Châu Âu lại chao đảo vì S&P

18/01/2012 00:15 GMT+7

Hãng đánh giá tín dụng Standard & Poor’s (S&P) tiếp tục gây sóng gió tại EU khi hạ bậc tín nhiệm Quỹ bình ổn tài chính châu Âu.

Theo đó, S&P chính thức hạ bậc tín nhiệm tín dụng dài hạn của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) từ AAA còn AA+, theo tờ Le Figaro hôm qua. Quyết định này là hậu quả trực tiếp của việc Pháp và Áo, 2 quốc gia được xếp loại AAA, bị đánh tụt hạng cùng 7 nước khác thuộc nhóm sử dụng đồng euro (eurozone) vào ngày 13.1.

Lâu nay, sự bảo lãnh của “nhóm AAA” chính là cơ sở để EFSF có thể vay tiền với lãi suất thấp từ nhà đầu tư để hỗ trợ lại các quốc gia gặp khó khăn trong khu vực. Mất đi 2 thành viên, hiện chỉ còn 4 nước thuộc eurozone còn giữ được điểm tối đa là Đức, Luxembourg, Hà Lan và Phần Lan nên không đủ để làm “lá chắn” cho EFSF.


Quyết định của S&P có thể sẽ gây tranh cãi giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: Reuters
 

Tuy nhiên, S&P cho biết vẫn có thể khôi phục thứ bậc cho EFSF nếu nguồn vốn bảo lãnh từ “nhóm AAA” được tăng cường để bù vào khoảng trống do Pháp và Áo để lại. Điều kiện này đã làm nảy sinh bất đồng trong nội bộ eurozone, do cả 4 nước loại AAA đều không muốn rót thêm tiền vào EFSF. Le Figaro dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định việc bị đánh tụt hạng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của quỹ và “chưa cần thiết phải thay đổi điều gì”.

Dù Pháp vẫn chưa phản ứng lại tuyên bố của bà Merkel nhưng giới chuyên gia cho rằng mâu thuẫn giữa Berlin và Paris có thể bị khơi dậy. Pháp trước đây luôn muốn hướng EFSF hoạt động như một ngân hàng để có thể huy động nguồn vốn trực tiếp từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đức phản đối quan điểm này vì cho rằng có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của ECB cũng như dẫn đến nguy cơ lạm phát.

Để xoa dịu tình hình, Chủ tịch EFSF Klaus Regling tuyên bố: “Tuy bị hạ điểm nhưng khả năng cho vay của quỹ vẫn không bị ảnh hưởng”. Từ mức 440 tỉ euro ban đầu, hiện khả năng cho vay của EFSF còn khoảng 250 tỉ euro, vẫn đủ cầm cự cho đến khi Quỹ hỗ trợ thường trực (MES) trị giá 500 tỉ euro đi vào hoạt động từ tháng 7. Hôm qua, ông Regling tiếp tục khẳng định đồng euro sẽ an toàn và eurozone đủ khả năng để hỗ trợ các thành viên vượt qua khủng hoảng.

Trong khi đó, S&P ngày 17.1 lại tiếp tục “tấn công” EU khi xếp Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) vào diện có thể bị đánh tụt hạng, theo AFP.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.