Cú hích từ cổ phiếu đại gia

01/02/2012 03:12 GMT+7

Không có gì liên quan giữa việc Facebook lên sàn với thị trường chứng khoán trong nước. Nhưng nếu nhìn về "lịch sử" và xét trên bối cảnh, thực trạng hiện nay có thể thấy, chứng khoán thế giới và trong nước đang có cùng một niềm hy vọng.

Bước ngoặt từ các ông lớn

Hàng ngàn nhân viên sẽ trở thành triệu phú, tỉ phú; khởi động cuộc chạy đua quyết liệt giữa các ngân hàng lớn nhất thế giới để giành cơ hội tư vấn, bảo lãnh phát hành... Cuộc IPO của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang tạo nên cơn sốt trên thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Cuộc IPO lịch sử này cũng đang được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích đưa chứng khoán toàn cầu "bứt" ra khỏi cảnh suy thoái kéo dài. Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra bởi lịch sử chứng khoán thế giới và trong nước đã nhiều lần chứng minh, việc lên sàn của các "ông lớn" có thể tạo ra những bước ngoặt cho thị trường.

 
Chứng khoán đang cần những cú hích mới - Ảnh: D.Đ.M

Tại thị trường chứng khoán nội địa, vụ lên sàn của cổ phiếu FPT cuối năm 2006 là một minh chứng điển hình cho sức mạnh của cổ phiếu đại gia. Với giá chào sàn cao gấp… 40 lần mệnh giá nhưng cổ phiếu FPT vẫn tăng trần liên tục các phiên sau đó. VN-Index đã có những phiên giao dịch bùng nổ với bước nhảy vọt chưa từng có từ việc niêm yết của FPT. Việc lên sàn của FPT cũng đã đưa gần 70 người của công ty này trở thành người siêu giàu. Hay vụ lên sàn của các ông lớn trong ngành tài chính như ngân hàng ACB, VCB, STB, CTG... những năm trước đều được nhà đầu tư đón chào và tạo được những dấu ấn mạnh mẽ với thị trường. Như vậy có thể thấy, kỳ vọng về cú hích từ cổ phiếu "đại gia" là hoàn toàn có cơ sở.

Đại gia nào sẽ lên sàn?

Facebook là kỳ vọng của chứng khoán Mỹ, vậy chứng khoán trong nước chờ đợi các "đại gia" nào lên sàn trong năm nay? Có thể khẳng định, với bối cảnh hiện tại, khó có tên tuổi nào đủ lực để trở thành "bom tấn" cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, với thực trạng thiếu trầm trọng hàng hóa (cổ phiếu) có chất lượng tốt thì việc góp mặt của những tên tuổi lớn, những thương hiệu nổi tiếng, uy tín, chắc chắn sẽ tạo làn gió mới cho thị trường trong năm nay. Có thể kể ra một số tên tuổi lớn dự kiến sẽ được cổ phần hóa trong năm 2012 như Viettel, MobiFone, Habeco, Sabeco... Tiến trình cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp này đã được khởi động từ lâu. Đây cũng là những cổ phiếu được nhà đầu tư chờ đợi nhưng vì nhiều lý do đến thời điểm này vẫn chưa được hoàn tất. Tuy nhiên, cuối năm qua, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có văn bản đề xuất niêm yết 4 doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp nhà nước khác cũng sẽ được cổ phần hóa trong năm nay. Dù không trở thành "bom tấn" nhưng chắc chắn, việc này sẽ tác động tích cực lên thị trường.

Vấn đề còn lại là chúng ta đã thực sự quyết tâm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hay chưa. Bởi trên thực tế, việc này đã được đưa ra nhiều năm nay nhưng thực hiện hết sức ì ạch, thậm chí gần như ngưng hẳn. Minh chứng rõ ràng nhất là năm 2011, chỉ cổ phần hóa được 6 doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường không thuận lợi cho việc cổ phần hóa. Hay nói thẳng ra là, do tâm lý sợ bán cổ phiếu không được giá nên ngưng lại. Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính tại TP.HCM, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải để thu tiền mà là để chuyển đổi mô hình. Cổ phần hóa là con đường duy nhất khiến cho các doanh nghiệp quốc doanh thực hiện minh bạch, công khai trước sự kiểm soát của cổ đông... Vì vậy, phải gạt bỏ tâm lý sợ "mất vốn" nhà nước khi cổ phần hóa ở giai đoạn chứng khoán ảm đạm mà phải nhìn dài hơn, xa hơn.

Điểm lạc quan là năm 2012 là năm Chính phủ quyết tâm tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước nên chắc chắn, sẽ có nhiều "ông lớn" được cổ phần hóa và tiến trình này được đẩy "chạy" nhanh hơn chứ không ì ạch như mấy năm qua.

"Hích" bằng chính sách

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng chỉ "hàng mới" thôi thì chưa đủ tạo động lực cho thị trường ấm lại. Phải có thêm cú hích từ việc mạnh dạn đưa vào áp dụng những quy định, chính sách mới. Điều mà các nhà đầu tư mong đợi nhất là đưa vào áp dụng phương án triển khai giao dịch T+2 (có thể bán chứng khoán đã mua từ ngày làm việc thứ hai thay vì ngày thứ 3 như hiện nay); nâng cao điều kiện niêm yết, phát hành; giám sát chặt chẽ hơn việc công bố thông tin của các công ty niêm yết... Tất cả những vấn đề này chắc chắn sẽ được đáp ứng. Bởi phát biểu tại phiên giao dịch đầu năm tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã khẳng định, Bộ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã bắt tay ngay vào các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán, công ty chứng khoán và các công ty bảo hiểm cũng như các định chế tài chính tín dụng khác nhằm quyết liệt khôi phục thị trường. Bộ cũng xác định, nhiệm vụ quan trọng của ngành tài chính trong năm 2012 là khôi phục lại kênh huy động vốn dài hạn cho sản xuất, kinh doanh. 

"Làn gió" đến từ những chính sách mới, sản phẩm mới chính là kỳ vọng lớn nhất cho sự ấm lại của thị trường chứng khoán trong năm 2012. 

Sự phấn khích từ facebook

Tờ The Wall Street Journal đưa tin Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, ngày 1.2 có thể nộp hồ sơ để tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Thời điểm cụ thể để niêm yết cổ phiếu trên thị trường vẫn chưa được xác nhận.

Lần IPO sắp tới của Facebook có thể sẽ là kỷ lục mới của làng công nghệ kể từ khi Google thu về 1,9 tỉ USD hồi năm 2004. Dự kiến, Facebook sẽ huy động được 10 tỉ USD khi niêm yết và giá trị thị trường đạt từ 75 - 100 tỉ USD,

Một số nhà đầu tư kỳ vọng Facebook lên sàn sẽ giúp kích thích chứng khoán Mỹ, góp phần tác động tích cực lên thị trường toàn cầu. Tờ The Wall Street Journal trích lời Max Wolff, chuyên gia phân tích của GreenCrest Capital, nói: “Sự phấn khích xung quanh Facebook vẫn còn rất lớn”. Quả thực, ngày 27.1 thông tin Facebook tiến hành IPO đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc.

Ngô Minh Trí

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.