Lễ hội Đền Hùng trước “kỳ thi” di sản

28/03/2012 03:12 GMT+7

Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức rất đặc biệt, một phần vì tín ngưỡng Hùng Vương đang đứng trước “kỳ thi” di sản của UNESCO.

Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức rất đặc biệt, một phần vì tín ngưỡng Hùng Vương đang đứng trước “kỳ thi” di sản của UNESCO.

Giới thiệu tín ngưỡng Hùng Vương

Theo ông Phạm Bá Khiêm - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, điểm nhấn trong phần lễ năm nay chính là lễ rước kiệu về đền Hùng của các xã vùng ven khu di tích như Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Vân Phú. Lễ rước kiệu sẽ diễn ra khoảng từ 9 đến 11 giờ mùng 8 tháng 3 âm lịch (29.3).

Trước đó, tọa đàm về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ văn hóa tâm linh - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cũng đã được tổ chức vào mùng 5 tháng 3 âm lịch (26.3). Bên cạnh đó, còn có triển lãm ảnh Các di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam cùng nhiều hoạt động khác.

 
Các phường xoan tham gia Lễ hội Đền Hùng - Ảnh: Lưu Quang Phổ

“Đây là một hoạt động ngoại giao văn hóa quan trọng. Qua đó, chúng ta có thể nhận được những ủng hộ chính thức, không chính thức của các nhà ngoại giao trên con đường tiến tới danh hiệu di sản văn hóa thế giới”, một nhà nghiên cứu cho biết.

Tưng bừng và “sạch”

 

Những hoạt động tại lễ hội đều mang cứ liệu quan trọng để Phú Thọ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng chính vì thế, lễ rước kiệu sẽ có sự chứng kiến của các đoàn ngoại giao, đại diện Tổ chức UNESCO tại VN, Ủy ban Quốc gia UNESCO VN. Ngoài tận mắt thấy tín ngưỡng Hùng Vương, một cuốn sách về tín ngưỡng này với ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp sẽ được dùng làm quà tặng. Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức từ mùng 5 tháng 3 âm lịch đến mùng 10 tháng 3 âm lịch (tức 26 - 31.3.2012) tập trung chủ yếu tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Phú Thọ không chỉ có Lễ hội Đền Hùng mà còn cả hát xoan - di sản thế giới mới được vinh danh. Chính vì thế, trong biểu diễn cho đoàn khách quốc tế sẽ có chương trình của phường xoan An Thái (xã Phượng Lâu).

Cũng bởi vậy, ngoài các buổi hát xoan ở TP.Việt Trì, còn có hát xoan trong hội trại tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Các đơn vị tham gia thi gồm: Việt Trì, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Phù Ninh, Lâm Thao, Đoan Hùng, Tam Nông và thị xã Phú Thọ.

Ông Khiêm cho biết theo thể lệ hội trại, ban tổ chức sẽ chấm cả hình thức và sự thu hút du khách của các trại. Những trại này mang dáng dấp kiến trúc độc đáo của dân tộc trên địa bàn tỉnh như nhà sàn của người Mường, người Cao Lan, nhà đất của người Kinh. Các trại được dựng trên diện tích từ 100 - 200m2. Song song với việc biểu diễn tại trại hằng ngày, những đội văn nghệ còn biểu diễn phục vụ nhân dân tại khu vực bức Phù điêu ở Ngã năm đền Giếng…

Bản thân tỉnh Phú Thọ cũng đã có kế hoạch tổ chức một lễ hội “sạch”, không chèo kéo, chèn ép du khách trong năm nay. Theo đó, hàng quán tại khu di tích có niêm yết giá rõ ràng, phù hợp. Những người chụp ảnh cũng không chèo kéo khách.

Ông Khiêm cho biết thêm ngoài 5 điểm chính trông giữ xe theo quy định, còn có các điểm dự phòng tại một số trụ sở ủy ban, các khu dân cư trong di tích. Tất cả các điểm trông xe đều có biển công khai trực thuộc đơn vị nào, có niêm yết giá.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.