Rủ nhau đi lễ chùa

06/02/2012 04:34 GMT+7

14 âm lịch, ở các trường ĐH vẫn là một không khí buồn tẻ. Hầu hết sinh viên (SV) đến giảng đường chỉ để điểm danh là chính.

14 âm lịch, ở các trường ĐH vẫn là một không khí buồn tẻ. Hầu hết sinh viên (SV) đến giảng đường chỉ để điểm danh là chính.

Các giảng đường ở trường ĐH bắt đầu mở cửa đón SV. Không khí học tập những ngày đầu năm tuy đông đúc nhưng rất buồn tẻ. Ai cũng muốn kết thúc tiết học sớm để còn đi chơi. L.A, sinh viên Trường ĐH Công Đoàn Hà Nội, cho biết: “Tuy có mặt ở giảng đường nhưng ít ai tập trung lắm. Hầu hết các nhóm bạn chỉ tập trung lại để chuẩn bị cho những chương trình vui chơi sau khi kết thúc giờ học”.

Trong khi đó, tại các đền, chùa và lễ hội không khó bắt gặp bạn trẻ đi theo đôi, theo nhóm xì xụp khấn vái.

Chùa Hà (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) những ngày này luôn có rất đông bạn trẻ đến thắp hương. Nhiều khách đi lễ là các nam thanh nữ tú lưng vẫn còn đeo nguyên ba lô, mặc đồng phục của trường, chọn hoa hồng để dâng lễ đầu năm.

Bạn Trần Thị Thùy Linh, SV Trường ĐH Đại Nam, cho biết năm nào cũng vậy, việc đầu tiên mà nhóm bạn thân gần 10 người của Linh đang học ở các trường khác nhau làm là hẹn đi chùa du xuân. Năm nay, tour du xuân sẽ mở màn tại chùa Hà, sau đó ra Văn Miếu - Quốc  Tử Giám xin chữ lấy may và cuối cùng là đến phủ Tây Hồ. Còn V.H.H, SV Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cùng bạn gái đến khấn vái cầu may ở chùa Hà, chia sẻ: “Ngoài cầu may mắn trong học tập, mới yêu nhau nên bọn em cũng cầu nguyện cho tình cảm hai đứa thêm gắn bó, bền chặt”.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm đến thu hút nhiều bạn trẻ. Không chỉ thắp hương, hành lễ, hầu hết bạn trẻ đến đây những ngày đầu năm để xin chữ. Theo những người viết thư pháp tại đây thì chữ: Thành, Trí, Danh, Đạt thường được bạn trẻ lựa chọn. Nói là viết miễn phí nhưng giá mỗi khung giấy cũng không dưới 100.000 đồng. Các gian hàng này luôn đông nghẹt học sinh, sinh viên xếp hàng chờ đợi...

Bên cạnh những hình ảnh các bạn trẻ cúi đầu thành tâm đi lễ, vẫn còn những hình ảnh không đẹp. Ở khu nhà bia (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) dù được ngăn cách bằng dây lụa mềm mại, lót thảm đỏ và đặt chậu hoa, cây cảnh trang trí nhưng các “cụ rùa” thường xuyên bị du khách trẻ tuổi cố tình nhảy vào xoa đầu lấy may.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hải, Phó giám đốc Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khẳng định: “Sờ đầu rùa, tì miết lên các đồ vật di sản hay rải tiền lên mái nhà cầu may là hành động không tốt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách hành xử của du khách. Những ngày đầu xuân, nhân viên bảo vệ có mặt khắp nơi để nhắc nhở và phát lên cả loa truyền thanh nhưng cũng không xuể. Không chỉ có học sinh, SV, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng tiếp tay cho hành động thiếu văn minh, bế con nhảy vào xoa đầu “cụ rùa” hay tì miết lên các cổ vật”.

Phan Hậu - Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.