Viêm màng não do liên cầu lợn

09/10/2011 17:43 GMT+7

Viêm màng não mủ do vi khuẩn cư trú trên lợn gây bệnh ở người đang gia tăng. Nhiều trường hợp tai biến rất nặng gây tàn phế, thậm chí tử vong.

Diễn tiến bệnh rất nhanh

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) cho biết, các ca bệnh do nhiễm liên cầu lợn S.Suis đang tăng lên gần đây, trong khi 3-4 năm trước thường chỉ là các ca nhập viện rải rác. Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, khoảng 70-80 ca nhiễm vi khuẩn này nhập viện/năm, phần lớn là các ca nặng: nhiễm trùng huyết, hoại tử chi, suy đa tạng, viêm màng não mủ.

Rất nguy hiểm khi liên cầu lợn S.Suis đang trở thành nguyên nhân chính gây viêm màng não mủ. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, có đến 60% các ca viêm màng não mủ do vi khuẩn này. Đây là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao hoặc thường để lại các di chứng nặng nề, lâu dài.

Lợn chính là vật chủ mà vi khuẩn liên cầu lợn S.Suis ưa thích. Ngoài ra, chúng có thể cư trú trên các động vật có vú khác như dê, cừu... Người cũng là đối tượng tấn công của chúng. Các ca nhiễm liên cầu lợn thường có diễn biến bệnh rất nhanh, gây nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ). Bệnh do liên cầu lợn hiện đã có trong danh sách những bệnh dịch nguy hiểm mới nổi trong vòng 10 năm trở lại đây.

Phức tạp nguồn lây

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, một bệnh nhân 40 tuổi nhập viện với các biểu hiện sốt rất cao, liên tục, người đau mỏi, trên da nổi ban tím. Khi nhập viện, các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn. Bệnh nhân nói không hề tiếp xúc với nguồn lây bệnh truyền thống (giết mổ, ăn thịt lợn, tiết canh lợn), nhưng trước khi khởi bệnh có ăn tiết canh dê.

Một bệnh nhân nam bị viêm màng não vừa qua cơn nguy kịch cho biết mình bị sốt rất cao, li bì, tự mua thuốc uống ở nhà không khỏi, và gần như mất ý thức nên người nhà đưa vào viện. Các bác sĩ khám và cho xét nghiệm thì kết quả nhiễm liên cầu lợn, nhưng ở nhà bệnh nhân lại không chăn nuôi hay giết mổ lợn, bản thân cũng không tiếp xúc với những khu vực này.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, trước đây hầu hết các ca nhiễm liên cầu lợn đều tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây: giết mổ, chế biến, thịt lợn, ăn tiết canh lợn... Nhưng nhiều ca bệnh gần đây không thấy có những tiếp xúc, liên quan đến nguồn lây này. Bởi vậy cần nghiên cứu thêm về đường lây nhiễm của vi khuẩn này để giúp cộng đồng có cách phòng nhiễm bệnh.

Bác sĩ cũng lưu ý trong chẩn đoán: Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn sốt rất cao, giảm tiểu cầu nên có thể bị nhầm với sốt xuất huyết. Nhưng với sốt xuất huyết, ban nhỏ trên da thường xuất hiện 4-5 ngày sau sốt; trong khi với các ca nhiễm liên cầu lợn trên bề mặt da là các mảng da tím đen, lớn. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu gây tắc mạch, các tạng không có máu nuôi dưỡng nên bệnh nhân suy đa tạng (gan, thận...) nhanh chóng.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.