“Thực hành xấu” trong bảo tồn di sản

29/02/2012 03:33 GMT+7

Đang xuất hiện nhiều tiền lệ “thực hành xấu” trong bảo tồn di sản tại nước ta. Đó là một trong những nhận định của UNESCO Việt Nam.

Đang xuất hiện nhiều tiền lệ “thực hành xấu” trong bảo tồn di sản tại nước ta. Đó là một trong những nhận định của UNESCO Việt Nam.     

Cưỡng bức văn hóa

“Rõ ràng các anh phải thuê. Nhưng đúng hội là chúng tôi phục vụ nhà Thánh với cái tâm, lộc chứ không phải vì tiền. Bởi lý do đó nên lễ hội tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long hay nhận bằng di sản UNESCO chỉ là sự mô phỏng hội Gióng. Mời anh em tôi đi diễn là phải trả tiền. Từ đấy trở đi thành cái nếp. Cho nên mình tổ chức lễ hội bây giờ phải có tiền, chứ trước đây làm gì có”, một người dân Phù Đổng cho biết trong phỏng vấn điền dã của nghiên cứu nói trên.

 
Hội Gióng - Ảnh: Lê Phú

“Hội Gióng sở dĩ giữ được như ngày nay mà trở thành di sản là do rất nhiều năm chính quyền không hề can thiệp vào. Hội chỉ hoàn toàn của dân xã Phù Đổng. Nhưng từ khi trở thành di sản thì chỉ riêng việc đem hội Gióng ra diễn không đúng giờ thiêng, không gian thiêng đã là một kiểu phá di sản rồi”, GS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, bức xúc.

Mặc dù vậy, việc diễn hội Gióng đã trở thành một “hợp đồng thời vụ” của một số người dân Phù Đổng. “Sự cưỡng bức văn hóa này sẽ đánh mất sự thiêng liêng của ngày hội, niềm tin trong tâm linh cũng như tính huyền bí và cảm hứng kịch tính của ngày hội đó”, GS Nguyễn Văn Huy nói. 

Đa dạng... sai

Vấn đề là thực hành xấu không chỉ diễn ra với di sản hội Gióng mà còn diễn ra liên tiếp với nhiều di sản khác.

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian

“Vấn đề là thực hành xấu không chỉ diễn ra với di sản hội Gióng mà còn diễn ra liên tiếp với nhiều di sản khác”, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, cho biết.

Hai thực hành xấu gần đây nhất mà ông Thịnh nêu lên, đáng buồn lại diễn ra với hai di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận. Chỉ trong vòng một tháng, đêm tôn vinh “chèo hóa hát xoan” nối đuôi “kỷ lục quan họ ngàn người”.

Bản thân kỷ lục quan họ này cũng được UNESCO Việt Nam “nhắc nhở” trong nghiên cứu của mình. Theo các nhà nghiên cứu, “hoành tráng hóa” di sản sau khi được công nhận để xứng tầm với di sản đã làm biến dạng bộ mặt và nội dung, ý nghĩa của các di sản đã được xếp hạng. Thêm vào đó, việc tranh đua lập kỷ lục trong thực hành văn hóa (bánh chưng khổng lồ, số lượng người tham gia trình diễn) tạo tiền lệ cho những “thực hành xấu” trong bảo tồn di sản. 

Bảo tồn không đối lập với hiện đại

Nhóm nghiên cứu của UNESCO cho rằng ở Việt Nam hiện nay “chưa có một hiểu biết chung về mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển và hiện đại hóa. Thậm chí, một vài cơ quan hữu quan xem việc bảo tồn di sản văn hóa như một sự đối lập với quá trình hiện đại hóa”.

“Những cơ quan khác, mặc dù thừa nhận di sản văn hóa là tiềm năng góp phần vào quá trình phát triển xã hội, nhưng không nhận thức được các phương pháp  khả thi có thể triển khai tại Việt Nam để cân bằng giữa bảo tồn văn hóa với quá trình hiện đại hóa”.

Cũng chính vì thế, nghiên cứu của UNESCO hướng tới việc nhận diện, cũng như đề xuất một số giải pháp cho việc bảo tồn di sản văn hóa trong tương quan với hiện đại hóa. Trong đó, vị trí cho ngành văn hóa trong quy hoạch phát triển là một trong những giải pháp.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.