Trị bệnh "thường ngày" của trẻ

25/11/2011 08:49 GMT+7

Trẻ em đái dầm là "chuyện thường ngày ở huyện" nhưng nếu sau 5 tuổi tình trạng này vẫn tiếp diễn thì không nên coi thường.

(TNTS) Trẻ em đái dầm là "chuyện thường ngày ở huyện" nhưng nếu sau 5 tuổi tình trạng này vẫn tiếp diễn thì không nên coi thường.

Dễ chẩn đoán nhầm

Chứng đái dầm có những trường hợp không giống nhau. Chẳng hạn trong một gia đình có trẻ 3 tuổi đã hết đái dầm nhưng đứa trẻ kế tiếp thì 8 tuổi vẫn còn đái dầm. Do đó, việc điều trị còn tùy thuộc vào nhu cầu của phụ huynh hoặc của trẻ.

PGS-TS Vũ Huy Trụ (Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, trẻ em được gọi là mắc bệnh đái dầm nếu vẫn còn tiếp diễn tình trạng này sau 5 tuổi. Bởi thông thường từ 5-7 tuổi trẻ sẽ kiểm soát được vấn đề tiểu đêm.

Bé trai hay bị đái dầm

Thống kê từ ĐHYD cho thấy, tỷ lệ nam mắc bệnh đái dầm nhiều hơn nữ.

Trẻ 5 tuổi chiếm 16% (6  trẻ thì có 1 trẻ đái dầm)
Trẻ 15 - 18 tuổi chiếm 1 - 2%.
Đái dầm có liên quan đến yếu tố di truyền: 39% từ bố; 23% từ mẹ, 46% từ cả bố và mẹ.

Còn dưới 5 tuổi trẻ đái dầm là chuyện bình thường, bởi lúc này các cơ quan kiểm soát việc đi tiểu của trẻ chưa hoàn thiện. Sinh lý của sự đi tiểu bị điều hòa bởi thần kinh và tủy sống, đó là sự phối hợp hệ thần kinh của não bộ, tủy sống và bàng quang. Đái dầm xảy ra do sự rối loạn của các cơ quan nêu trên. Như vậy, nguyên nhân chính là do não em bé chưa trưởng thành. Ngoài ra còn do hóc môn kháng tiểu (AVP) mất nhịp độ sinh học, ban đêm mất hoặc ít tác dụng; do bàng quang em bé nhỏ về mặt chức năng. Đái dầm còn do các nguyên nhân khác như thói quen ăn, ngủ, sinh hoạt không điều độ (như bú sữa đêm, uống nhiều nước trước khi đi ngủ, bố mẹ không tập cho trẻ tiêu tiểu đúng giờ)...

PGS-TS Trụ cho biết đái dầm có nhiều hình thức. Phổ biến nhất là đái dầm vào ban đêm, tiếp đến là đái dầm ban ngày. Chi tiết hơn, có trẻ đái dầm ban ngày nhưng đêm thì không, rồi có trẻ đái dầm liên tục cho tới khi gặp bác sĩ (nguyên phát), có trẻ bẵng đi một thời gian từ 6 - 8 tháng không đái dầm (thứ phát). 

Có thể điều trị bằng thuốc

Tại các nước châu u, phương pháp điều trị phổ biến nhất là chuông báo động (nghĩa là cứ đến một giờ nhất định thì cho chuông reo để nhắc bé dậy đi tiểu) hoặc biện pháp giáo dục (khích lệ, động viên trẻ), tuy nhiên tại Việt Nam các biện pháp này còn khá mới mẻ - PGS-TS Trụ nhấn mạnh.

Y học hiện đại khuyến cáo việc dùng thuốc để trị đái dầm như thuốc Desmopressin (Minirin) hoặc thuốc khác (thuốc chống trầm cảm; anticholinergic). Tùy theo tình trạng của bé bác sĩ sẽ kê toa phù hợp.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê (nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2) nếu bé đái dầm do tâm lý thì phụ huynh nên thực hiện các liệu pháp tâm lý cũng có hiệu quả không kém. Chẳng hạn như hình thức nhật ký điều trị, nếu trong ngày đó bé không đái dầm thì cho bé 1 điểm, hôm nào bé vi phạm thì bỏ trống. Sau một tuần, cộng số điểm lại và khen thưởng cho bé. Tuyệt đối không được la mắng trẻ, điều này sẽ khiến mọi việc thêm tồi tệ. Trẻ cảm thấy mất tự tin, thấy việc đái dầm là một điều vô cùng khủng khiếp khiến bệnh càng nặng hơn và trẻ không hợp tác điều trị.

Bố mẹ có thể phòng đái dầm cho trẻ bằng cách chỉ cho bé mang bỉm trong vòng một năm, sau khi cai sữa thì cai bỉm và không cho bé bú đêm nữa. Nếu cứ mang bỉm cho bé lâu dài bé sẽ "vô tư tè" trong bỉm và rất khó ngủ nếu không có bỉm. Lúc này nên tập cho bé đi tiểu đúng giờ bằng cách "xi", sau nhiều lần bé sẽ tiểu khi thấy mẹ "xi". Trước giờ đi ngủ hai tiếng đồng hồ không cho bé uống nhiều nước và không vận động mạnh. Đi ngủ khi quá mệt mỏi hoặc ăn quá no cũng kích thích đi tiểu. Cần nhắc bé đi tiểu trước khi lên giường.

Mồ hôi trộm

Trẻ ra mồ hôi trộm trong khi ngủ hoặc khi bú do nhiều nguyên nhân. Có thể trẻ bị thiếu canxi, thiếu vitamin D hoặc rối loạn hệ thần kinh thực vật. Ngoài ra còn do các yếu tố khác như phòng ngủ quá nóng, bé mặc áo quá dày không thấm hút được mồ hôi, hoặc mẹ đắp quá nhiều chăn cho bé… Trẻ sơ sinh thường gặp chứng ra mồ hôi trộm, thậm chí có bé còn rụng tóc phần gáy. Trẻ dưới một tuổi thường thiếu vitamin D do đây là giai đoạn phát triển xương mạnh nhất. Phụ huynh cần khắc phục bằng cách cho trẻ phơi nắng mỗi ngày từ 15 - 30 phút, trong buổi sáng trước 10 giờ.

Phòng ngủ nên thoáng, tốt nhất cho trẻ ngủ riêng và không đắp chăn quá dày vì thân nhiệt trẻ luôn cao hơn người lớn. Bổ sung canxi cho trẻ bằng khẩu phần ăn hợp lý và cho bú sữa mẹ. Lưu ý khi trẻ ra nhiều mồ hôi nên dùng khăn mềm thấm khô cho bé, nếu để mồ hôi ra nhiều sẽ thấm ngược trở lại khiến trẻ bị cảm lạnh và giảm sức đề kháng.

Bé ngủ ngáy

Một hiện tượng nữa cũng đáng lưu tâm đó là bé ngáy trong khi ngủ. Có nhiều trẻ ngáy to trong lúc ngủ không khác gì người lớn và thường bị bỏ qua với suy nghĩ "bé ngáy giống bố". Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa cho rằng ngủ ngáy có nhiều nguy cơ về sức khỏe, cần đề phòng chứng ngưng thở khi ngủ. Nguyên nhân có thể do bé viêm amidan, dẫn tới khó thở khi ngủ. Trẻ béo phì cũng có thể gặp tình trạng này nên tuyệt đối không để trẻ nằm sấp mà nằm nghiêng và kê gối. Giữ ấm cổ cho trẻ.

Du Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.