Nhạc Việt thời... thảm họa

11/06/2011 00:23 GMT+7

“Đủ trò!” - đó là những gì khán giả có thể cảm thán về nhạc Việt hiện giờ, khi ca sĩ không lo chuyên môn mà thi nhau tung chuyện đời tư, hoặc các “thảm họa nhạc Việt” để được chú ý.

Nói như thế không có nghĩa là không có những ca sĩ nỗ lực, mày mò thử nghiệm, sáng tạo và chọn cách làm nghề nghiêm túc, đúng chất một nghệ sĩ. Với những nghệ sĩ ấy, họ kín tiếng và âm thầm góp từng “viên gạch” cho nhạc Việt, chỉ khi hoàn thành với kết quả khả quan, sản phẩm tung ra thị trường được đánh giá cao họ mới chịu chia sẻ. Số lượng ca sĩ đúng chất nghệ sĩ như thế ở thời buổi hiện giờ không nhiều. Trong khi đó, nhan nhản những ca sĩ muốn nổi lên bằng hư danh, bất chấp việc bán rẻ cả danh dự, cái tên của mình để “giá” nào cũng chơi, miễn sao gây được sự chú ý của dư luận.

 
Minh họa: DAD

Chủ nhân của những “thảm họa nhạc Việt” tra tấn khán giả thời gian qua như P.T.V, P.M, H.K.T… quả là quái đản khi dù bị chỉ trích vẫn biểu lộ sự vui mừng khi cho rằng: “Rất tự hào, hãnh diện khi được mọi người biết đến cho dù được gọi kèm theo là “thảm họa” hoặc “Sau nhiều năm đi hát mà chưa được ai biết đến, giờ đây được “nổi” kiểu này cũng là một hạnh phúc lớn lao” (!)”. Đáng nói là càng làm trò nhố nhăng, các đoạn video càng bị truyền nhau trên mạng để dè bỉu, họ càng có “động lực” để cho ra lò tiếp các sản phẩm “nhạc kinh dị” tiếp theo. Ca sĩ khác khi thấy ca sĩ này “làm trò không ra gì” mà lại được chú ý, bỗng dưng nảy ra ý định muốn bắt chước làm theo. Thậm chí phải làm cho… kinh dị hơn thế để tạo được sự chấn động trong dư luận gấp bội, với các ca sĩ có thể kể tên như T.K, M.A… Cứ vậy mà số lượng “thảm họa” ngày một nhiều, ca khúc quái đến không thể quái hơn xuất xưởng tràn lan.

Bên cạnh đó, ca sĩ không lo hát, chuyên môn kém, nhưng vẫn lên báo đều đều, tung đủ chiêu kể chuyện đời tư; hay cứ mỗi lần ca sĩ ấy xuất hiện trên mạng là độc giả được xem một cuộc cãi vã với đồng nghiệp… là chuyện xảy ra hằng ngày trên mạng.

Nhiều nhạc sĩ đã lên tiếng: hãy cứ để mặc cho những vụ rối ren và kệch cỡm đó tự sinh và tự diệt, bởi khi khán giả đừng thèm quan tâm đến thì chúng sẽ hết thời! Nhưng với tốc độ lan tràn những “vi-rút nhạc Việt” như thế, không lên tiếng e rằng sẽ khiến cho một bộ phận ca sĩ trẻ ngộ nhận, tưởng như thế là hay, là đáng làm khi khởi nghiệp. Một phần khán giả trẻ cũng sẽ “quen tai” dần với nhạc nhảm.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ bằng cái nhìn lạc quan hơn: “Đó chỉ là phần nổi, như bệnh ngoài da thôi. Còn có nhiều người rất tâm huyết và tài năng. Những con người đó sẽ tìm đến với nhau, chơi với nhau và tạo ra được một không gian âm nhạc dành cho những khán giả thực sự biết nghe. Còn những hiện tượng thảm họa bây giờ là lỗi do truyền thông. Nếu truyền thông không tung lên tạo tò mò thì làm sao mà người ta biết được. Hiện, nhạc Việt vẫn còn rất nhiều món ngon, vấn đề là khán giả có chịu bỏ tiền ra để thưởng thức hay không?”.

Phan Cao Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.