Bàn chân bẹt

13/01/2012 09:51 GMT+7

Qua thời gian ngồi phòng khám, chúng tôi thấy nhiều phụ huynh dẫn con cháu đến khám với lời than phiền sao bé hay bị té khi chạy nhảy, không thể chạy nhanh như các bạn dù thể chất không thua kém.

Những người lớn hơn thường than phiền đau ở cổ chân phía bên trong và bên trong bàn chân có mấy cục u gồ lên. Tất cả những trường hợp trên, sau khi cho bệnh nhân đứng thẳng đều thấy có hiện tượng bàn chân bẹt.

Bình thường bàn chân chúng ta khi đứng có hình vòm. Lấy ví dụ của một chiếc lều có ba góc: một góc là gót chân, một góc là ngón út và một góc là ngón cái bàn chân. Các xương bàn chân sẽ tạo nên ba đường vòm, trong đó một đường vòm bên trong đi từ xương gót qua các xương chêm, xương bàn một và đến ngón một. Đường vòm bên ngoài cũng từ xương gót qua xương bàn ngón năm và đến ngón năm. Với đường vòm ngang bàn chân,  mỗi bàn chân sẽ là nửa đường vòm. Nói một cách dễ hiểu là khi chúng ta đứng, phía bên trong bàn chân có thể đút được ngón tay từ phía trong bàn chân đi xuống dưới bàn chân.

Thế tại sao bàn chân lại phải có vòm bàn chân? Vì cấu tạo vòm giúp bàn chân giống cái giảm xóc, khiến chúng ta đi lại nhẹ nhàng, giảm phản lực từ đất dội lên khi đặt chân xuống đất.

Người có bàn chân bẹt lại không có vòm bàn chân. Vòm bàn chân được tạo nên nhờ hệ thống dây chằng và gân cơ vùng cổ chân mà yếu tố gân cơ là quan trọng. Người có bàn chân bẹt thì vòm ngang bàn chân sẽ bị xẹp do gân cơ mác dài yếu, không tạo nổi vòm ngang bàn chân. Nếu bàn chân đạp lên cát sẽ thấy toàn bộ bàn chân in lên cát, không có chỗ khuyết.

Khi đặt chân xuống đất sẽ thấy phần gót chân vẹo ra ngoài, mũi bàn chân dạng ngoài, bên cạnh trong bàn chân có ba cục xương nhô ra, đó là mắt cá trong, đầu xương sên và củ xương ghe. Như vậy, mỗi khi chạy nhảy người có bàn chân bẹt dễ té vì bàn chân mất sự linh động lúc chạm đất, vì gót vẹo ngoài nên cổ chân và các khớp cổ bàn chân bị ảnh hưởng làm lực tác động không đều, khiến thoái hóa khớp sớm hơn.

Để điều trị, chúng ta cần tăng cường sức mạnh của dây chằng và gân cổ bàn chân bằng cách cho bé đi nhón trên đầu ngón chân. Mang giày dép có đế nâng vòm bàn chân để định hình bàn chân. Người lớn tuổi hơn hay trưởng thành nên mang giày dép có đế để chỉnh trục bàn chân làm giảm áp lực lên sụn khớp.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.