Đảo "khát” điện

06/01/2012 09:08 GMT+7

Trong đất liền, giá điện dù vào giờ cao điểm cũng chỉ đến 2000 đ/kWh, nhưng nơi huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh (cách đất liền hơn 60 km), giá điện lên tới 20.000 đ kWh. Điện đang là thứ mà người dân huyện đảo này khát cháy.

Trong đất liền, giá điện dù vào giờ cao điểm cũng chỉ đến 2000 đ/kWh, nhưng nơi huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh (cách đất liền hơn 60 km), giá điện lên tới 20.000 đ kWh. Điện đang là thứ mà người dân huyện đảo này khát cháy.

Cô Tô chưa có điện lưới quốc gia, nguồn điện trên đảo chủ yếu dựa vào các cụm máy phát điện chạy bằng dầu diesel.

Chúng tôi đến thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến, H. Cô Tô vào buổi trưa, chiếc máy phát điện phục vụ 32 hộ dân trong thôn đang nhả khói đen kịt. Quanh bệ máy, vết dầu mỡ loang ra, tràn khắp nền.  Anh Nguyễn Văn Huần (37 tuổi) ở thôn Nam Hà, cho biết, chiếc máy 22 kVA này được cấp từ năm 2009, mỗi ngày anh chạy máy 2 lần, vào buổi trưa từ 11h đến 13h và buổi tối từ17h đến 22h.

"Trung bình một tháng 32 hộ dân trong thôn chúng tôi dùng hết 300 kWh, tiền mua dầu mất 6 triệu, tính ra giá thành là 20.000 đồng/kwh", anh Huần nói.

 
Anh Nguyễn Văn Huần bên chiếc máy sản xuất ra điện với giá 20.000 đ/kWh - Ảnh: Nguyễn Đức

Theo anh Huần, anh được người dân trong thôn tin tưởng nên giao lại chiếc máy phát để anh bảo quản và vận hành. Hàng tháng anh tự bỏ tiền túi ra mua dầu, chạy máy phát. Đến cuối tháng anh sẽ lấy tổng tiền dầu chia cho lượng điện tiêu thụ để tính số tiền điện/kWh và đi thu tiền của từng nhà theo đồng hồ.

Ở một góc vườn bên cạnh, bà Nguyễn Thị Thà (60 tuổi) than thở: "Nhiều khi xem ti vi thấy trong đất liền có những cây cầu sáng rực đèn, những tấm biển quảng cáo xanh đỏ tôi lại nghĩ sao mà họ lãng phí thế. Ngoài này nhà tôi chỉ thắp mỗi bóng đèn, xem tivi vài tiếng/ngày cũng tốn đến 300.000 đ tiền điện/tháng. Nhà nước cũng có hỗ trợ tiền điện, nhưng chỉ được vài ngàn đồng/kWh nên giá điện vẫn còn cao lắm. Tôi không biết đến khi chết có được chứng kiến ngày điện lưới quốc gia kéo về đảo?”.

Bà Thà cho biết, điện ở đảo rất yếu và không ổn định, có khi máy phát hỏng cả tuần, người dân phải gom tiền mời thợ về sửa. Nhiều gia không dám mua nhiều thiết bị như tủ lạnh, máy giặt, điều hoà... vì tiền điện quá cao, mà có mua về cũng rất mau hỏng.

Tình trạng thiếu điện cũng gây trở ngại đến việc làm của nhiều thanh niên trong thôn. Anh Phạm Văn Cường (28 tuổi), ở thôn Nam Hà, buồn bã nói: "Tôi đã học xong nghề hàn điện, giờ muốn mở một xưởng hàn nhỏ ở quê để khỏi phải đi làm xa. Nhưng vì điện ở thôn quá yếu nên tôi đành phải bỏ dở ước muốn để tiếp tục với công việc đánh cá".

Cô Tô đang phát triển mạnh về du lịch, nhưng điện cũng là một trở ngại lớn. Khi khách du lịch đến thuê phòng nghỉ sẽ được nhân viên lễ tân hỏi nhu cầu điện để tính giá tiền. Nếu khách chỉ dùng điện đến 11 giờ đêm (giờ máy phát điện chung ngừng chạy), giá phòng chỉ là 300.000 đ, nhưng nếu khách dùng điện cả đêm, giá phòng có thể lên 400.000 đ/đêm vì khách sạn phải chạy máy phát điện.

Vào mùa du lịch, tình trạng lưới quá tải, máy phát hỏng xảy ra thường xuyên. Có những đêm mất điện, cả đoàn khách phải kéo nhau ra ngủ đêm bên bờ biển.

Điện lưới sắp về

Ước muốn được đón dòng điện quốc gia về đảo trước khi chết của bà Thà ở thôn Nam Hà đã sắp thành hiện thực bởi dự án kéo điện ra đảo. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô vui mừng thông báo: “Cuối năm 2011, UBND tỉnh Quảng Ninh và tập đoàn than khoáng sản Việt Nam đã thống nhất sẽ làm việc với tập đoàn điện lực Việt Nam để kéo cáp ngầm đưa điện ra đảo. Với mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, tập đoàn Than sẽ hỗ trợ 150 tỷ. Nếu mọi việc thuận lợi, cuối năm 2012, Cô Tô sẽ có điện lưới”.

Đây là một món quà năm mới đầy ý nghĩa đối với người dân huyện đảo Cô Tô. Nhiều khả năng Tết sang năm, hơn 1000 hộ dân sẽ được đón tết trong ánh sáng của dòng điện quốc gia. “Có điện sẽ khiến Cô Tô bừng sáng, chắc chắn sẽ hút được du lịch và đầu tư, chúng tôi đang triển khai hệ thống hạ tầng viễn thông để biến cả đảo này thành đảo Wifi, người dân và du khách trên toàn đảo sẽ dùng Internet không dây miễn phí”. ( Káp Long - Nguyễn Đức)

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.