Đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo cấp cao

24/03/2012 03:10 GMT+7

Chiều qua 23.3, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

Theo Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH được trình xin ý kiến UB Thường vụ: sẽ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Theo đó, hằng năm sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH, ủy viên UB Thường vụ QH, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán (trên tổng số đại biểu QH) 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình QH miễn nhiệm hoặc từ chức. UBTV QH sẽ xây dựng quy chế quy định cụ thể quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình QH xem xét, quyết định.

 
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tại phiên họp - Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, vẫn có một số thành viên  của QH bày tỏ băn khoăn xung quanh đề xuất này. Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường của QH cho rằng, phải rất cân nhắc, thận trọng trước khi quyết định vấn đề này. Còn bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu của QH cho rằng: Bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê duyệt thì phải bỏ phiếu đến đoàn thư ký kỳ họp chứ không chỉ ở chức danh trên. Còn ông Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch UB Tài chính, Ngân sách thì đề cập: việc đổi mới này chỉ có thể thực hiện khi có đủ 3 vấn đề thời gian, nguồn lực, khả năng giải quyết.

Nên rút ngắn thời gian họp tập trung

Đối với việc tổ chức kỳ họp QH, có 2 phương án: thứ nhất là rút ngắn thời gian họp mỗi kỳ xuống còn 20-25 ngày (so với 30-35 ngày hiện nay), mỗi năm họp 2 kỳ; một phần công việc của kỳ họp sẽ được chuyển sang hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp và các đại biểu QH chuyên trách. Phương án 2 là: mỗi năm tổ chức 3 kỳ họp. Kỳ họp thứ nhất chủ yếu về công tác xây dựng pháp luật và một số vấn đề kinh tế xã hội cấp bách, được tổ chức vào tháng 3. Hai kỳ họp tiếp theo để thảo luận, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội và một số nội dung khác, được tổ chức vào nửa đầu tháng 7 và nửa đầu tháng 11.

 

Ngày 26.3 tới, UB Thường vụ QH sẽ chất vấn Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nội vụ về những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Phiên chất vấn này  được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự nhất trí với phương án 1 là nên ổn định kỳ họp và cho rằng: “Nên tiếp tục giữ ổn định 2 kỳ họp trong năm, số ngày thì có thể tính thêm”.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng: một số nước trước đây đã nghiên cứu rất kỹ việc này nên trước họ cũng họp 2 kỳ/năm nhưng nay mỗi năm chỉ 1 kỳ. Chỉ Hiến pháp và các bộ luật đưa ra QH còn lại đều để bàn thảo ở các kỳ họp thường vụ QH. Để QH thông qua được nhiều luật họ dựa nhiều vào cơ quan thường vụ. Ông Thảo cũng cho rằng nên họp trực tuyến, dù ít áp dụng nhưng có thể họp mà không cần đầy đủ. “Thượng viện Anh 600 nghị sĩ nhưng phòng họp trực tuyến chỉ 400 ghế, nghĩa là không cần tham gia hết, chỉ lúc biểu quyết cần có mặt để đếm người”, ông Thảo lấy ví dụ.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Một số hoạt động có thể đưa về chuyên trách như việc phát tài liệu tại hội trường rồi đọc lại, buộc 500 đại biểu ngồi nghe có thể rút gọn được. Chuyển từ họp tập trung sang họp trực tuyến sẽ đỡ thời gian, công sức hơn”.

Chủ tịch QH cũng gợi ý tổ chức họp trực tuyến cho những nội dung lần đầu trình, còn cho ý kiến những phiên thảo luận và thông qua các vấn đề vẫn phải tập trung tại hội trường. Phương án rút gọn kỳ họp xuống 20-15 ngày theo đó hoàn toàn khả thi. 

Ngoài những nội dung trên, UBTV QH cũng tán thành nhiều nội dung đổi mới hoạt động của QH như cải tiến, đổi mới hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng, tổ chức kỳ họp, hoạt động đối ngoại, tiếp xúc cử tri và công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của QH.

Tuệ Nguyễn - Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.