Lễ hội hay sự cuồng tín?

30/01/2012 01:43 GMT+7

Sau khi Thanh Niên các số ra ngày 28 và 29.1 đăng các bài viết Bát nháo ở chùa Hương, Mạo hiểm hành hương và Lộn xộn trước chùa Hương Tích, nhiều bạn đọc có ý kiến bức xúc về những hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa tại các lễ hội và lo ngại cho sự biến tướng của lễ hội.

Sau khi Thanh Niên các số ra ngày 28 và 29.1 đăng các bài viết Bát nháo ở chùa HươngMạo hiểm hành hươngLộn xộn trước chùa Hương Tích, nhiều bạn đọc có ý kiến bức xúc về những hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa tại các lễ hội và lo ngại cho sự biến tướng của lễ hội.

 

Quá xấu hổ!

Năm nào cũng vậy, tại các dịp lễ hội đều có những hình ảnh phản cảm mà nguyên nhân chính là do ý thức của nhiều người quá kém. Chuyện xả rác bừa bãi, giẫm đạp lên cỏ, bẻ hoa lá, chen chúc nhau giành lối đi… lại xảy ra. Đây là những hình ảnh đáng xấu hổ mà năm nào cũng nói, năm nào báo chí cũng phản ánh nhưng chẳng ăn thua gì. Theo tôi, ngoài việc tăng cường giáo dục ý thức, mà đầu tiên là giáo dục cho lớp trẻ ngay tại ghế nhà trường, thì nhà nước cũng cần phải có những quy định về việc giữ gìn văn minh nơi công cộng. Đồng thời kiểm tra và xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm.

Nguyễn Hoàng Chương (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Những bài học nhãn tiền

Đọc bài báo về mạo hiểm hành hương ở chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử mà tôi nhớ lại những thảm kịch giẫm đạp nhau chết hàng trăm người ở Lễ hội nước tại Phnom Penh (Campuchia) hay vụ giẫm đạp chết hàng chục người tại một lễ hội tôn giáo ở Ấn Độ thời gian qua. Và còn rất nhiều vụ giẫm đạp chết người mà nguyên nhân là do người đi dự lễ hội kém ý thức, chen lấn nhau. Thật nguy hiểm khi hàng chục ngàn người chen nhau tham dự lễ hội một cách lộn xộn như thế. Có lẽ tại các dịp lễ hội ở Việt Nam chưa xảy ra thảm kịch nào nên người dân chưa biết sợ.

Đoàn Đức Vinh (Phủ Lý, Hà Nam)

Biến tướng lễ hội

Tôi rất đồng tình với bài viết của GS-TS Ngô Đức Thịnh lo ngại về sự biến tướng của các lễ hội. Lễ hội hiện nay dường như đang bị biến tướng thành nơi mê tín, dị đoan với những hoạt động hết sức sai lệch mà xuất phát từ người dân. Ai cũng biết đi chùa đầu năm là để cầu may nhưng đi chùa lại kèm với việc nhét tiền vô tay tượng Phật, vào mồm tượng rồng, rải tiền khắp nơi, xem tướng xem bói… là những hình ảnh rất phản cảm và làm mất hết vẻ tôn nghiêm. Có cầu thì có cung, du khách có nhu cầu khấn vái cầu may thì cũng xuất hiện những người buôn bán vàng mã, hương đèn, dịch vụ khấn thuê, viết sớ… Nếu nhà nước không có những chính sách quản lý đúng đắn thì rất có thể lễ hội sẽ bị biến tướng tiêu cực.

Nguyễn Đức Thịnh (Q.Tân Bình, TP.HCM)

Nguyễn Xuân Vinh (Hóc Môn, TP.HCM): Năm nào cũng vậy, tại các điểm diễn ra lễ hội đều xảy ra tình trạng bát nháo. Nguyên nhân là ý thức của nhiều người đi lễ hội quá kém, nhưng bên cạnh đó cũng do sự yếu kém của các nhà quản lý.

 
Nguyễn Thái Phong (Q.7, TP.HCM): Nhà nước nên xử phạt thật nặng những hành vi vứt rác bừa bãi, bẻ cành lá và có những quy định nhằm hạn chế tình trạng bát nháo tại các lễ hội.  

Phạm Thị Bích (Q.10, TP.HCM): Tham dự lễ hội mà phải giành giật, chen lấn như thế thì quá nguy hiểm. Đi lễ hội như thế không biết đã cầu may được gì chưa nhưng trước mắt đã thấy quá mệt mỏi và mạo hiểm.

 

Hải Nam (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.