nam Định, bão tố kẹt phà, vậy mà tài xế cả đoàn hàng mấy trăm chiếc đều vui vẻ để xe chở anh và vợ ưu tiên xuống phà trước cho kịp giờ diễn. “Chạy ngang từng tài xế đưa tay vẫy, có người còn la lớn: “Chào đại tá Nguyễn Thành Luân, bọn em rất sẵn lòng nhường đường cho anh đi trước. Chúc anh khỏe”. Tôi nghe mà nước mắt nhạt nhòa. Nhìn sang bên thấy chồng mình khóc. Giọt nước mắt đàn ông hạnh phúc với niềm vui nghề nghiệp. Và đúng lúc đó tôi biết chồng mình sẽ diễn đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Điện ảnh là nghề và cũng là nghiệp của anh ấy”, chị Bích Trâm bồi hồi nhớ lại.

Với vẻ ngoài hào hoa, lịch lãm, anh đã từng tưởng hạnh phúc gia đình vỡ tan. Chuyện xảy ra từ hơn 20 năm trước. Một nữ diễn viên Hà Nội nổi tiếng đã yêu anh. Chị Bích Trâm kể: “Ban ngày anh ở với cô ấy, ban đêm chở tôi đi hát. Nỗi đau đó chỉ có phụ nữ mới thấu hiểu. Rất may cuối cùng anh cũng trở về với gia đình. Sau này khi cô diễn viên ấy qua đời, anh không đưa tang được cũng áy náy lắm. Lần dự Cánh diều vàng năm 2009, anh ra Hà Nội có ở lại thêm một ngày để đến nhà người xưa thắp nén nhang tiễn biệt…”.

Gần 40 năm dài, vợ chồng có thêm con gái Nguyễn Chánh Bích Uyên nay đã 23 tuổi.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.