Lập trường chung về COC

07/04/2012 03:32 GMT+7

Trung Quốc (TQ) có nhiều đòi hỏi nhất trên biển Đông và bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) có nhiều quy định ràng buộc sẽ bất lợi cho họ. Do vậy, điều dễ hiểu là TQ sẽ muốn có một COC ít ràng buộc, điều chỉnh ít vấn đề.

Nếu như các nước ASEAN không đoàn kết, không có một lập trường chung, TQ có thể sẽ dùng các thế mạnh của mình và dùng chiến thuật “bẻ từng chiếc đũa” để đạt được mục đích.

Nếu mong muốn của TQ thành hiện thực, COC sẽ chẳng tiến bộ hơn bao nhiêu so với Tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC) hiện tại. Tranh chấp trên biển Đông vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng. Hòa bình trên biển Đông vẫn sẽ mong manh.

Do vậy, các nước ASEAN cần phải cùng nhau hành động.

Ngay lời nói đầu, Hiến chương ASEAN cho rằng đã được “khích lệ và đoàn kết với nhau bởi Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, và Một Cộng đồng Đùm bọc và Chia sẻ”. Từ đó, Hiến chương cũng đã “cam kết thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng thông qua tăng cường hợp tác và liên kết khu vực, đặc biệt thông qua việc hình thành Cộng đồng ASEAN bao gồm Cộng đồng An ninh ASEAN”.

Được ghi nhận trong Hiến chương, tinh thần trên của ASEAN cần phải được thi hành trên thực tế. Nó không thể bị làm ngơ khi đề cập đến vấn đề tranh chấp biển Đông - vốn là vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay đối với an ninh ASEAN. Do vậy, ASEAN cần có một lập trường chung về vấn đề biển Đông, trước khi đàm phán với TQ.

Sau khi Hiến chương đã ra đời, các nước ASEAN cần quyết tâm tiến đến một bước mới trong các vấn đề hợp tác và hội nhập trong lĩnh vực an ninh. Việc “đoàn kết với nhau” để đi đến “một tầm nhìn” về vấn đề biển Đông còn là một vấn đề chiến lược đối với ASEAN. Để duy trì vai trò của mình đối với các vấn đề quan trọng trong khu vực, ASEAN cần phải đảm bảo sự hiện diện của mình trong những vấn đề quan trọng. Nếu như không có tiếng nói chung khi đàm phán với TQ, điều đó có nghĩa là tiếng nói của ASEAN không hiện diện. Lúc đó, vai trò của ASEAN sẽ bị nghi vấn nếu như vắng mặt trong một vấn đề an ninh nóng bỏng nhất khu vực.

Ngoài ra, việc tìm kiếm một tiếng nói chung cũng là một cơ hội để thúc đẩy sự tương hỗ và đoàn kết giữa các nước ASEAN. Nếu không đoàn kết, TQ sẽ gây áp lực hay tranh thủ các nước ASEAN ngoài tranh chấp. Các nước này có thể không đứng về phía các nước ASEAN khác.

Nếu như các nước ngoài tranh chấp hỗ trợ các nước trong tranh chấp để đàm phán với TQ, các nước trong tranh chấp này sẽ hỗ trợ lại trong các vấn đề khác.

Lý do mà các nước ngoài tranh chấp không muốn đứng về phía các nước khác có thể là vì áp lực của TQ, cũng có thể là từ lợi ích của TQ. Để khắc phục được điều này, các nước trong tranh chấp cần tính đến những bước đi chiến lược để việc đàm phán COC nên được đưa ra khuôn khổ Thượng đỉnh Đông Á, thay vì chỉ trong khuôn khổ ASEAN - TQ. 

Lê Minh Phiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.