Chọn đường đi cho riêng mình

30/03/2011 11:13 GMT+7

Chọn lối đi riêng đầy gai góc, bỏ sau lưng sự ấm êm, an nhàn... để thỏa mãn đam mê và để được là chính mình.

Bùi Thị Minh Châu: Tôi thích làm chuyện “bao đồng”!

 
Minh Châu (thứ ba từ phải sang) trong một chuyến công tác ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - Ảnh do nhân vật cung cấp

Thông thạo ngoại ngữ, đoạt giải cao quốc gia về môn văn, tốt nghiệp thủ khoa ngành quan hệ quốc tế (ĐH KHXH&NV TP.HCM)..., Bùi Thị Minh Châu khiến nhiều người ngạc nhiên khi từ chối những lời mời hấp dẫn từ các công ty nước ngoài, đi theo con đường hoạt động xã hội vì trẻ em nghèo và cơ nhỡ.

Khi còn đi học, Châu đã có duyên với công tác xã hội. Chỉ tính riêng bốn năm đại học, Châu đã thành hạt nhân phong trào khi tham gia nhiều chương trình như: Vì thành phố không còn trẻ em lang thang 2006, Đêm hội trăng rằm 2005-2006, Xuân tình nguyện 2008...

Nhiều người hỏi Châu là con gái, lại giỏi giang... sao không chọn chỗ nhàn hạ mà thích tìm đến với trẻ em bất hạnh? Châu kể câu chuyện của chính mình thay câu trả lời: “Tôi từng là đứa trẻ khá bướng bỉnh, lúc nhỏ thường bị cha mẹ cho đòn roi mỗi lần phạm lỗi. Nhưng sau đó cha mẹ đã chịu khó tìm hiểu và trò chuyện, giải thích cặn kẽ cho tôi về mọi thứ. Tôi đã trở thành một con người khác nhờ cách giáo dục đầy tính nhân văn này”.

Đau lòng vì thấy nhiều trẻ em bị ngược đãi, bỏ rơi và dần trở thành thành phần xấu do sự vô tâm của gia đình, xã hội... Châu mong muốn mình có thể cải thiện phần nào tình trạng này.

Hiện Châu đang là điều phối viên dự án kiêm trợ lý phó giám đốc Hiệp hội Bảo trợ trẻ em CNCF tại Việt Nam. Công việc thường ngày khá khó khăn do phần lớn liên quan đến những trẻ em có vấn đề, tuy nhiên Châu nghĩ: “Những điều không hay xảy ra chính là cơ hội để chúng ta làm những việc hay. Nếu thay đổi cách nhìn, khó khăn là cơ hội”.

Công Nhật

Võ Thanh Lộc: học nhân sự đi bán bánh mì


Võ Thanh Lộc - Ảnh: Phi Long  

Mấy ngày này anh chàng Võ Thanh Lộc (23 tuổi) - cựu nhân viên nhân sự ở Công ty Yêu âm nhạc Yan, tổ hợp giáo dục Pace - tất bật chuẩn bị cho ngày khai trương kiôt bánh mì đầu tiên của mình.

Khi còn là sinh viên năm nhất, Lộc đã đi tìm việc làm thêm, tích lũy kinh nghiệm để dành... ra trường xài. Tốt nghiệp, Lộc làm marketing, quảng cáo, truyền thông ở những công ty lớn như Pace, Yan...

Đùng một cái, Lộc từ bỏ những vị trí công việc hấp dẫn đang có, tính chuyện đi bán bánh mì! Lộc chia sẻ: “Bản lĩnh, ham muốn được dấn thân đang có nhiều trong mỗi người trẻ. Môi trường hội nhập hiện nay giúp chúng tôi có cơ hội để thể hiện mình, mạnh dạn hơn trong việc ra quyết định. Tôi chỉ khác mọi người ở chỗ cùng nghĩ nhưng dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quyết định của mình”.

Lý giải về việc chọn bánh mì, Lộc cho biết mình muốn làm mới một món ăn quen thuộc của người Việt, sạch và đa dạng hơn với thị trường nhắm đến là dân văn phòng. Sau khi thuyết phục ba mẹ đồng ý, anh trai đầu tư, Lộc đã hoàn thành “đề án lập nghiệp” cùng bánh mì...

Lộc đã phải đến hàng chục lò bánh mì để tìm hiểu chất lượng sản phẩm, đặt loại ưng ý nhất cho cửa hàng của mình. Chàng trai cũng lần mò về quê kiếm những loại chả ngon nhất, đảm bảo vệ sinh, rồi nhờ một người bạn học ẩm thực ở Pháp về hướng dẫn cách làm loại patê đặc biệt cho cửa hàng.

Làm chủ một chuỗi kiôt bán bánh mì các kiểu kèm nước giải khát và báo là ước mơ của Lộc. Để thực hiện được ước mơ đó, Lộc đang bước những bước đầu tiên trên con đường khác biệt so với bạn bè với kiôt số 1 khai trương ngày 29-3.

Phi Long

Nguyễn Minh Tú: Bỏ ngân hàng đi học làm bánh ngọt

 
Nguyễn Minh Tú tại một xưởng làm bánh ở Úc - Ảnh: Phi Long

Tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM chuyên ngành marketing, Nguyễn Minh Tú (25 tuổi) đi làm ở hai ngân hàng lớn ACB và HSBC. Nhưng trong một lần tham gia buổi chia sẻ kinh nghiệm của những người thành đạt cho các bạn trẻ, câu hỏi “Năm năm nữa bạn muốn làm gì?” của một diễn giả đã làm Minh Tú phải suy nghĩ.

“Đã vài lần nghe câu hỏi này và cũng tặc lưỡi cho qua, nhưng lần này tôi thấy cần phải tìm câu trả lời. Tôi thấy mình muốn làm một cái gì đó, nho nhỏ và của riêng mình” - Tú nói, lúc đó cô đã đi làm được ba năm.

Điều “nho nhỏ và của riêng mình” đó chính là những chiếc bánh ngọt. Từ nhỏ Tú đã thích làm bánh kem, hễ ở trường có cuộc thi làm bánh nào là Tú bám theo ngay... Thế là không chần chừ gì nữa, Tú nộp đơn nghỉ việc trước sự ngạc nhiên của mọi người. Cô qua Úc theo học một năm rưỡi khóa làm bánh ngọt của Trường William Angliss Institute ở TP Melbourne.

Học phí cao và cả những lời ra tiếng vào của bạn bè “tự dưng đang làm ngon lành lại sang tận Úc học làm bánh” không ít lần làm Tú phân vân. Nhưng Tú quyết định sẽ biến những khó khăn này thành động lực để cô theo đuổi tận cùng ước mơ của mình.

Những mẻ bánh ra lò thành công, những lời khen ngợi của thầy giáo dành cho cô học trò chăm chỉ, sự đồng cảm của ba mẹ và người yêu... đã giúp Tú lấy lại sự tự tin vốn có của mình, xóa bỏ những nghi ngờ của bản thân về sự lựa chọn “bánh ngọt thay cho ngân hàng”!

“Đối với những gì mình yêu thích, có lòng đam mê thật sự thì không bao giờ là trễ để có một quyết định và đi theo nó đến cùng” - Tú cho biết.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.