Chất lượng xe máy: Doanh nghiệp tự kiểm soát, tự chịu trách nhiệm

14/12/2011 12:44 GMT+7

(TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Đỗ Hữu Đức, Cục phó Cục Đăng kiểm VN cho biết: cơ sở sản xuất được phép sản xuất lắp ráp, tự kiểm tra chất lượng xuất xưởng cho từng xe cùng kiểu loại sản xuất hàng loạt tiếp theo và chịu trách nhiệm về chất lượng các sản phẩm của mình theo đúng nội dung đã đăng ký và được chứng nhận.

(TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Đỗ Hữu Đức, Cục phó Cục Đăng kiểm VN cho biết: việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng đối với tất cả các loại mô tô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp tại VN được thực hiện theo các quy định ban hành kèm theo Quyết định số 58/2007 và Thông tư số 29/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Theo các quyết định này, việc kiểm tra được thực hiện theo phương thức kiểm tra, thử nghiệm xe mẫu kết hợp với việc đánh giá hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm tại cơ sở lắp ráp xe. Nếu kết quả kiểm tra, đánh giá đáp ứng quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, Cục Đăng kiểm VN sẽ cấp giấy chứng nhận chất lượng cho kiểu loại xe đó.

Cơ sở sản xuất được phép sản xuất lắp ráp, tự kiểm tra chất lượng xuất xưởng cho từng xe cùng kiểu loại sản xuất hàng loạt tiếp theo và chịu trách nhiệm về chất lượng các sản phẩm của mình theo đúng nội dung đã đăng ký và được chứng nhận.

VN đang áp dụng mô hình giống châu u, Nhật Bản, chúng ta kiểm tra dây chuyền chất lượng của DN. Nhưng Nhà nước không thể làm thay DN, không thể kiểm tra chất lượng từng chiếc xe trong hàng nghìn cái xe sản xuất ra mỗi ngày. Giống như dược phẩm là mặt hàng rất quan trọng tới sức khỏe, nhưng không ai có thể đứng ra kiểm tra chất lượng từng viên thuốc sản xuất ra được.

Ông Đỗ Hữu Đức, Cục phó Cục Đăng kiểm VN

Phương thức quản lý xe sản xuất lắp ráp là phương thức đang được áp dụng ở các nước trên thế giới và cũng là phương thức hiện nay cũng đang được sử dụng để quản lý nhiều loại sản phẩm, hàng hoá khác liên quan tới an toàn, sức khỏe và môi trường ở nước ta.

* Nhà nước không kiểm soát mà để doanh nghiệp (DN) tự kiểm soát có tạo ra lỗ hổng về chất lượng xe không thưa ông?

- Ông Đỗ Hữu Đức: Trong luật chất lượng hàng hóa cũng đã ghi rõ nhà sản xuất, nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của mình. Nhà nước chỉ đưa ra một cái khung, một mẫu đảm bảo an toàn và DN phải làm đúng như mẫu xe đó. Ví dụ như Mỹ chỉ đưa ra tiêu chuẩn, nhà sản xuất phải tự nghiên cứu tiêu chuẩn và bán ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn đó. Nếu cơ quan quản lý phát hiện không đúng tiêu chuẩn sẽ bị phạt 5 triệu USD, tức là Nhà nước không kiểm tra, chỉ thanh tra.

VN đang áp dụng mô hình giống châu u, Nhật Bản, chúng ta kiểm tra dây chuyền chất lượng của DN. Nhưng Nhà nước không thể làm thay DN, không thể kiểm tra chất lượng từng chiếc xe trong hàng nghìn chiếc xe sản xuất ra mỗi ngày. Giống như dược phẩm là mặt hàng rất quan trọng tới sức khỏe, nhưng không ai có thể đứng ra kiểm tra chất lượng từng viên thuốc sản xuất ra được.

* Việc kiểm tra định kỳ với DN có được thực hiện không?

- Ông Đỗ Hữu Đức: Theo quy định, định kỳ hằng năm đều có kiểm tra với các DN sản xuất, lắp ráp xe. Nếu có khiếu kiện sẽ có những đợt kiểm tra đột xuất khác. Sau khi cấp giấy chứng nhận chất lượng cho dây chuyền rồi, chúng ta cũng không thả nổi cho DN.

Hiện tại cũng đang là đợt kiểm tra định kỳ, dù không có vụ việc cháy nổ xe liên tục gần đây, Cục vẫn thực hiện kiểm tra định kỳ tại các DN, trong đó có Honda. Cụ thể sẽ xem xét lại toàn bộ hệ thống kiểm soát chất lượng, lấy ngẫu nhiên một số mẫu xe trên dây chuyền để kiểm định chất lượng. Ví dụ có 7 mẫu xe, nếu có mẫu nào không đạt sẽ thu hồi giấy chứng nhận, nếu đạt thì cho DN sản xuất bình thường. Các đợt kiểm tra này đều không báo trước, vì nếu báo trước, DN sẽ đề phòng đưa ra toàn mẫu tốt.

* Dư luận đang đòi hỏi các cơ quan chịu trách nhiệm về chất lượng xe phải lên tiếng. Ông có suy nghĩ và khuyến cáo gì với người tiêu dùng?

- Ông Đỗ Hữu Đức: Hiện tại chưa có kết luận chính thức về các vụ cháy, nổ xe máy gần đây, nên chưa thể khẳng định lỗi do nhà sản xuất hay do quá trình lưu hành, sửa chữa bên ngoài. Nhưng người tiêu dùng để tự bảo vệ mình phải tiến hành bảo dưỡng định kỳ thường xuyên tại các đại lý chính hãng. Tuyệt đối không lắp thêm các thiết bị. Trước khi ngồi lên xe phải kiểm tra kỹ lại xe, người VN đa phần không có thói quen này, đây cũng là văn hóa sử dụng xe mà chúng ta cần áp dụng.

Mai Hà
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.